Chương trình thể hiện sự tôn vinh công lao, đóng góp to lớn của Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông cho đất nước, dân tộc và đạo Pháp. Đồng thời, hướng đến mong nguyện cho tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc được thắp sáng để Đạo pháp mãi đồng hành cùng dân tộc; góp sức giữ gìn, xây dựng nong sông đất Việt mãi thịnh hưng như thuở Ngài trị vì.
Soi gương Phật Hoàng
Ngày 11.11 năm Nhâm Dầm là một ngày rất đặc biệt đối với Tăng Ni, Phật tử Việt Nam. Đó chính là ngày sinh nhật lần thứ 764 năm của Phật Hoàng Trần Nhân Tông - vị minh quân nguyện từ bỏ danh lợi, phú quý vinh hoa để chọn cho mình con đường đi độc đạo: xuất gia tu hành mà vẫn luôn gắn bó, lo cho thế gian, cho cuộc đời thường nhật của những người dân đất Việt.
Đối với Chùa Ba Vàng, ngày 11.11 âm lịch năm nay lại càng là một ngày đặc biệt khi nhà chùa đã kết hợp “3 trong 1” vừa kỷ niệm sinh nhật Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông vừa tổ chức tu tập bát quan trai hàng tháng kết hợp với thời khóa tu học của các thành viên CLB Tuổi trẻ Ba Vàng.
Từ sáng sớm, tràn ngập trong khuôn viên bổn tự là rực rỡ sắc màu trang phục được tái hiện từ thời Trần. Và càng đáng trân trọng hơn là tất cả đều do Phật tử các đạo tràng của chùa ở khắp mọi miền Tổ Quốc sáng tạo ra.
Trong ngày đặc biệt này, bài pháp tu Bát quan trai cho tứ chúng cũng được Thầy Trụ trì chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh lựa chọn chủ đề “Soi gương Phật Hoàng” để mỗi người con Phật soi lại cuộc đời mình, xác định lẽ sống xứng đáng là con cháu của Phật hoàng Trần Nhân Tông.
Công ơn của Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông là vô cùng to lớn trong những trang sử vàng chói lọi và hào hùng của dân tộc. Ngài không những là vua, mà còn là sơ Tổ lỗi lạc đã sáng lập ra dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử mang đậm chất Việt Nam và là tấm gương sáng ngời cho các thế hệ con dân đất Việt về cả đạo và đời.
Vì lẽ đó, Lễ kỷ niệm 764 năm ngày sinh Phật Hoàng Trần Nhân Tông được Chư Tăng Ni, Phật tử Chùa Ba Vàng đã tổ chức hết sức long trọng bên cạnh sự tri ân cũng là dịp để Phật tử soi gương, thực hành những lời dạy của Ngài. Từ đó, phát huy trong đời sống tu tập và đóng góp thiết thực vào công cuộc xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp, hạnh phúc.
Quy ngưỡng sơ Tổ, trở về nguồn cội Yên Tử, non đỉnh Phù Vân, bước theo dấu chân Phật hoàng đã đi, Thầy trụ trì Chùa Ba Vàng Thích Trúc Thái Minh cũng mong muốn Tăng Ni, Phật tử phải tinh tấn tu tập pháp Phật, phát khởi tâm Bồ đề và ứng dụng 6 Pháp Lục Hòa kính như Đức Phật chỉ dạy để làm lợi ích cho đời sống bản thân và tất cả mọi người. Việc làm này, còn ý nghĩa thể hiện sự chuyển tải Phật Pháp làm lợi ích cho thế gian và cũng là góp phần tiếp nối tinh thần “Hòa quang đồng trần” của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Đặc biệt, với tất cả tấm lòng thành kính tri ân đối với Đức Vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông, chư Đại Đức, Tăng Ni, Phật tử Chùa Ba Vàng cùng Nhân dân thập phương sẽ ngày càng nhất tâm đoàn kết, thực hiện tốt đường hướng, phương châm hoạt động của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam đó là: “Đạo pháp gắn liền với Dân tộc”. Từ đó, cũng nhằm góp phần đưa Di sản đặc biệt Yên Tử xứng tầm thế giới, đưa thành phố Uông Bí (Quảng Ninh) trở thành kinh đô Phật giáo Việt Nam.
Nguyện mong ngọn đuốc đoàn kết, hòa hợp dân tộc được thắp mãi
Sơ Tổ Phật Hoàng Trần Nhân Tông là một bậc lãnh đạo quốc gia tài giỏi kiệt xuất. Ngài được thừa hưởng truyền thống giáo dục của một Vương triều lấy Phật giáo làm cốt lõi, làm nền tảng. Ngài đã tổ chức một Hội nghị dân chủ đặc biệt mang tên Diên Hồng để cầu kiến toàn dân bàn về cách chống giặc ngoại xâm. Các nhà sử học nhận định rằng, đây là một hội nghị hiếm có trong xã hội phong kiến - đặt viên gạch đầu tiên về xây dựng một nền chủ trong một thời đại khái niệm này còn xa lạ. Đây cũng chính là tinh thần của 6 Pháp Lục Hòa kính mà Đức Phật đã từng chỉ dạy đã được Đức Vua Trần Nhân Tông áp dụng rất linh hoạt.
“Hội Diên Hồng kính già thắng giặc - Lòng từ bi chiết phục muôn dân” - Chương trình văn nghệ hoàn toàn là sản phẩm “cây nhà lá vườn” với sự dàn dựng, diễn xuất của hàng trăm nghệ sĩ “không chuyên” đều là Phật tử thuộc các CLB Cúc Vàng, CLB Tuổi trẻ Ba Vàng và các Phật tử “nhí” thuộc CLB La Hầu La. Ấy vậy mà đã làm sống lại cả một thời kỳ hào hùng cách đây gần 8 thế kỷ của dân tộc.
“Hừng hực lòng dân, hội nghị diên hồng, Trần Nhân Tông khí phách quân binh, ầm ầm như thác đổ, ầm ầm hào khí chiến thắng tam phen quân Nguyên Minh. Hào hùng thay Việt Nam ta, đất nước mến yêu hòa bình, Trần Nhân Tông- Thánh tổ anh minh, bang giao xóa bỏ hận thù, ân đức ngàn thu. Tự hào thay Việt Nam ta, đất nước mến yêu hòa bình, Trần Nhân Tông - Thánh Tổ anh minh dạy dỗ muôn dân, học pháp Phật đà, bang giao xóa bỏ hận thù, ân đức ngàn thu”.
Nghe những lời ca ấy vang lên trong đêm văn nghệ khiến ai nấy đều không khỏi xúc động, cảm phục, tự hào về một thời Hào khí Đông A bừng bừng sục sôi, căng tràn nhiệt huyết. Hội nghị các bô lão - Hội nghị Diên Hồng được mở ra năm 1284 thực là “ngày hội non sông”, thể hiện ý chí đồng lòng của vua tôi Nhà Trần quyết tâm đánh giặc; thể hiện lòng từ bi, bác ái của vị vua tài ba, nhân hậu - Phật Hoàng Trần Nhân Tông.
Rời bỏ ngai vàng, Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông lên Yên Tử khoác áo cà sa, thuyết pháp độ sinh, khai sáng thiền phái Trúc Lâm - niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam. Với tư tưởng “hòa quang đồng trần, Phật giáo nhập thế”, Phật Hoàng đã khéo léo gắn kết giữa đạo và đời, lấy đạo xây đời và qua đời dựng đạo. Trong đó, đặc biệt nổi bật hơn cả là tinh thần hòa hợp đoàn kết dân tộc cùng chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi và xây dựng phát triển đất nước, vì hạnh phúc của muôn dân.
Chính vì vậy, khi thực hành nghi lễ châm đuốc, rước đuốc, thắp sáng ngọn lửa hào hùng đoàn kết của dân tộc mở đầu chương trình “Hội Diên Hồng kính già thắng giặc - Lòng từ bi chiết phục muôn dân”, Thầy Trụ trì Thích Trúc Thái Minh đã khẳng định rất rõ mong nguyện Phật pháp trường tồn, ngọn lửa của tinh thần đoàn kết, hòa hợp dân tộc Việt Nam sáng mãi trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ Quốc.