Doanh nghiệp tham gia xử lý rác thải sinh hoạt:

Vướng mắc giá thành!

- Thứ Hai, 15/08/2022, 08:39 - Chia sẻ

Khẳng định công nghệ không phải “điểm nghẽn” trong câu chuyện xử lý tận gốc rác thải sinh hoạt, mà vướng mắc lớn nhất hiện nay với các doanh nghiệp chính là giá thành và cơ chế khuyến khích tham gia…

Còn nhiều rào cản

 Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020, có hiệu lực từ ngày 1.1.2022 quy định chi phí thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên nguyên tắc: Người xả thải phải trả phí, phí được tính dựa trên khối lượng hoặc thể tích thay cho việc tính bình quân theo hộ gia đình hoặc đầu người như hiện nay.

Cần cơ chế mạnh mẽ hơn nữa! -0
Halcom Việt Nam cùng Viện công nghệ VinIT hợp tác phát triển công nghệ plasma

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều rào cản đối với sự tham gia của doanh nghiệp và hộ gia đình để sự thông suốt đầu – cuối được hoàn thiện. Đơn cử như ngân sách dành cho quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) còn khó khăn ở nhiều địa phương, quy mô phát sinh CTR nhỏ trong khi việc liên kết vùng hạn chế, nên khó thu hút các DN tư nhân với công nghệ hiện đại. Việc tổ chức lựa chọn các DN cung ứng dịch vụ quản lý CTRSH còn chưa được công khai, minh bạch, tạo sự công bằng, bình đẳng giữa các DN.

Cùng với rào cản cơ chế, để trả lời câu hỏi đâu là điểm nghẽn trong xử lý rác?Phó tổng giám đốc Halcom Việt Nam Võ Tiến Dũng cho rằng, khi đã có đủ các loại công nghệ để xử lý các loại rác, nếu rác không đốt được, không làm phân được, không khí hóa được, thì có thể chôn lấp. “Nếu rác đó là rác hữu cơ, có thể dùng làm phân bón, biomass, nếu đốt được có thể đốt phát điện, hoặc có thể làm hạt Abs sử dụng cho các nhà máy làm xi măng hoặc các nguồn phát sinh điện thứ cấp khác,” ông Dũng phân tích.

Trên thế giới trước đây cũng như ở Việt Nam hiện nay, Halcom Việt Nam cho rằng khó khăn nhất ở đây là cơ chế và giá thành. “Ở các nước châu Âu, mất khoảng 45 – 60 USD để xử lý 1 tấn rác. Ở Việt Nam hiện nay, khoảng 390 – 450 nghìn đồng (tương đương 17 - 20 USD)/ 1 tấn rác. Chúng ta phải nhập khẩu công nghệ với giá đắt hơn về logistic vì phải vận tải về Việt Nam, nhưng lại xử lý rác với giá thấp hơn. Do đó, tính hiệu quả mới là điểm nghẽn của các nhà máy xử lý rác hiện nay!”

Từ góc độ địa phương, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường TP. Đà Nẵng Đặng Quang Vinh cho biết, hiện dự án Nhà máy xử lý rác có công suất 1.000 tấn/ngày của địa phương vẫn đang tiến hành khảo sát, mời sự quan tâm của các nhà đầu tư đối với dự án này. Tuy nhiên, dự án đang gặp vướng mắc về hình thức đầu tư theo đối tác công-tư (PPP) vì rất phức tạp. Thành phố đang rất khó khăn trong việc kêu gọi đầu tư Nhà máy xử lý rác có công suất 1.000 tấn/ngày vì thủ tục rất phức tạp và khó khăn. Đà Nẵng đang mong ngành tài nguyên và môi trường hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho thành phố nói riêng và các địa phương trong nước nói chung trong việc đầu tư nhà máy xử lý rác và hoàn chỉnh hệ thống thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn hiệu quả.

Không thể ngồi chờ mãi

Theo nhiều chuyên gia, Nghị định 08/2022/NĐ-CP mới được ban hành vẫn còn nhiều quy định cần được hướng dẫn cụ thể, chi tiết để triển khai thực hiện. Ví dụ như năng lực của doanh nghiệp tư nhân trong quản lý CTRSH còn hạn chế… bởi thực tế là các nhà đầu tư chưa thực sự quan tâm đến lĩnh vực này do lợi nhuận thấp, rủi ro cao, trong khi đó các quy định cụ thể trong chính sách chưa đủ hấp dẫn đầu tư tư nhân và chưa đồng bộ, đầy đủ.

Là một đơn vị đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực năng lượng xanh, cũng như đang phát triển dự án về năng lượng sạch, năng lượng bền vững như điện gió, điện mặt trời, những năm gần đây, Halcom Việt Nam bắt đầu mở rộng đầu tư sang dự án về xử lý rác thải, một phần là trách nhiệm doanh nghiệp với sự phát triển chung của đất nước, một phần đa dạng hóa danh mục đầu tư của công ty.

Cần cơ chế mạnh mẽ hơn nữa! -0
Nhiều địa phương đau đầu với câu chuyện rác thải sinh hoạt

Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Halcom Việt Nam Võ Tiến Dũng chia sẻ tại tọa đàm về cơ chế chính sách cho phát triển công nghệ xử lý rác thải do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, ở Việt Nam hiện bắt đầu xuất hiện dự án về phát triển công nghệ xử lý rác. Tuy nhiên, mới có 2 nhà máy chính thức đi vào hoạt động, một nhà máy ở Hà Nội, một nhà máy ở Cần Thơ. “Họ cũng mới đi vào hoạt động được nửa năm nên khó đánh giá công nghệ đó có bảo đảm, phù hợp hay không, nhất là với rác ở Việt Nam không được phân loại, không có điều kiện độ ẩm giống như ở các nước khác,” ông Dũng đặt vấn đề.

Với một nhà đầu tư trong nước như Công ty CP Halcom Việt Nam, mong muốn nhất là tìm được công nghệ hiện đại, phù hợp, bảo vệ môi trường, có thể phổ biến tới doanh nghiệp và đa số địa phương trên lãnh thổ Việt Nam. “Trong quá trình làm việc suốt 23 năm qua, chúng tôi cũng đã có liên kết với công ty của Đức, Phần Lan, Nhật Bản, mong muốn tìm ra những công nghệ tốt nhất. Tuy nhiên, hiện tại chưa có công nghệ nào thực sự được áp dụng trực tiếp tại Việt Nam. Hiện nay, công nghệ plasma đang được thí điểm, hy vọng có thể nhân rộng trong tương lai,” ông Dũng cho biết.

Chung băn khoăn về cơ chế thanh toán cho doanh nghiệp trong trong xử lý môi trường, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương Nguyễn Văn Thiền, về vấn đề vốn, hiện tại chúng ta đã hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp tham gia xử lý rác thải. Tuy nhiên việc vay nguồn vốn chỉ hạn chế định mức 50 tỷ trong khi nhiều dự án đầu tư hiện nay cần kinh phí thực hiện ít nhất… 300 tỷ.

“Các ngân hàng hiện nay đều đỏi hỏi các nguồn tài sản thế chấp nhưng việc đáp ứng rất khó khăn. Bên cạnh đó, các địa phương thường trả tiền xử lý rác vào cuối năm. Việc này rất bất cập, doanh nghiệp phải thực hiện hoạt động từ đầu năm nhưng đến cuối năm mới nhận được tiền. Do đó, doanh nghiệp không có tiền để trả tiền lương cho nhân viên dẫn tới tình trạng nợ lương 2-3 tháng, doanh nghiệp rơi vào tình trạng không có nguồn để trả lương. Do vậy, cần có sự nghiên cứu sâu về cơ chế thanh toán hợp đồng để hỗ trợ hoạt động sản xuất của doanh nghiệp xử lý rác thải,” ông Thiền chia sẻ từ vướng mắc thực tế.

Lê Tùng
#