Tạo không gian mới cho sự phát triển làng nghề

- Thứ Tư, 27/12/2023, 19:02 - Chia sẻ

"Về vấn đề quy hoạch, chúng ta cần tạo ra không gian mới cho sự phát triển làng nghề. Trong phân loại làng nghề hiện nay, nếu nhìn ở góc độ kinh tế và môi trường, có hai loại, là làng nghề truyền thống và làng nghề tái chế. Trong các quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành ở các cấp, làm sao tổ chức lại không gian phát triển cho làng nghề."- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi nhấn mạnh.

Vai trò của làng nghề cần được nhìn nhận một cách đầy đủ, toàn diện

Vấn đề nhận thức về làng nghề, đặc biệt là vấn đề ô nhiễm môi trường chúng ta đã nhận thức khá lâu. Từ những năm 1996- 1997, đã có các đề tài, dự án đầu tiên nghiên cứu về ô nhiễm môi trường làng nghề, sau đó có đề án, đề tài khoa học, nhiệm vụ lớn hơn. Khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 577/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, vấn đề bảo vệ môi trường làng nghề được nhìn nhận đánh giá đầy đủ, toàn diện. Trong Đề án cũng nêu đầy đủ, chi tiết các nhiệm vụ, giải pháp cần phải quan tâm tổ chức thực hiện trong việc hướng tới sự phát triển bền vững các làng nghề Việt Nam. 

Nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy đối với phát triển làng nghề -1
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi phát biểu tại Hội thảo “Phát triển làng nghề: Cân bằng kinh tế và môi trường". Ảnh: Duy Thông

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 801/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình bảo tồn và phát triển làng nghề Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, trong đó, cách nhìn nhận với làng nghề có sự phát triển mới. Và vai trò của làng nghề cần có sự bảo tồn, bởi trong đó bao gồm yếu tố truyền thống, văn hóa, bên cạnh yếu tố kinh tế và môi trường. 

Phát biểu tại Hội thảo “Phát triển làng nghề: Cân bằng kinh tế và môi trường", Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi cho rằng: "Đã đến lúc chúng ta cần nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy đối với phát triển làng nghề. Ở đây, rõ ràng, chúng ta thấy sự đóng góp của làng nghề, nhưng bản thân người dân làng nghề, hộ dân, cơ sở sản xuất ở đó cũng phải thay đổi tư duy, có trách nhiệm tham gia bảo vệ môi trường. Bởi nếu không có trách nhiệm, các sản phẩm hàng hóa người dân, cơ sở sản xuất ra rất khó tiêu thụ, nhất là trong các thị trường trong nền kinh tế hội nhập quốc tế hiện nay."

Bên cạnh đó, bản thân cơ quan quản lý, người làm chính sách cũng cần nhìn nhận vai trò của làng nghề một cách đầy đủ và toàn diện, bởi vấn đề ô nhiễm môi trường làng nghề hết sức cấp bách và cần có giải pháp cấp bách để giải quyết. "Tôi cho việc thay đổi tư duy, nhận thức rất quan trọng!"- Phó Chủ nhiệm Tạ Đình Thi nói.

Quan tâm các công cụ tài chính

Phó Chủ nhiệm Tạ Đình Thi cho rằng, về vấn đề quy hoạch, chúng ta cần tạo ra không gian mới cho sự phát triển làng nghề. Trong phân loại làng nghề hiện nay, nếu nhìn ở góc độ kinh tế và môi trường, có hai loại, là làng nghề truyền thống và làng nghề tái chế. Trong các quy hoạch tỉnh, quy hoạch ngành ở các cấp, làm sao tổ chức lại không gian phát triển cho làng nghề."

Thứ hai, cần chú ý các công cụ chính sách về kinh tế, tài chính, như thuế, phí, hay việc đặt cọc - hoàn trả. Ví dụ, người dân tham gia bảo vệ môi trường, phải đặt cọc khoản tiền nào đó, khi thực hiện đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn thì có thể được trả lại; hoặc có các quỹ bảo vệ môi trường, hay cơ chế tín dụng khác liên quan đến thuế, phí... Đây là các công cụ tài chính cần được hết sức quan tâm phát huy để có sự khuyến khích và hỗ trợ cho người dân, cơ sở sản xuất làng nghề. 

Thứ ba, trong việc chuyển đổi mô hình phát triển, hiện nay các mô hình về kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp… chúng ta có thể nghiên cứu thí điểm trong các làng nghề. Kinh tế tuần hoàn trên thực tế có thể hiểu là mô hình thiết thực để tuần hoàn nguyên liệu đầu ra, đầu vào đối với các vùng sản xuất, với các làng nghề. Vừa qua, mô hình nào làm tốt phải được nhân rộng, phát triển lên với các làng nghề khác nhau, đặc biệt tập trung vào các địa phương, khu vực tập trung các làng nghề, như một số tỉnh ở khu vực miền Bắc.

Nâng cao nhận thức và thay đổi tư duy đối với phát triển làng nghề -0
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi phát biểu tại Hội thảo “Phát triển làng nghề: Cân bằng kinh tế và môi trường". Ảnh: Duy Thông

Cùng với đó, bên cạnh việc cưỡng chế, thanh tra, kiểm tra đối với việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường ở các làng nghề, cần làm tốt công tác truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng. "Hiện nay trong Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Điều 56 có quy định bảo vệ môi trường trong làng nghề. Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường có Điều 34 cũng quy định về bảo vệ môi trường làng nghề. Pháp luật về môi trường đã được ban hành nhưng cần quan tâm thực thi trên thực tế và việc chấp hành, cưỡng chế cũng cần đẩy mạnh trong thời gian tới."- Phó Chủ nhiệm Tạ Đình Thi nói.

"Chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp với lộ trình cụ thể và khả thi. Nhưng vấn đề quan trọng nhất theo tôi vẫn là trách nhiệm tham gia của cộng đồng và công cụ kinh tế, tài chính vẫn là đòn bẩy trực tiếp để hỗ trợ bảo đảm cân bằng kinh tế và môi trường ở các làng nghề hiện nay."

Ông Tạ Đình Thi
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội 

Nguyễn Thảo lược ghi
#