Sẽ ban hành bộ định mức kinh tế, kỹ thuật xử lý chất thải rắn sinh hoạt

- Thứ Bảy, 06/04/2024, 07:42 - Chia sẻ

Hiện nay, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng, lượng chất thải sinh hoạt theo đó cũng phát sinh ngày càng nhiều, tạo gánh nặng cho ngành môi trường và địa phương. Trước tình trạng này, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện bộ định mức kinh tế, kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Đây là cơ sở pháp lý giúp các địa phương thúc đẩy hoạt động phân loại chất thải rắn tại nguồn, biến chất thải thành tài nguyên, bảo đảm môi trường sống xanh sạch, an toàn.

Khoảng 30 địa phương bắt đầu triển khai phân loại

Theo thống kê, hiện Việt Nam đang thải ra môi trường khoảng 60.000 tấn rác sinh hoạt một ngày, trong đó khoảng 60% là rác thải sinh hoạt đô thị. Trên 70% lượng rác này được xử lý bằng phương pháp chôn lấp, trong đó chỉ có khoảng dưới 20% là được chôn lấp hợp vệ sinh. Lượng rác chôn lấp không hợp vệ sinh đang hàng ngày gây ô nhiễm cho môi trường đất, môi trường nước và không khí. Vấn đề này trở nên đặc biệt nghiêm trọng ở các thành phố lớn.

Giải quyết bài toán từ rác thải, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã đưa ra các quy định về việc quản lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH). Theo đó, từ ngày 1.1.2025, phân loại CTRSH là việc làm bắt buộc với mọi cá nhân và hộ gia đình. CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân sẽ phân loại theo nguyên tắc như sau: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác.

Tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt
Tờ rơi hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt

Đối với hộ gia đình, cá nhân ở đô thị phải chứa, đựng CTRSH sau khi thực hiện phân loại phải lưu giữ vào các bao bì riêng theo từng loại và chuyển giao cho các tổ chức, cá nhân có chức năng tương ứng; chất thải thực phẩm có thể được sử dụng làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi… Đối với hộ gia đình, cá nhân ở nông thôn phát sinh CTRSH sau khi thực hiện phân loại phải thực hiện quản lý như sau: Khuyến khích tận dụng tối đa chất thải thực phẩm để làm phân bón hữu cơ, làm thức ăn chăn nuôi; chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được chuyển giao cho tổ chức, cá nhân tái sử dụng; tái chế hoặc cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; chất thải thực phẩm nếu không được tận dụng làm thức ăn chăn nuôi hoặc làm phân bón hữu cơ phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH; CTRSH khác phải được chứa, đựng trong bao bì theo quy định và chuyển giao cho cơ sở có chức năng thu gom, vận chuyển CTRSH.

Thực hiện quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, theo thống kê của Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, đến nay đã có 16 tỉnh/thành phố ban hành quy định về quản lý CTRSH trên địa bàn, khoảng 30 địa phương bắt đầu phân loại CTRSH.

Luôn đồng hành cùng địa phương

Để đồng hành với địa phương trong triển khai, bảo đảm việc thực hiện phân loại CTRSH đáp ứng theo yêu cầu và lộ trình của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Văn bản số 9368/2023 hướng dẫn kỹ thuật phân loại CTRSH. Hướng dẫn này đưa ra nhận diện tối đa chủng loại CTRSH phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân và phân loại thành 3 nhóm chất thải chính theo đúng quy định tại Khoản 1 Điều 75 Luật Bảo vệ môi trường gồm: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; CTRSH khác.

Trong đó, Nhóm 1 là chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế, bao gồm: giấy thải; nhựa thải; kim loại thải; thủy tinh thải; vải, đồ da; đồ gỗ; cao su; thiết bị điện, điện tử thải bỏ... Nhóm 2 là chất thải thực phẩm bao gồm: thức ăn thừa; thực phẩm hết hạn sử dụng; các loại rau, củ, quả, trái cây và các phần thải bỏ sau khi sơ chế, chế biến món ăn; các sản phẩm bỏ đi từ thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản... Nhóm 3 là CTRSH khác, gồm: chất thải nguy hại; chất thải cồng kềnh; chất thải khác còn lại...

Đặc biệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang hoàn thiện và sẽ ban hành bộ định mức kinh tế, kỹ thuật về công tác thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH. Đồng thời, sửa Thông tư số 02/2022 quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, đưa thêm nội dung phương pháp định giá cho thu gom, vận chuyển rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình để giúp địa phương làm cơ sở tính giá.

Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm, Bộ Tài nguyên và Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tổ chức các đoàn công tác xuống các địa phương để tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ địa phương triển khai hoạt động phân loại CTRSH tại hộ gia đình, cá nhân. Bên cạnh đó, Bộ sẽ rà soát, kiểm tra các địa phương đã và đang triển khai các mô hình phân loại rác tại nguồn để xem địa phương có thực hiện theo đúng các quy định của Luật hay không. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng sẽ phối hợp với các địa phương báo cáo, đề xuất Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ nguồn lực đầu tư hạ tầng thu gom, vận chuyển và xử lý rác.

Ngoài ra, bộ sẽ tổ chức đào tạo, tập huấn các lớp tuyên truyền viên phân loại CTRSH tại các hộ gia đình. Mỗi địa phương thành lập tổ, nhóm, đội tuyên truyền viên để tuyên truyền, vận động người dân theo từng địa bàn, khu vực để tổ chức phân loại theo quy định. Thông qua chương trình này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về giảm thiểu CTRSH, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về ý thức, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường của người dân.

NHẬT ANH
#