Rà soát các quy định chưa phù hợp liên quan đến dịch vụ môi trường rừng

- Thứ Bảy, 27/07/2024, 07:32 - Chia sẻ

Kết quả kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam và các địa phương giai đoạn 2020 - 2022 của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, vẫn còn một số bất cập, hạn chế. Kiểm toán Nhà nước kiến nghị UBND các tỉnh rà soát lại các quy định chưa phù hợp trong việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng.

Còn sai sót trong chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng

Theo Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng một số địa phương chưa rà soát, xác định hoặc xác định không đúng các tổ chức thuộc đối tượng phải trả tiền dịch vụ môi trường rừng để bổ sung nguồn thu theo quy định. Bên cạnh đó, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng Việt Nam chưa có biện pháp để thu hút nguồn thu viện trợ, tài trợ, các địa phương còn đối tượng chưa kê khai, chậm nộp hoặc chưa nộp tiền dịch vụ môi trường rừng. Quản lý chi còn để tồn dư nguồn kinh phí dịch vụ môi trường rừng lớn, trong khi chưa có giải pháp triệt để để chi trả cho các đối tượng phục vụ hoạt động bảo vệ rừng theo quy định. Việc thực hiện chi trả tiền dịch vụ môi trường rừng của Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng và một số chủ rừng tại các địa phương còn sai sót.

Ngoài ra, việc thực hiện trồng rừng thay thế đối với diện tích đất rừng đã được chuyển đổi mục đích sử dụng sang mục đích khác còn hạn chế. Diện tích rừng chưa được trồng theo phương án. Một số dự án chưa trồng đủ diện tích rừng và còn nợ tiền trồng rừng thay thế phải nộp; đơn giá trồng rừng thay thế còn sai sót...

Về kết quả cụ thể, KTNN cho biết, tại các địa phương được kiểm toán, một số Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng đã tham mưu UBND tỉnh điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng của các diện tích có đơn giá lớn hơn 600.000 đồng/ha để bổ sung cho các đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng thuộc lưu vực có đơn giá chi trả thấp hơn là chưa phù hợp quy định. Một số quỹ chưa thực hiện điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng của các chủ rừng được thanh toán lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng theo quy định. Các Quỹ Bảo vệ và phát triển triển rừng cho một số chủ rừng tạm ứng tiền dịch vụ môi trường rừng về số lần và tỷ lệ tạm ứng trong năm chưa phù hợp với quy định của UBND tỉnh. Một số chủ rừng có thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng nhưng chưa hoặc chậm nộp báo cáo quyết toán kinh phí chi trả dịch vụ môi trường rừng cho quỹ.

Việc ban hành Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành làm cơ sở để các địa phương thành lập Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng, giúp các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, tiền trồng rừng thay thế và các nguồn tài chính hợp pháp khác phục vụ bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo kết quả kiểm toán, tại các địa phương còn hạn chế nhất định trong công tác ban hành văn bản; công tác quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng; công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; công tác thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng; các quy định về cơ chế chính sách, các văn bản quản lý khi áp dụng vào thực tế tại các địa phương còn bộc lộ những bất cập dẫn đến các địa phương khó khăn khi thực hiện.

Cụ thể, điểm b khoản 1 Điều 68 và khoản 1 Điều 69 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định thời gian thông báo số tiền dịch vụ môi trường rừng dự kiến và thời gian xác định số tiền này được điều phối nhưng không quy định thời gian điều phối tiền dịch vụ môi trường rừng từ quỹ trung ương cho các quỹ địa phương; chưa quy định mẫu biểu, thời điểm và thời hạn báo cáo tiền dịch vụ môi trường rừng. Tại điểm k khoản 2 Điều 76 chưa quy định thời hạn và thời điểm lập, gửi báo cáo hằng năm về tình hình thu chi tiền dịch vụ môi trường rừng của quỹ địa phương về quỹ trung ương.

Văn bản quản lý cần chặt chẽ, cụ thể hơn

Cũng theo KTNN, mức thu phí dịch vụ môi trường rừng của một số loại hình sử dụng dịch vụ môi trường rừng còn khá thấp nên mức chi trả cho bên cung cấp dịch vụ chưa thỏa đáng. Chẳng hạn, mức thu tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện (loại hình chiếm đa số trong sử dụng dịch vụ môi trường rừng) nhưng mức thu hiện tại chỉ là 36 đồng/KWh. Vì vậy, mức chi trả cho các cộng đồng dân cư, hộ nhận khoán không thỏa đáng, khó để họ duy trì cuộc sống và tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng.

Tại khoản 3 Điều 57 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định đối tượng thu tiền dịch vụ môi trường rừng là cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp, nhưng không đề cập, hướng dẫn thu tiền dịch vụ môi trường rừng đối với trường hợp các cơ sở vừa sản xuất công nghiệp vừa sản xuất nông nghiệp hoặc sản xuất, kinh doanh ngành nghề khác. Điều này gây khó khăn cho việc xác định, thu tiền của các đối tượng này.

Chính sách hiện cũng chưa quy định đối tượng phải trả dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản là các hợp tác xã theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 63 của Luật Lâm nghiệp 2017 (chỉ quy định đối tượng phải trả dịch vụ môi trường rừng là doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản hoặc doanh nghiệp liên kết với các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản). Do vậy, Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng cấp tỉnh không có căn cứ để thu tiền dịch vụ môi trường rừng đối với đối tượng cơ sở nuôi trồng thủy sản là các hợp tác xã. Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có quy định hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tiền cho thuê dịch vụ môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định tại khoản 6 Điều 23 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP…

KTNN kiến nghị các bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội xem xét xử lý, bổ sung các quy định, ban hành các văn bản quản lý theo hướng chặt chẽ hơn, cụ thể hơn. UBND các tỉnh cần rà soát lại các quy định chưa phù hợp trong việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Cùng với việc kiểm điểm xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng lãng phí, sai quy định tiền dịch vụ môi trường rừng, cần phải có giải pháp để đôn đốc các tổ chức sử dụng dịch vụ môi trường rừng nhưng chưa nộp tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định.

Minh Châu
#