Nỗ lực bảo vệ nguồn nước trước biến đổi khí hậu

- Thứ Sáu, 29/03/2024, 06:52 - Chia sẻ

Trước tác động ngày càng tiêu cực và khó dự báo của biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước đã và đang là vấn đề cấp bách được các bộ, ngành, chính quyền các địa phương, người dân đặc biệt quan tâm. 

An ninh nguồn nước - thực trạng đáng lo

Việt Nam được đánh giá là quốc gia có nguồn tài nguyên nước khá phong phú, dồi dào. Tổng lượng nước mặt trung bình khoảng 840 tỷ mét khối/năm. Theo thống kê, cả nước có 3.450 con sông, suối lớn nhỏ, với chiều dài từ 10km trở lên, tổng lượng nước mặt trung bình khoảng 840 tỷ mét khối/năm; hơn 7.500 đập, hồ chứa đã tạo nên dung tích trữ nước chủ động trên 70 tỷ mét khối.

Nguồn nước là sự sống, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của đất nước, sinh kế của người dân; do đó, bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn đập, hồ chứa nước luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, đạt được nhiều kết quả tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đời sống, sinh hoạt của người dân qua các thời kỳ.

Tuy nhiên, những năm gần đây, việc phát triển công nghiệp chưa gắn với bảo đảm an ninh nguồn nước đã làm suy giảm số lượng, chất lượng nguồn nước, thậm chí gây mất an ninh nguồn nước. Trong khi đó, công tác bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn đập, hồ chứa nước còn nhiều hạn chế; quản trị nguồn nước còn yếu, chưa hiệu quả. Ý thức, trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, địa phương và người dân trong việc quản lý, khai thác, sử dụng nước chưa cao; ô nhiễm nguồn nước ngày càng nghiêm trọng... Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh, các hoạt động sản xuất công nghiệp, nông nghiệp gia tăng kéo theo các hoạt động xả nước thải, nhất là nước thải chưa được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn xả vào nguồn nước đã và đang tác động lớn đến số lượng, chất lượng nguồn nước các sông, suối…

Theo Giám đốc Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam Văn Ngọc Thịnh, những hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, khô hạn kéo dài, lũ lụt với cường độ tần suất ngày một lớn... là những nguyên nhân chính làm gia tăng cuộc khủng hoảng liên quan đến nguồn tài nguyên nước ngày càng trầm trọng hơn ở khắp mọi nơi. 

Quản lý nguồn nước an toàn, hiệu quả

Có thể thấy, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh đến tài nguyên nước ở nước ta, gây ra nhiều hệ lụy như hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước… Đơn cử, tại đồng bằng sông Cửu Long - một trong những khu vực chịu tác động lớn của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, lún sụt đất... Do đó, yêu cầu cấp bách đặt ra đó là cần xây dựng, mục tiêu, kế hoạch và các giải pháp để ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ nguồn tài nguyên nước nói chung.

Thực tế thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương đã đưa ra nhiều giải pháp như: tích trữ nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để thích ứng với tình hình thực tế. Tuy nhiên, đây mới chỉ là những giải pháp trước mắt và tạm thời. Theo các chuyên gia về môi trường, trước tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, cần có một chiến lược quản lý nguồn nước an toàn và hiệu quả. Chiến lược đó phải hướng tới mục tiêu tăng cường hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nước; tiến tới ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tình trạng ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt bảo đảm khai thác, bảo vệ hiệu quả các nguồn nước, đáp ứng yêu cầu đòi hỏi từ thực tiễn.

Đơn cử, khắc phục tình trạng xâm nhập mặn, thiếu nước sinh hoạt ở đồng bằng sông Cửu Long cần theo hướng thích nghi có kiểm soát, chủ động tạo ra chế độ nước hợp lý trên nền chế độ tự nhiên, làm giảm mức độ rủi ro, bấp bênh trong các hoạt động kinh tế - xã hội, nhất là ngành nông nghiệp. Cùng với đó, cần lồng ghép các vấn đề trọng yếu như bảo đảm an ninh nguồn nước, ngập nước và suy thoái đồng bằng vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của khu vực này cũng như của quốc gia; xây dựng kế hoạch, quy hoạch dài hạn cho các vấn đề liên quan đến nguồn nước. Đồng thời, nghiên cứu giải pháp chủ động cấp nước ngọt cho các vùng hạn mặn và khan hiếm nước...

Để bảo đảm an ninh nguồn nước, cần rà soát, cập nhật, thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước về quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; thể chế hóa và nội luật hóa những nội dung điều ước, thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã tham gia; quy hoạch tài nguyên nước quốc gia và các quy hoạch tổng hợp lưu vực sông; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án nhằm tăng cường bảo vệ, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước; xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về tài nguyên và môi trường, tăng cường năng lực, hiện đại hóa hệ thống quan trắc, dự báo; ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo, vận hành hiệu quả hệ thống dự báo, cảnh báo sớm, giảm nhẹ rủi ro thiên tai; tăng cường các giải pháp xanh, các dự án năng lượng tái tạo đối với các vấn đề toàn cầu về khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, đa dạng sinh học và sinh kế người dân, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành

Khánh Duy