Miền Tây Nam bộ chủ động sống chung với hạn, mặn

- Thứ Tư, 20/03/2024, 07:21 - Chia sẻ

Hạn hán, xâm nhập mặn là cụm từ khá quen thuộc với người dân từ nhiều năm nay; hàng năm, dự báo hạn mặn đều được cơ quan chức năng thông báo trước nên với người dân miền Tây Nam bộ, câu chuyện của hiện tại không phải là lo sợ trước sự gay gắt của thiên nhiên, mà là chia sẻ các giải pháp chủ động sống chung với hạn mặn.

Bảo đảm sản xuất vào mùa khô

Để chủ động và hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại do hạn mặn làm ảnh hưởng đến đời sống, sản xuất, các cấp chính quyền địa phương tỉnh Bạc Liêu đã tích cực triển khai các giải pháp gắn liền với thực tế sản xuất và tập quán sinh hoạt của người dân.

Với sự chủ động của mình, người nông dân đã khai thác tốt nguồn tài nguyên nước mặn
Với sự chủ động của mình, người nông dân đã khai thác tốt nguồn tài nguyên nước mặn. 
Đơn cử tại thị xã Giá Rai, một trong những địa phương thường xuyên chịu sự xâm lấn của hạn mặn, chính quyền địa phương đã sớm tìm cách giúp người dân hài hòa sản xuất được ở cả hai vùng mặn, ngọt; theo ông Phạm Văn Hai ở xã Phong Tân, thị xã Giá Rai: trước dự báo tình trạng hạn mặn khá gay gắt vào mùa khô năm 2024, ông vẫn xuống giống 3ha sản xuất lúa vụ đông xuân. “Dù đang cao điểm mùa khô, nhưng ở Giá Rai nước ngọt phục vụ cho sản xuất lúa vụ 3 vẫn bảo đảm, ngành nông nghiệp địa phương cũng luôn thường xuyên cập nhật thông tin về độ mặn, ảnh hưởng của tình hình hạn hán để người dân trên địa bàn nắm rõ và có sự chủ động trong sản xuất” - ông Hai cho biết.

Là địa phương cuối nguồn nước ngọt, đầu nguồn nước mặn, thị xã Giá Rai có 7.300ha lúa đông xuân, 29.000ha nuôi trồng thủy sản. Nhờ chủ động các giải pháp, nạo vét các tuyến kênh nội đồng để khơi thông thuận lợi cho bơm tưới nên người dân sẽ không bị thiệt hại do hạn mặn.

Vụ lúa Đông Xuân năm 2023 - 2024, tỉnh Bạc Liêu xuống giống hơn 45.000ha, tập trung tại các huyện Vĩnh Lợi, Hồng Dân, Phước Long và thị xã Giá Rai. Cũng nhờ sự chủ động trong công tác thông tin tuyên truyền và thực hiện các giải pháp tích trữ nước, vận hành các cống mặn - ngọt… nên dù đang vào cao điểm mùa khô, người dân vẫn an tâm sản xuất. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Mười: ngoài điều tiết nước ngọt cho vùng sản xuất lúa, nước mặn cho vùng lúa tôm, Bạc Liêu còn thực hiện việc điều tiết nước liên tỉnh để bảo đảm yêu cầu sản xuất của các tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Hậu Giang.

Tương tự tại Sóc Trăng, dự báo tình hình hạn mặn năm 2023 - 2024 đến sớm và tiến sâu vào nội đồng nên tỉnh cũng đã chủ động xây dựng lịch thời vụ phù hợp, né hạn mặn rất hiệu quả. Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển Nông thôn tỉnh Huỳnh Ngọc Nhã cho biết: vùng có nguy cơ cao bị xâm nhập mặn sớm là hai huyện ven biển Trần Đề và Long Phú với diện tích gần 40.000ha đất trồng lúa. Ngoài ra, huyện Kế Sách là vùng hở, có khả năng trữ nước thấp nên cũng dễ bị ảnh hưởng đến hơn 16.000ha diện tích cây ăn trái và 9.000ha lúa. Do vậy, ngay từ đầu năm, cơ quan chức năng đã liên tục khuyến cáo nông dân những vùng này không xuống giống vụ Đông Xuân muộn hoặc chuyển đổi sang cây trồng cạn và bà con đã thu hoạch trước Tết, đạt năng suất cao và bán được giá.

Biến nguy thành cơ

Đã quen với hạn mặn, nên thay vì trông chờ sự tiếp ứng từ chính quyền và ngành nông nghiệp, người dân vùng bị ảnh hưởng đã nghĩ ra nhiều cách làm sáng tạo để có thể bảo đảm sản xuất, gia tăng thu nhập cho gia đình. Cụ thể, ở huyện Trần Văn Thời, nhiều nông dân đã tranh thủ sản xuất vụ lúa Đông Xuân sớm để kịp xuống giống trồng vụ màu trên đất lúa; đơn cử như hộ gia đình anh Trần Văn Bắc ngụ ở xã Trần Hợi, sau khi thu hoạch lúa vụ 3 an toàn, bán được giá cao, anh Bắc đã nhanh chóng gieo bí đỏ trên diện tích hơn 4ha, gia đình anh thu về hơn 400 triệu đồng - số tiền gấp đôi hai vụ làm lúa.

Cùng với các công trình trữ nước, hệ thống thủy lợi của Nhà nước, người dân các vùng xâm nhập mặn ở miền Tây Nam bộ cũng đã sử dụng các kênh mương hiện có để trữ nước; đồng thời, tự đào các ao đìa để bảo đảm đủ chứa lượng nước mưa, đáp ứng cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt. 

Theo chia sẻ của người dân, trước quy luật của thiên nhiên, họ đã chủ động "biến nguy thành cơ", biến nước mặn thành nguồn tài nguyên, mang lại thu nhập tốt, như mô hình tôm - lúa, tôm - lúa - cua ở Kiên Giang là ví dụ điển hình. Nếu như trước đây, người dân huyện An Biên, Kiên Giang, hay người dân ở Long Mỹ, Hậu Giang chỉ làm một vụ lúa mùa duy nhất, thì nay nhiều người đã năng động áp dụng mô hình tôm - lúa với những giống lúa - tôm phù hợp với độ mặn nhất định của vùng đất này. Theo đó, trên cùng một diện tích, khi trồng lúa, lúc nuôi tôm, nông dân giảm được chi phí phân bón và vệ sinh đồng ruộng mà năng suất chất lượng sản phẩm lại vừa cao, vừa ngon. Với những cải tiến của khoa học kỹ thuật và sự sáng tạo, chăm chỉ vốn có của mình, người nông dân hiện đã không phải canh cánh lo lắng mỗi khi đến mùa khô hạn, xâm nhập mặn, thậm chí, ở nhiều nơi, nước mặn đã trở thành nguồn tài nguyên mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Bài và ảnh: Vũ Châu
#