Hoàn thiện pháp luật về cứu nạn, cứu hộ ứng phó với thảm hoạ, thiên tai và biến đổi khí hậu

- Thứ Sáu, 01/07/2022, 13:36 - Chia sẻ

Sáng 1.7, tại Hà Nội, Bộ Công an, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ với chủ đề “Công tác cứu nạn, cứu hộ trong thảm hoạ, thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu”. Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ chủ trì Hội thảo.

Tham dự có: Hiệu trưởng Trường Đại học phòng cháy chữa cháy, Thiếu tướng Lê Quang Bốn; Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Ngọc Sơn...

Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ chủ trì Hội thảo
Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an Trần Quốc Tỏ chủ trì Hội thảo

Tại Hội thảo, các đại biểu nêu rõ, biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn đối với nhân loại trong thế kỷ XXI, ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái, tài nguyên môi trường và cuộc sống của con người. Đây là yếu tố gây ra các hiện tượng thời tiết cực đoan dẫn đến các thảm họa, thiên tai với mật độ diễn ra thường xuyên và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Thảm họa, thiên tai ngày càng có xu hướng diễn biến phức tạp hơn, mỗi năm cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người, khiến hàng triệu người khác phải sơ tán, mức độ thiệt hại về kinh tế ngày càng gia tăng. Việt Nam là quốc gia dễ bị tổn thương trước tác động của biển đổi khí hậu. Đặc biệt, thiên tai xảy ra trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp đã gây ra nhiều khó khăn, thách thức cho công tác phòng ngừa, ứng phó.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Để hạn chế các rủi ro và tổn thất tài chính, các đại biểu cho rằng, chính quyền các cấp từ trung ương đến địa phương và mỗi người dân cần nâng cao nhận thức, chủ động về nguồn lực, phương án, có các biện pháp thích ứng... để sẵn sàng ứng phó với các tác động của biển đổi khí hậu.

Hiện nay, hoạt động tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai và các sự cố tai nạn khác liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, như: Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (cấp Trung ương); các Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các bộ, cơ quan ngang bộ và UBND các cấp. Công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ được điều chỉnh bởi nhiều văn bản, do đó, các quy định về công tác phối hợp, chế độ thông tin, thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện, chỉ huy cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố, tai nạn, hoặc thiên tai xảy ra còn chồng chéo. Mặt khác, những quy định liên quan đến phân công trách nhiệm, phối hợp trong tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ đối với các lực lượng chuyên trách (đặc biệt là lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) trong ứng phó với rủi ro thiên tại ở các cấp độ cao chưa có quy định cụ thể. Nghị định số 83/2017/NĐ-CP hiện mới quy định công tác cứu nạn, cứu hộ đối với các sự cố, tai nạn ở cấp độ thấp, xảy ra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống, sinh hoạt thường nhật. Vì vậy, việc hoàn thiện pháp luật về tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ ứng phó với biến đổi khí hậu, khắc phục hậu quả thiên tai là cấp thiết. 

Toàn cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Các đại biểu cho rằng, cần ban hành các quy định huy động lực lượng, phương tiện, tổ chức chỉ huy hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ phù hợp với quy định cấp độ rủi ro thiên tai được quy định tại Quyết định số 18/2021/QĐ-TTg ngày 22.4.2021 của Thủ tướng Chính phủ. Cấp độ rủi ro thiên tai là sự phân định mức độ thiệt hại do thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế - xã hội. Theo quyết định này, cấp độ rủi ro thiên tai được quy định thành 5 cấp độ (trong đó cấp độ 5, là cấp độ có khả năng gây thảm họa, thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản, công trình hạ tầng, môi trường sinh thái).

Cần rà soát các quy định trong các văn bản pháp luật hiện hành để quy định thống nhất thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện; xác định cơ chế phối hợp, trách nhiệm của các lực lượng tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn; thành phần tham gia chỉ huy, chỉ đạo; công tác hậu cần bảo đảm phù hợp với quy mô, tính chất, mức độ của các sự cố, tai nạn, loại hình thiên tai, địa hình nơi xảy ra sự cố, tai nạn. Đồng thời, có quy định cụ thể về trách nhiệm xây dựng kế hoạch ứng phó, xây dựng phương án, tổ chức thực tập phương án có nhiều lực lượng, phương tiện tham gia theo cấp độ rủi ro thiên tai tại các địa phương.

đại biểu trình bày tham luận
Đại biểu trình bày tham luận

Các đại biểu dự Hội thảo đã xem trình diễn phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ phối hợp nhiều lực lượng.

Hồ Long