Chất lượng nước suy giảm đẩy con người đến gần các rủi ro nguy hiểm

- Chủ Nhật, 02/07/2023, 21:10 - Chia sẻ

Dù được đánh giá là đa dạng và phong phú, bao gồm cả nguồn nước mặt và nước ngầm ở các thủy vực tự nhiên và nhân tạo, tuy nhiên do sản lượng nội sinh chỉ chiếm 40% nên Việt Nam vẫn bị coi là quốc gia thiếu nước… Chất lượng nước suy giảm nghiêm trọng đã hủy hoại môi trường sống và đẩy con người đến gần các rủi ro nguy hiểm.

Phân bố không đều dù dồi dào

Theo số liệu của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Việt Nam hiện có 3.450 con sông, suối có tổng chiều dài từ 10km trở lên, với tổng lượng nước khoảng 7.936 tỷ mét khối, tức là trung bình cả năm 936.000 tỷ mét khối. Với lượng tài nguyên như vậy, nếu xét theo bình quân đầu người thì Việt Nam không phải quốc gia thiếu nước. Tuy nhiên, nếu xét về sản lượng nước nội sinh chỉ chiếm khoảng 40%, và 60% xuất phát từ nước ngoài thì Việt Nam đang là quốc gia thiếu nước khi chỉ đạt 4.421 mét khối/người/năm.

“Con số này thấp hơn rất nhiều so với mức trung bình của Đông Nam Á là 4.900 mét khối/người/năm. 60% tài nguyên nước chúng ta phụ thuộc vào Trung Quốc, Lào, Campuchia và đặc biệt các lưu vực lớn là sông Hồng và sông Cửu Long,” Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà chia sẻ tại tọa đàm do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức gần đây.

Tài nguyên nước ở Việt Nam: Dồi dào nhưng vẫn… thiếu -0
Phó Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước Ngô Mạnh Hà phát biểu tại Tọa đàm do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức gần đây

Theo Chiến lược quốc gia về tài nguyên nước đến năm 2020, trong 109 sông chính, có 9 sông là sông Hồng, sông Thái Bình, sông Bằng Giang - Kỳ Cùng, sông Mã, sông Cả, sông Vu Gia - Thu Bồn, sông Ba, sông Đồng Nai, sông Cửu Long và bốn nhánh sông là sông Đà, sông Lô, sông Sê San, sông Srê Pok đã tạo nên một lưu vực trên 10.000km2, chiếm khoảng 93% tổng diện tích của mạng lưới sông ngòi Việt Nam.

Cũng theo Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà, Việt Nam có rất nhiều các loại hồ tự nhiên, hồ đập, đầm phá, vực nước có kích thước khác nhau tùy thuộc vào mùa. Một số hồ lớn được biết đến như hồ Lắk rộng 10km2 (Đắk Lắk), Biển Hồ rộng 2,2km2 (Gia Lai), hồ Ba Bể rộng 5km2 tại Bắc Kạn và hồ Tây rộng 4,5km2 (Hà Nội). Các đầm phá lớn thường gặp ở cửa sông vùng duyên hải miền Trung như Tam Giang, Cầu Hai và Thị Nại…

Việt Nam còn có hàng ngàn hồ đập nhân tạo với tổng sức chứa lên đến 26 tỷ m3 nước. Sáu hồ lớn nhất có sức chứa trên 1 tỷ m3 đang được sử dụng để khai thác thủy điện là hồ Hòa Bình, Thác Bà, Trị An, Dầu Tiếng, Thác Mơ và Ya Ly. Nhiều hồ và đập nhỏ hơn trên khắp toàn quốc phục vụ tưới tiêu như Cấm Sơn - Bắc Giang, Kể Gỗ - Hà Tĩnh và Phú Ninh - Quảng Nam.

Cũng theo số liệu thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, cả nước hiện có hơn 3.500 hồ chứa lớn nhỏ và khoảng 650 hồ chứa cỡ lớn và trung bình dùng để sản xuất thủy điện, kiểm soát lũ lụt, giao thông thủy, thủy lợi và nuôi trồng thủy sản.

Mặc dù tài nguyên nước của Việt Nam có trữ lượng dồi dào, nhưng trên thực tế nguồn nước có thể sử dụng ngay lại có hạn vì phân bố không đều. Nhiều vùng bị thiếu nước sạch để sinh hoạt do ô nhiễm, lũ lụt, sạt lở đất, hạn hán và các tác nhân khác.

Chất lượng nước bị suy giảm nghiêm trọng đã hủy hoại môi trường sống và đẩy con người đến gần các rủi ro nguy hiểm. Ước tính khoảng 37% lượng nước mất đi do lãng phí, thậm chí có nơi lên đến 50%. Nguyên nhân là một phần hệ thống tưới tiêu của Việt Nam được xây dựng từ thập kỷ 60, 70 của thế kỷ trước đến nay đã bị xuống cấp và hư hỏng nặng. Trong khi đó hệ thống tưới tiêu hiện tại chỉ có khả năng cung cấp nước cho khoảng 50-60% theo yêu cầu thiết kế được tưới.

Thực trạng quản lý còn nhiều bất hợp lý

Với sự phát triển kinh tế nhanh, trong 50 năm qua lượng khai thác, sử dụng đã tăng lên gấp 3 lần. Trong khi lượng nước cố định, giá trị khai thác, sử dụng mang lại khi sử dụng chỉ đạt khoảng 2,37 USD/mét khối, tức là chỉ bằng 12% so với cả thế giới (là hơn 19 USD/mét khối). Trong khi đó cách sử dụng nước thiếu tiết kiệm, không hiệu quả lại đang rất phổ biến hiện nay.

Theo Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà, với sự ra đời của Luật Tài nguyên nước từ năm 1998, sửa đổi năm 2012 đến nay về cơ bản đã tạo ra sự chuyển biến hết sức tích cực trong công tác bảo vệ cũng như nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân trong quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước. Trong thời gian qua, nhiều lợi ích về vấn đề quản lý tài nguyên hay mang lại nguồn lợi cho Nhà nước thông qua những công cụ về kinh tế cũng đã phát huy phần nào.

Tuy nhiên, bên cạnh đó phải nhìn thẳng vấn đề, đó là thực trạng quản lý tài nguyên nước ở Việt Nam còn rất nhiều bất cập.

Theo Phó Cục trưởng Ngô Mạnh Hà, thực trạng do giao thoa chồng chéo, trên một dòng sông có rất nhiều bộ, ngành quản lý, nhiều đạo luật có phạm vi điều chỉnh liên quan đến dòng sông. Ví dụ như Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý về nguồn nước; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công thương quản lý khai thác các công trình hồ chứa, đập dâng, các trạm bơm, các công trình thủy lợi, công trình thủy điện; Bộ Giao thông Vận tải quản lý về giao thông đường thủy. Với sự giao thoa đó, khi triển khai sẽ giảm hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý. Bên cạnh đó, Luật Tài nguyên nước năm 1998 và năm 2012 thiếu hẳn  khung pháp lý về an ninh nguồn nước. Với bối cảnh tài nguyên nước chịu nhiều áp lực nền, cộng thêm việc chưa có cơ chế rõ ràng để tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác bảo vệ, phát triển tài nguyên nước trong bối cảnh điều kiện nguồn lực đầu tư cho ngành nước cực kỳ hạn chế.

Bên cạnh đó, việc sử dụng nước không hiệu quả và việc chưa tính toán đầy đủ giá trị của tài nguyên nước trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Khâu thực thi pháp luật ở địa phương còn chưa nghiêm và nhiều tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng tài nguyên nước chưa hợp lý và chưa đúng các quy định về pháp luật. Như vậy vấn đề cấp bách là phải điều chỉnh hệ thống pháp luật về tài nguyên nước theo hướng phục hợp hơn với phát sinh của cuộc sống.

Song Lê
#