Cần có khung chính sách tiến bộ hơn để bảo vệ nguồn nước

- Thứ Ba, 27/06/2023, 11:01 - Chia sẻ

Việt Nam cũng như nhiều quốc gia khác trong khu vực và trên thế giới đang phải đối mặt với nhiều thách thức liên quan đến nguồn nước, do đó cần áp dụng nhiều giải pháp đồng bộ nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước.

Đây là một trong những nội dung trao đổi của Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Quang Huân tại Tọa đàm trực tuyến “Quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức mới đây.

Bổ sung thêm chính sách quản lý là đòi hỏi tất yếu

- Thưa ông, việc quy hoạch, điều tra cơ bản, thăm dò, khai thác, sử dụng cũng như bảo vệ phát triển thủy lợi chiếm một tỷ lệ rất lớn trong quản lý nguồn nước. Với vai trò là Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, từ góc độ người tham gia hoạch định chính sách. Ông đánh giá thế nào về việc quản lý nhà nước đối với tài nguyên nước thời gian qua?

- Tài nguyên nước hết sức đặc biệt, vừa đáp ứng được nhu cầu thiết yếu của cuộc sống và còn liên quan tới tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế xã hội, kể cả tôn giáo, văn hóa… Nhưng quản lý nguồn tài nguyên này, về hiệu quả lợi nhuận sinh ra trên một tỷ lệ mét khối nước rất thấp, không hiệu quả. Tổng lượng nước của chúng ta nhiều, nhưng có tới 81% dùng cho nông nghiệp và 11% là nuôi trồng, như vậy tới 92% là dùng cho ngành nông nghiệp, chỉ có 3% nước dùng cho sinh hoạt và 5% dùng cho công nghiệp.

Số liệu cho thấy, nếu không tiến hành điều tra khảo sát tốt, không phân định mục đích sử dụng sẽ rất khó quản lý. Việc quản lý nguồn nước hiện nay cơ bản là Bộ Tài nguyên và Môi trường, tuy nhiên có sự liên quan tới nhiều bộ khác như: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nếu quản lý thủy lợi, công trình thủy điện do Bộ Công thương quản lý, giao thông đường thuỷ do Bộ Giao thông Vận tải quản lý. Nếu không có sự phối hợp tốt thì Bộ Tài nguyên và Môi trường khó mà hoàn thành tốt nhiệm vụ này.

Trong bối cảnh như vậy, sửa đổi Luật Tài nguyên nước không chỉ đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi thực tế của cuộc sống mà còn triển khai Kết luận 36 của Bộ Chính trị về an ninh nguồn nước. Nếu chúng ta không quản lý nguồn nước tốt thì không thể bảo đảm an ninh nguồn nước.

Cần có khung chính sách tiến bộ hơn để bảo vệ nguồn nước -0
Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Nguyễn Quang Huân

Chúng ta may mắn hơn một số quốc gia khác là đang có sẵn nguồn tài nguyên, và không phải trải qua những cuộc chiến tranh để bảo vệ tài nguyên ấy. Nhưng đó là trong quá khứ, còn tương lai nếu biến đổi khí hậu, ô nhiễm tăng cao, những vấn đề như nước nằm ngoài lãnh thổ... không có phương án quản lý tốt, sớm thì không thể quản lý một cách bền vững được. Để tránh tình trạng lúc thiếu nước mới xử lý sẽ rất bị động.

- Việc xem xét kỹ lưỡng thống nhất giữa quy hoạch tài nguyên nước cấp tỉnh với quy hoạch tài nguyên nước quốc gia hoặc có sự điều chỉnh cho phù hợp là rất cần thiết. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

- Chúng ta đang làm theo Luật Quy hoạch, khi đã theo Luật Quy hoạch thì quy hoạch cấp dưới sẽ phải tuân thủ quy hoạch cấp trên. Đây là cái thuận lợi. Nhưng cũng có những cái vướng, ví dụ như đối với các địa phương, quy hoạch ngành nước sẽ phải được tích hợp trong quy hoạch tỉnh, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nếu như quy hoạch của ngành nước chung của quốc gia, của Bộ Tài nguyên, Môi trường và một số tỉnh được duyệt rồi, có thể sẽ vướng. Khi địa phương phải sửa theo quy hoạch của Bộ, có khi phải xin Thủ tướng phê duyệt lại quy hoạch. Tôi nghĩ đấy là một trong những điều mà trong Nghị quyết 61 của Quốc hội cũng đã chỉ ra và Luật Quy hoạch có lẽ phải tìm cách tháo gỡ.

Tuy nhiên, tôi thấy là việc lập quy hoạch quốc gia của Bộ Tài nguyên và Môi trường rất quan trọng. Bởi vì, đấy là cái nhìn tổng thể, và dưới góc nhìn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, căn cứ vào quy hoạch tổng thể quốc gia, rồi căn cứ vào các chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, thì mới đưa ra được các mục tiêu phân bổ cho mục tiêu, mục đích sử dụng ngành nước trong từng lĩnh vực, đảm bảo sử dụng công bằng. Một trong những nội hàm của an ninh nguồn nước là phải sử dụng công bằng chứ không phải chỉ có chống ô nhiễm. Không phải chỉ đảm bảo về số lượng nước mà còn phải sử dụng công bằng. Công bằng thì phải có một cơ quan quản lý nhà nước ở cấp Trung ương để phân định ra cho các ngành nghề: ngành giao thông, ngành thủy sản, ngành nông nghiệp... rồi các địa phương dùng như thế nào, đặc biệt là những nguồn nước liên tỉnh hay nguồn nước sinh hoạt được lấy từ nước thủy lợi. Vì nước thủy lợi đôi khi là tốt, nhưng đôi khi không tốt nếu nguồn nước lấy từ nơi người ta dùng nhiều thuốc trừ sâu, bón phân quá mức… Nước từ thượng lưu chảy vào hạ lưu mà dùng nước sinh hoạt sẽ là nguy hiểm. Nguồn nước để cho tưới tiêu, nguồn nước sinh hoạt phải khác nhau.

Hiện nay, trong luật cũng quy định cả loại thuế, phí. Nếu như theo Luật Bảo vệ môi trường, dùng nước cho sinh hoạt thì không phải trả phí. Nhưng nếu dùng từ nguồn nước thủy lợi thì lại phải đóng phí thủy lợi 900 đồng/1m2. Đấy là những quy định gây vướng cho địa phương. Trong lần sửa đổi Luật lần này, Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra sẽ phải tìm cách tháo gỡ. Các đại biểu Quốc hội cũng tập trung nhiều về vấn đề này.

Từ trước đến nay, tôi được biết, có một số tỉnh là cũng đã làm quy hoạch ngành nước nhưng mang tính chiếu lệ, chưa đi vào thực tế. Ví dụ như chỉ cần nói về cấp nước sinh hoạt, nhiều nơi cũng quy hoạch ngành. Nhưng theo Nghị định 117, 118 quy định là trong một vùng được cấp nước, một chủ đầu tư đã vào cung cấp là phải giữ đấy, nhưng thực tế có nơi đến 2 - 3 chủ đầu tư cùng cung cấp nước trên một vùng.

Riêng cấp nước sinh hoạt đã thế, chưa kể việc sử dụng nước không đúng. Đấy là nguyên nhân làm cho hiệu quả không tốt. Đợt này làm quy hoạch chúng ta thống nhất được các tỉnh, tôi nghĩ hiệu quả sử dụng sẽ tăng lên và tránh được chuyện xung đột nhiều bộ, ngành quản lý trên một dòng sông; nhiều tỉnh sử dụng nguồn nước, tỉnh thượng lưu dùng và tỉnh hạ lưu có thể gánh hậu quả… Chúng ta cần đón trước để ngành nước hoạt động đồng đều và hiệu quả hơn...

Kỳ vọng vào quyết sách lớn cho nguồn nước quốc gia

- Theo ông, những nội dung, vấn đề trọng tâm nào trong dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) cần thiết, kịp thời phải sửa đổi để có thể áp dụng được hiệu quả trong thực tiễn cuộc sống, đặc biệt đảm bảo quản lý và phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước?

- Tại phiên thảo luận Hội trường về Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) chiều nay, có đến 20 ý kiến phát biểu, 2 ý kiến tranh luận và còn 22 đại biểu bấm nút tranh luận, nhưng hết giờ. Nói như thế để thấy sự quan tâm của cử tri, của đại biểu Quốc hội đối với sửa đổi Luật lần này là rất lớn. Và cơ quan soạn thảo cũng đã sửa đổi bản dự thảo trình Quốc hội Luật này đến lần thứ 6 (mặc dù là trình lần đầu nhưng sửa lần thứ sáu), và cơ quan thẩm tra (Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường) cũng rất tích cực phối hợp với cơ quan soạn thảo, tổ chức nhiều hội thảo để lấy ý kiến đóng góp từ các chuyên gia, ban ngành, từ các đối tượng sử dụng nước khác nhau để đưa vào nội dung Luật lần này. Vì lần đầu trình Quốc hội cho ý kiến nên còn có ý kiến chưa thống nhất cao, nhưng chủ yếu các đại biểu đang tập trung nhiều về phạm vi, đối tượng điều chỉnh trong luật, đồng thời các đại biểu cũng tập trung nêu ở các chủ thể trong luật. Từ trước tới nay, chúng ta hay quan tâm đến các đối tượng để chúng ta quản lý như thế nào, còn bây giờ quan tâm tới các chủ thể là những bộ, ngành quản lý cơ quan nhà nước, phân định ra như thế nào để tránh hiện tượng chồng chéo; phân định ra rồi thì quản lý hiệu quả như thế nào cũng được đặt ra. Các đại biểu Quốc hội cũng đặt ra vấn đề để tháo gỡ những khó khăn trước đây ở trong quản lý nhà nước.

Khi nói đến tài nguyên nước, cũng có nhiều ý kiến cho rằng rất quan trọng, bởi vì nó đáp ứng các nhu cầu thiết yếu là phục vụ sinh hoạt. Có nhiều ý kiến cũng muốn rằng trong luật lần này có những chương, điều quy định rõ về nước sinh hoạt. Nhưng cũng có ý kiến nói rằng là vì nước sinh hoạt rất quan trọng, cho nên phải xây dựng một luật riêng và phải chờ. Bộ Xây dựng cũng cho biết, đã có kế hoạch là trước 1.11.2023, sẽ trình phương án cho Chính phủ về việc xây dựng Luật Cấp thoát nước, và nếu như theo tiến độ đề ra, chắc là đầu sang năm, Chính phủ sẽ lại trình lên Quốc hội về kế hoạch xây dựng Luật Cấp thoát nước. Song song với Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) lần này có Luật Cấp thoát nước nữa thì giải quyết được vấn đề nước sinh hoạt.

Hiện nay chúng ta nói nhiều về ô nhiễm chưa giải quyết căn cơ được việc ngăn chặn nguồn ô nhiễm, chúng ta chưa làm được. Một trong những nguyên do là do xử lý nước thải, như ông Đào Văn Huân lúc đầu nói là Hà Nội mới xử lý được 27% nước thải, còn cả nước ta, theo Bộ Xây dựng cho biết mới có 15% nước thải được xử lý. Chưa kể lượng rác thải rất lớn chúng ta không xử lý, gây nhiễm ra nguồn đất, cũng là nguồn gây ô nhiễm trầm trọng. Rồi trong tưới tiêu nông nghiệp, rất nhiều nguồn gây ô nhiễm hiện nay chúng ta chưa ngăn chặn được. Bởi vì là Luật về cấp thoát nước là chúng ta chưa có. Chúng ta có hai Nghị định 117, 118 ra đời cách đây 15, 16 năm và nhiều khi mang tính lạc hậu, chưa kể là văn bản dưới luật. Vậy nên “nó” không theo kịp nhu cầu phát triển.

Ngoài câu chuyện xây dựng Luật, tôi thấy các nguồn lực, ý thức của người dân hay cộng đồng doanh nghiệp, của cả nhà nước tập trung cho phát triển ngành nước cũng còn ở mức rất hạn chế, chưa tương xứng với nhu cầu đòi hỏi. Chúng ta muốn bảo vệ nguồn nước, nhưng vẫn cứ quản lý các lưu vực sông như hiện nay là chúng ta có các Ủy hội, cứ 6 tháng họp Ban liên lạc một lần thì tôi nghĩ khó giải quyết được vấn đề. Chúng ta phải đầu tư vào đấy, cụ thể bây giờ phải đầu tư bao nhiêu tiền để bảo vệ các lưu vực sông, chứ không thể nói câu chuyện chúng ta cứ kêu gọi người dân, doanh nghiệp, nước thải vẫn cứ thải.

Nếu chúng ta không có cơ chế quản lý, chỉ kêu gọi không thôi, thì câu chuyện bảo vệ nước tránh ô nhiễm là không thể làm được và chỉ ở trên giấy. Và kinh nghiệm bảo vệ nguồn nước của các nước là nó cần một nguồn lực rất lớn. Nếu chúng ta đã xác định không chi tiền thì nguồn tiền lấy ở đâu ra, cơ quan nhà nước sẽ phải xem xét. Có thể có nhiều cơ chế, ví dụ BOT, BT hoặc là chúng ta đánh thuế vào những người sử dụng, kể cả sử dụng nông nghiệp hay là giao thông… để nhà nước có nguồn thu để quản lý nguồn nước này.

Trong Luật lần này còn có vấn đề nữa, là khi chúng ta đưa ra việc sử dụng hiệu quả, công bằng, có lẽ cũng phải nghiên cứu tới việc phân công trách nhiệm cụ thể của từng bộ, ngành để tránh tình trạng chồng chéo. Đợt này, Luật được trình lần đầu, còn hai kỳ nữa chắc sẽ còn nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội đóng góp cho dự Luật.

- Có ý kiến cho rằng, một số quy định của Luật hiện hành còn thiếu quy định cụ thể liên quan đến điều hòa, phân bổ nguồn nước, giám sát chặt chẽ các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước…, ông đánh giá vấn đề này như thế nào? Trong dự thảo Luật mới đã khắc phục được vấn đề này chưa?

- Hiện nay quản lý của các bộ, ngành đối với nguồn nước là khá chồng chéo, rắc rối và không tập trung, không phân định rõ ràng. Ý kiến các đại biểu đợt này cũng tập trung vào việc phân định, quy định cho các chủ thể, tức là các cơ quan, các bộ quản lý. Chúng ta hiểu rằng, Luật Tài nguyên nước chủ yếu là sau này Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ triển khai thực hiện, để quản lý nguồn nước. Thay vì lo dàn trải về cấp nước, nước nông nghiệp… thì tập trung quản lý nguồn nước, sẽ có hướng là tháo gỡ khó khăn lấy nguồn đầu tư ở đâu để bảo vệ các lưu vực sông.

Cùng với đó, các điều khoản về quản lý lưu vực sông ở trong Luật đang mờ nhạt, nếu tập trung vào đó, sẽ định hướng cho các luật khác, hoặc các chính sách khác để tháo gỡ nguồn lực để đầu tư bảo vệ nguồn nước. Rất rõ ràng là Bộ Tài nguyên và Môi trường bảo vệ nguồn nước, Bộ Xây dựng là khai thác nước để cho nước sinh hoạt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là khai thác sử dụng nước để cho mục đích nông nghiệp. Nhưng sau này các bộ, ngành sử dụng không đúng, vi phạm các quy định của bảo vệ nguồn nước thì Bộ Tài nguyên và Môi trường có quyền để ngăn chặn, thực hiện chế tài. Tránh tránh tình trạng các bộ cùng quản lý, không biết bộ nào, lại liên bộ họp với nhau rồi trình Thủ tướng quyết. Hiện nay chúng ta đang có cái mắc là cái gì cũng phải trình lên Thủ tướng, vừa gây khó khăn, vừa chậm, làm giảm tính hiệu quả.

Chúng ta kỳ vọng chỉ có một luật ra đời mà giải quyết được tất cả các vấn đề sẽ hơi khó. Thí dụ như ngăn chặn, xử lý ô nhiễm phải liên quan đến việc xử lý nước thải, mà chúng ta đang quy định giá xử lý nước thải bằng 10% nước cấp thì không có một nhà đầu tư nào đầu tư, còn nhà nước thì không thể bỏ tiền ra để đầu tư được. Trước đây chúng ta vay vốn ODA nhưng bản chất vốn ODA cũng là ngân sách, nhà nước cũng phải trả.

Ví dụ như ở Israel, dùng một mét khối nước người ta phải trả 4 USD, nhưng trong số đó, chỉ có hơn 1 USD là dùng nước cấp, còn khoảng gần 3 USD để xử lý nước thải. Hay ở châu Âu, 1 mét khối nước khoảng 2- 3 euro, tiền nước cấp chỉ có 1 euro. Còn ở nước ta nước cấp khoảng 8.000 - 10.000, nước thải có 10% thì không bao giờ chúng ta có thể xử lý được vấn đề ô nhiễm nước thải. Tôi kỳ vọng có thể Luật Cấp thoát nước ra đời có thể sẽ xử lý được vấn đề đấy. Hay là ô nhiễm từ rác thải phải xử lý từ Luật Bảo vệ môi trường...

- Xin cảm ơn ông!

Đức Hiệp thực hiện
#