Nâng cao nhận thức ứng phó biến đổi khí hậu

- Thứ Hai, 09/10/2017, 08:17 - Chia sẻ
Chia sẻ với PV Báo Đại biểu Nhân dân về giải pháp ngăn chặn, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH), Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng NGUYỄN VĂN THỂ nhấn mạnh: Tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân là yếu tố rất quan trọng. Chỉ khi nào cả cộng đồng nhận thức tốt về tác hại của BĐKH và có hành động cụ thể thì các phương án ứng phó mới phát huy hiệu quả.

- BĐKH đang đe dọa tới các tỉnh vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), theo ông đâu là yếu tố đáng lo nhất?


Liên kết vùng là vấn đề cấp thiết được đặt ra từ nhiều năm qua đối với các tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL. Hiện nay, Sóc Trăng đã xây dựng tiểu vùng Bán Đảo Cà Mau gồm: Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang. Đây là 4 tỉnh có điều kiện giống nhau sản xuất lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản lớn. Việc liên kết 4 tỉnh đã được ký, đồng thời đang chỉ đạo các sở, ban, ngành để cụ thể hóa hợp tác này.

Bí thư Tỉnh ủy Sóc Trăng NGUYỄN VĂN THỂ

- Có ba thách thức mang tính sống còn đối với ĐBSCL đó là nước biển dâng, hạn hán, xâm nhập mặn; khai thác nguồn nước của các quốc gia ở thượng nguồn và tác động nội tại. Tuy nhiên, trong khi diễn biến của BĐKH, nước biển dâng đang đe dọa từ từ thì việc khai thác nước ngầm quá mức ở một số địa phương được xem là khẩn cấp, làm cho mặt đất bị sụt lún, tự chìm rất nhanh. Tốc độ sụt lún trung bình hiện nay do khai thác nước ngầm khoảng 1,1cm/năm, có những nơi sụt lún 2,5cm/năm, cao gần 10 lần so với tốc độ nước biển dâng. Vì vậy, con đường duy nhất để giảm sụt lún là giảm khai thác nước ngầm.

- Trước tình trạng trên, vấn đề chuyển đổi mô hình phát triển sản xuất cần được ưu tiên tính đến. Sóc Trăng đã có những giải pháp, mô hình tiêu biểu nào để thích ứng với BĐKH, thưa ông?

- Nhận rõ ảnh hưởng của BĐKH đối với đời sống, sản xuất của người dân, Sóc Trăng thời gian qua đã quyết liệt triển khai các giải pháp công trình và phi công trình để sẵn sàng ứng phó. Tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chiến lược quốc gia về BĐKH, huy động mọi nguồn lực để tiến hành đồng thời các giải pháp thích ứng với tác động của BĐKH, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của người dân, hướng đến phát triển bền vững. Trước mắt, tỉnh Sóc Trăng tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, vì chỉ khi nào cả cộng đồng có nhận thức tốt về tác hại của BĐKH và có hành động cụ thể thì các phương án ứng phó mới phát huy hiệu quả. Đối với vùng thường xuyên bị nước biển xâm nhập mặn, chúng tôi chỉ đạo quản lý chặt hệ thống kênh rạch, đê bao của các khu dân cư cũng như khu sản xuất. Đồng thời cử cán bộ chuyên ngành, cán bộ địa phương túc trực khi có nước mặn thì đóng cửa, khi có nước ngọt thì mở cửa.


Nhiều ngôi nhà vùng đồng bằng sông Cửu Long có nguy cơ ngập do biến đổi khí hậu
Ảnh: Lê Tùng

Về các mô hình chuyển đổi, Sóc Trăng đang áp dụng kỹ thuật ứng dụng hữu cơ sinh học vào sản xuất lúa, tập trung sản xuất lúa chất lượng, năng suất cao. Bên cạnh đó, chúng tôi đang triển khai mô hình thâm canh cam sành và bưởi da xanh theo hướng thích ứng với BĐKH, phòng chống hạn mặn... có giá trị cao gấp 10 lần so với trồng lúa. Ngoài ra, một số vùng ven biển thiếu nước ngọt, chúng tôi tập trung nuôi trồng thủy sản. Đối với vùng kế ven biển, nước ngọt dồi dào thì kết hợp mô hình tôm - lúa.

- Quá trình tìm biện pháp, mô hình phù hợp để thích ứng và phát triển bền vững, Sóc Trăng có gặp khó khăn gì không, thưa ông?

- Sóc Trăng đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ và các bộ, ngành, Trung ương. Tuy nhiên, việc tìm ra các giải pháp chuyển đổi mô hình thích ứng với BĐKH và nước biển dâng của tỉnh Sóc Trăng còn gặp không ít khó khăn, nhất là về kiến thức, kinh nghiệm và nguồn lực đầu tư... Thực tế, để xây dựng các công trình đáp ứng nhu cầu bức thiết liên quan tính mạng con người và tài sản, hay thực hiện các chương trình, dự án lâu dài nhằm thích nghi với BĐKH và nước biển dâng phải tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng, trong khi Sóc Trăng là tỉnh nghèo, không đủ khả năng đáp ứng; kinh nghiệm của cán bộ, nhân dân trong công tác này còn nhiều hạn chế. Vì vậy, Chính phủ nên xem xét bố trí nguồn lực, cũng như đưa ra những quyết sách phù hợp để Sóc Trăng phát triển, tạo sự cân bằng với các địa phương trong vùng. 

- Tại hội nghị về phát triển bền vững ĐBSCL, thích ứng với BĐKH mới đây, Thủ tướng Chính phủ khẳng định sẽ ban hành nghị quyết về ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Xin ông chia sẻ thêm về thông tin này?

- BĐKH là vấn đề toàn cầu. Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề của BĐKH, trong đó có ĐBSCL, các tỉnh ven biển miền Trung. Vì vậy, tôi cho rằng tới đây Thủ tướng Chính phủ ban hành nghị quyết về ĐBSCL thích ứng với BĐKH là hết sức cần thiết. Trước mắt, vùng ĐBSCL nên tập trung đẩy mạnh trồng, bảo vệ và phát triển rừng ngập mặn và hệ thống đê nhỏ ven biển; quy hoạch những vùng sản xuất lúa chất lượng cao, sử dụng ít nước. Nghiên cứu chuyển hướng chiến lược sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trước đây ưu tiên lúa, thủy sản, cây trồng, sắp tới nên theo cây trồng, thủy sản và lúa. Đặc biệt, không chọn cây trồng sử dụng nhiều nước ngọt nhưng giá trị thương mại rất thấp. Trong quá trình chọn lựa cây, con, phải có doanh nghiệp tham gia từ đầu. Vì họ là người sau cùng đầu tư sản xuất nguyên liệu và chế biến thành các mặt hàng cung cấp ra thị trường.

- Xin cảm ơn ông!

CHÍ TUẤN thực hiện