Sổ tay

Cần giải pháp hiệu quả

- Chủ Nhật, 06/10/2019, 09:35 - Chia sẻ
Những ngày qua, các chỉ số về môi trường không khí ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là TP Hà Nội, luôn ở mức “kém”: Nồng độ bụi PM2,5 tại TP Hà Nội trong thời gian qua cao nhất trong vòng 5 năm gần đây... Thực trạng này đòi hỏi TP Hà Nội phải có những giải pháp căn cơ và cụ thể để khắc phục tình trạng ô nhiễm, không để người dân bức xúc vì ô nhiễm môi trường không khí như trong những ngày qua.

Nhiều ngày nay, chất lượng không khí ở Hà Nội đang ở ngưỡng xấu và kém tại các điểm quan trắc. Cụ thể, theo số liệu quan trắc của hệ thống trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, từ ngày 13.9 đến nay, chất lượng không khí của Hà Nội ở nhiều thời điểm trong ngày nằm ở mức kém, trong đó chủ yếu là ô nhiễm bụi mịn PM 2.5 vượt ngưỡng cho phép, tăng mạnh so với các tháng trước và so với cùng kỳ các năm từ 2015 - 2018.

 Chỉ cần quan sát bằng mắt thường, bất cứ ai cũng có thể dễ dàng nhận thấy bầu không khí Thủ đô gần đây bị phủ bởi một lớp sương bụi màu trắng đục. Lởn vởn và bám ở tầm thấp mà không tiêu tán lên cao. Đơn cử vào ngày 3.10, khảo sát thực tế tại nhiều khu vực như: Cung đường Hà Nội - Sân bay Nội Bài; trục đường Đại lộ Thăng Long, Quốc lộ 32, đường Phạm Văn Đồng, tuyến đường Đại Mỗ - Hà Đông… cho thấy, khói bụi bao phủ dày đặc khoảng không, điều này không chỉ ảnh hưởng đến việc di chuyển đi lại của người tham gia giao thông, mà ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Tổng Thư ký Hội Hô hấp Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện Bạch Mai - PGS.TS. Vũ Văn Giáp cũng thông tin: Hiện tượng mây mù và các chỉ số về ô nhiễm không khí tại TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đã vượt mức cho phép theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới. Ô nhiễm không khí sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, đặc biệt với những người dễ bị cảm thụ, trong đó có người già, phụ nữ có thai, trẻ em và những người có bệnh lý về hô hấp, tim mạch… Thực tế này đòi hỏi TP Hà Nội phải có những giải pháp căn cơ và cụ thể hơn để khắc phục tình trạng ô nhiễm, không thể để dân Thủ đô bức xúc như vừa qua.

Tại buổi giao ban báo chí mới đây, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Vũ Đăng Định cho biết: Một số nguồn chính gây ô nhiễm môi trường không khí trên địa bàn TP Hà Nội được xác định gồm khí xả thải từ các phương tiện ô tô, xe máy; bếp than tổ ong, đốt củi; bụi từ quá trình thi công các công trình xây dựng; vận chuyển vật liệu xây dựng; mùi hôi thối tự hệ thống thoát nước chưa được xử lý; mùi từ các trại chăn nuôi gia súc, gia cầm; đốt rơm dạ, rác; thu gom rác thải chưa tốt; ô nhiễm ao, hồ lâu năm; bùn thải chưa được xử lý; khói bụi từ các cơ sở sản xuất trên địa bàn thành phố và một số tỉnh lân cận; tác động của khí hậu và thời tiết chuyển mùa… Để hạn chế tình trạng ô nhiễm không khí, Hà Nội đang triển khai các biện pháp quản lý, cải thiện môi trường không khí như lắp đặt các trạm quan trắc, xây dựng mạng lưới quan trắc giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn thải gây ô nhiễm môi trường; thay đổi việc thu gom rác thải hàng ngày từ thủ công sang toàn bộ bằng máy quét, hút bụi; xử lý ô nhiễm ao hồ nội ngoại thành; triển khai Chiến dịch Cánh đồng không đốt rơm rạ...

Tuy nhiên, ý kiến từ dư luận cho rằng: Trong một số tình huống cấp bách để giảm thiểu ô nhiễm không khí đó là thực hiện việc rửa đường để giảm bụi, trong đó việc phun rửa đường sẽ đẩy được bụi bẩn, đất cát trên đường phố trôi xuống cống rãnh. Song, do Hà Nội đã cắt bỏ rửa đường 3 năm nay, nên nguồn bụi bẩn sẽ lưu lại trên đường phố, từ đó cuốn vào không khí và cũng là nguồn ô nhiễm.

Có thể, việc cắt giảm rửa đường để tiết kiệm ngân sách, nhưng tác hại từ việc bụi bẩn không được thổi, rửa sạch trên đường, trong không khí thì người dân sẽ chịu ảnh hưởng. Vì vậy, Hà Nội cần phải triển khai các biện pháp quản lý để cải thiện môi trường giảm bụi, trong đó cần duy trì hoạt động tưới rửa đường phố và phải làm thường xuyên để giảm bụi bẩn.

Trần Hải