Biển ô nhiễm vì đâu?
Theo đánh giá của Tổng cục Biển và Hải đảo, chất lượng môi trường biển và vùng ven biển đang tiếp tục suy giảm. Ô nhiễm môi trường biển dẫn đến sự cạn kiệt các tài nguyên cá, nhất là các loài cá ven bờ. Theo thống kê, có khoảng 85 loài hải sản có mức độ nguy cấp khác nhau và trên 70 loài đã được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Không chỉ vậy, tính đa dạng sinh học của biển, nhất là vùng ven bờ ngày càng bị đe dọa do phá hủy môi trường sống như rừng ngập mặn, rạn san hô.
![]() Bảo vệ môi trường biển là trách nhiệm của mỗi người Nguồn: giaoduc.net.vn |
Công ước Luật biển năm 1982 đã chỉ ra có 5 nguồn gốc ô nhiễm biển, trong đó có khoảng 50 - 70% ô nhiễm biển và đại dương có nguồn gốc từ đất liền. Nước ta có trên 100 con sông và hiện có gần chục con sông bị ô nhiễm nặng, điển hình như sông Thị Vải, sông Đồng Nai, sông Đáy, sông Cầu, sông Nhuệ... Mọi con sông đều đổ về biển và theo đó các nguồn ô nhiễm từ đất liền theo sông mang ra biển như dầu thải, nước thải chưa xử lý, hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ, phân bón, chất thải công nghiệp, nông nghiệp, làng nghề, thuốc súng, chất phóng xạ, các chất thải rắn như đất cát, rác, phế thải vật liệu xây dựng... Có những loại không phân hủy được đọng lại ở ven bờ, chìm xuống đáy biển, những chất phân hủy thì hòa tan trong toàn khối nước biển...
Bên cạnh đó, các công trình sản xuất, nhà máy đóng tàu biển, các nhà máy chế biến hải sản được xây dựng; các công trình du lịch phát triển ồ ạt, thiếu quy hoạch, thiếu hệ thống xử lý chất thải, nước thải… cứ thế “vô tư” xả thẳng ra biển và đặc biệt những năm gần đây, việc khai thác titan ồ ạt ở các tỉnh ven biển miền Trung; nuôi trồng thủy sản ven bờ không theo quy hoạch, hàng trăm ngàn hecta rừng ven biển, rừng ngập mặn bị chặt phá đã tác động xấu đến môi trường tự nhiên của biển và bờ biển.
Điều đáng lưu tâm là các hệ sinh thái ven biển, giá trị dịch vụ và người dân ven biển là đối tượng dễ bị tổn thương và chịu tác động của hiện tượng biến đổi khí hậu nhất song đến nay còn thiếu những nghiên cứu cụ thể cũng như chưa có giải pháp lồng ghép, giảm thiểu và mô hình thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng ở khu vực này.
Làm gì để “giữ sạch” biển?
Cần có khung pháp lý đầy đủ, cụ thể và đồng bộ để “giữ sạch” biển là một vấn đề lâu nay được bàn thảo khá nhiều. Hiện các hoạt động liên quan đến biển và bảo vệ tài nguyên và môi trường biển chủ yếu được điều tiết theo các luật chuyên ngành như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đa dạng sinh học, Luật Hàng hải, Luật Thủy sản; đặc biệt mới nhất là Luật Biển Việt Nam, được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 3 - năm 2012. Và chế tài cụ thể hơn về lĩnh vực này có Nghị định của Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển...
Mặc dù vậy, nhiều ý kiến cho rằng, việc thiếu một luật cụ thể đáp ứng công tác quản lý về tài nguyên biển và hải đảo là lý do khiến những tiềm năng, thế mạnh của một nước có bờ biển dài hơn 3.000km chưa được tận dụng để phát triển. Chính vì vậy, việc xây dựng Luật Tài nguyên và môi trường biển, đảo là vô cùng cần thiết, nhằm tạo cơ sở pháp lý nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước thống nhất về lĩnh vực này... Được biết, hiện dự thảo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đang được xây dựng, hướng tới những mục tiêu chính, đó là: thể chế hóa quan điểm, đường lối, tư tưởng chỉ đạo của Đảng về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020; phân công, phân cấp quản lý nhà nước về biển, hải đảo, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên biển; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về tài nguyên môi trường biển của cộng đồng, xã hội...
Cùng với việc xây dựng khung pháp lý để quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, đảo, nhiều ý kiến nhấn mạnh đến sự cần thiết triển khai rộng rãi các chủ trương xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường biển để huy động các nguồn lực cho nhiệm vụ này; nêu cao nhận thức, bảo vệ môi trường sinh thái biển không chỉ của riêng các cấp chính quyền mà còn là của mỗi người dân.
Theo Pgs.Ts Nguyễn Văn Cư - Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, điều quan trọng và cấp thiết nhất để bảo vệ môi trường biển, là cần có những giải pháp hữu hiệu hạn chế những nhân tố gây ô nhiễm biển, đặc biệt là từ các chất thải từ đất liền. Việc quản lý ô nhiễm biển bắt nguồn từ đất liền phải bắt đầu từ quản lý các hoạt động xả thải trên các lưu vực sông ven biển.
Liên quan đến vấn đề này, Phó chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Biển TP Hồ Chí Minh Ngô Lực Tài cho rằng: Nhà nước cần tăng cường năng lực tài chính để đầu tư phương tiện thiết bị phòng chống ô nhiễm môi trường biển, đi đôi với việc ban hành các chính sách đồng bộ, nâng cao nhận thức cộng đồng để gìn giữ môi trường và sinh thái biển, đảo là vấn đề cấp bách… Đào tạo nghề và trang bị kiến thức cho cư dân vùng duyên hải về nguy cơ và cách thức ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sự cần thiết về môi trường và sinh thái biển để phát triển kinh tế biển, đảo bền vững.
Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 xác định kinh tế biển là mũi nhọn, nhằm đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, công nghệ cho sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên, kinh tế biển sẽ không phát triển bền vững, nếu như tài nguyên và môi trường biển không được quản lý và bảo vệ chặt chẽ. Bảo vệ môi trường, trong đó có môi trường biển là vấn đề sống còn và cấp bách hiện nay.