Đây là đề xuất tại Diễn đàn “Kinh nghiệm phục hồi sau thiên tai” do Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Yên Bái cùng các đơn vị liên quan phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức ngày 23.12.
Ưu tiên hàng đầu là khôi phục sản xuất
Tại Diễn đàn, Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai cho biết, bão số 3 (bão Yagi) và hoàn lưu mưa sau bão là đợt thiên tai nghiêm trọng, khốc liệt nhất trong nhiều năm qua ở Bắc Bộ. Tổng thiệt hại kinh tế ước tính lên tới hơn 83.746 tỷ đồng.
Ngành nông nghiệp thiệt hại lớn nhất với 38.086 tỷ đồng, chiếm 45% tổng thiệt hại. Đã có 281.153ha cây trồng, hơn 46.000 con gia súc và 4,8 triệu gia cầm bị hủy hoại. Các công trình giao thông, thủy lợi cũng bị tàn phá nghiêm trọng, gây khó khăn lớn cho sản xuất và đời sống.
Tuy vậy, theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai Nguyễn Văn Tiến, nhờ nỗ lực của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và cộng đồng đã tạo nền tảng cho sự hồi phục. Trong đó, công tác cứu hộ, cứu nạn và hỗ trợ tái thiết đã đạt được hiệu quả nhờ sự chung tay của toàn xã hội. Gần 50 doanh nghiệp trong ngành chăn nuôi đóng góp hơn 77 tỷ đồng, ngành thủy sản huy động hơn 110 tỷ đồng hỗ trợ vật tư và con giống, ngành trồng trọt cung cấp 300 tấn hạt giống từ dự trữ quốc gia, giúp khôi phục nhanh sản xuất nông nghiệp.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái Nguyễn Thế Phước, ảnh hưởng từ bão Yagi khiến Yên Bái hứng chịu mưa lớn, lũ quét, sạt lở, tổng thiệt hại ước tính gần 6.000 tỷ đồng. Do đó, công tác khắc phục hậu quả được coi là nhiệm vụ trọng tâm; khôi phục sản xuất nông nghiệp được ưu tiên hàng đầu. Việc chuẩn bị sẵn sàng các lực lượng cứu hộ, phương tiện, vật tư và kinh phí sẽ giúp tỉnh nhanh chóng ứng phó và khắc phục hậu quả sau thiên tai.
Đến nay, những kết quả khắc phục rất khả quan trên toàn lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy lợi... Dự kiến đến ngày 31.12 toàn bộ các công trình còn lại để bảo đảm sản xuất nông nghiệp và cấp nước cho dân sinh sẽ hoàn thành.
Từ thực tế ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Yên Bái Nguyễn Xuân Sang cho biết, tỉnh đã rút ra được một số bài học, kinh nghiệm quý báu.
Đầu tiên, cần dự báo chính xác về diễn biến các cơn bão trong mùa mưa, lũ, tăng cường thông tin tới các khu vực vùng cao, vùng sâu, vùng xa, nơi nguy cơ thiên tai cao, là rất cần thiết. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, đa dạng hóa hình thức nâng cao nhận thức cộng đồng.
Công tác di dời và tái định cư cần được chuẩn bị trước. Và công tác khôi phục hạ tầng thiết yếu sau thiên tai, đặc biệt là các công trình thủy lợi, đường giao thông và nhà ở phải được triển khai ngay khi tình hình ổn định, hỗ trợ nông dân bằng giống cây trồng, vật tư nông nghiệp kịp thời, tạo điều kiện để họ nhanh chóng khôi phục sản xuất...
Cần thêm chính sách hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp
Nhiều chuyên gia nhận định, thời gian tới biến đổi khí hậu sẽ ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, cần tăng cường khả năng chống chịu trước các hiện tượng thời tiết cực đoan.
Năm 2025 tiếp tục được dự báo sẽ có những biến động thời tiết bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất trồng trọt. Trưởng phòng Cây lương thực, cây thực phẩm (Cục Trồng trọt) Nguyễn Văn Vương lưu ý, các tỉnh phía Bắc cần tập trung vào khôi phục sản xuất lúa và nâng cao sản lượng. Dự kiến, diện tích sản xuất lúa năm 2025 đạt khoảng 2.205 nghìn ha, giảm 23.000 ha so với năm 2024. Năng suất lúa dự kiến đạt 58,8 tạ/ha, tăng 1,5 tạ/ha, với sản lượng đạt 12,96 triệu tấn, tăng 194.000 tấn so với năm 2024.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chuẩn bị nguồn giống dự phòng và vật tư nông nghiệp để kịp thời ứng phó với thiên tai, đảm bảo duy trì sản xuất trồng trọt ổn định cho bà con nông dân.
Ngành thủy sản cũng chịu thiệt hại nặng nề từ cơn bão số 3, do đó, Chuyên viên Phòng Nuôi trồng Thủy sản (Cục Thủy sản) Lê Quang Hưng nhấn mạnh, cần rà soát vùng nuôi trồng thủy sản, đầu tư hạ tầng cơ sở đáp ứng yêu cầu công tác phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu cực đoan. Tổ chức lại sản xuất ngành thủy sản theo hướng liên kết, tiếp cận công nghệ mới, công nghệ hiện đại, quy mô lớn và theo chuỗi. Kiên quyết di dời các cơ sở nuôi trồng thủy sản ra khỏi vùng có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ, biến động môi trường. Sau thiên tai, cần thống kê thiệt hại và hỗ trợ kịp thời cho người dân; khoanh nợ, giãn nợ và bổ sung gói vay mới để người dân khôi phục sản xuất...
Phó Trưởng phòng Khoa học, Công nghệ, Môi trường và Hợp tác quốc tế (Cục Chăn nuôi) Trần Trọng Tùng cũng kiến nghị, nên cấp các gói hỗ trợ tài chính hoặc khoản vay ưu đãi cho hộ chăn nuôi bị ảnh hưởng nhằm khắc phục thiệt hại nhanh chóng. Miễn giảm lãi suất hoặc gia hạn nợ cho các hộ chăn nuôi và doanh nghiệp đang vay vốn ngân hàng, tạo điều kiện để phục hồi sản xuất. Đặc biệt, cần xây dựng và mở rộng các chương trình bảo hiểm nông nghiệp, giúp các hộ chăn nuôi giảm bớt gánh nặng tài chính khi đối mặt với rủi ro thiên tai...
Trong dài hạn, Trưởng Phòng Ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai (Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai) Nguyễn Văn Hải cho rằng, cần kiện toàn bộ máy phòng chống thiên tai, rà soát dân cư vùng nguy hiểm và xây dựng các phương án “thuận thiên”. Đồng thời, tiếp tục huy động nguồn lực từ quốc tế, tăng cường hợp tác để xây dựng các mô hình phát triển bền vững.