Nghệ thuật đương đại Việt Nam

Mở đường bước ra thế giới

- Thứ Hai, 12/04/2021, 07:21 - Chia sẻ
Xu hướng vươn ra quốc tế không còn là mơ ước xa xôi khi nghệ thuật đương đại đang bước vào giai đoạn mở, luôn cổ vũ những sáng tạo mới mẻ, mang dấu ấn cá nhân... Dù vậy, làm thế nào để kết nối, vượt qua biên giới Việt Nam vẫn luôn là câu hỏi đau đáu của nhiều nghệ sĩ.

Câu chuyện định vị giá trị

Nhằm chia sẻ kinh nghiệm và những yếu tố cần thiết cho việc mở đường kết nối nghệ thuật Việt Nam với sân chơi quốc tế, một cuộc trò chuyện được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA), Hà Nội, cuối tháng 3 vừa qua. Xuất phát từ câu chuyện thực hành cá nhân, hai nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh và Hà Mạnh Thắng đã cùng đưa ra nhìn nhận, đánh giá về vị thế của nghệ thuật đương đại, sức sáng tạo và xu hướng vươn xa hơn của nghệ sĩ Việt Nam, cũng như những yếu tố nghệ thuật nằm ngoài biên giới quốc gia...

Tác phẩm trong triển lãm Memory for Tomorrow của Lê Quang Đỉnh tại Tokyo, Nhật Bản năm 2015
Tác phẩm trong triển lãm Memory for Tomorrow của Lê Quang Đỉnh tại Tokyo, Nhật Bản năm 2015

Theo gia đình sang Mỹ sinh sống từ khi 10 tuổi, nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh (sinh năm 1968) theo đuổi nghệ thuật từ lúc còn rất trẻ. Sau khi tốt nghiệp mỹ thuật, ông sáng tạo bằng cách kết hợp giữa kỹ thuật tạo hình tân tiến và thủ công truyền thống nhằm tạo nên các tác phẩm tranh đan, khai thác yếu tố chính trị và lịch sử của dân tộc. Mỗi sáng tác đào sâu quá khứ, hé lộ những bí mật bị lãng quên, những ký ức bị chối từ, những điều bị bỏ rơi trong lịch sử và những năm tháng nền kinh tế Việt Nam bắt đầu phát triển nhanh chóng. Tên tuổi Lê Quang Đỉnh nhận được sự chú ý của giới nghệ thuật, phê bình và được mời triển lãm tại nhiều bảo tàng lớn ở New York, Mỹ.

Hà Mạnh Thắng (sinh năm 1980) được coi là một trong số họa sĩ trẻ quan trọng của Việt Nam. Tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội năm 2004, anh đã thành công với chuỗi triển lãm tác phẩm chân dung “Những khuôn mặt đỏ” tại Đông Phong Gallery, Hà Nội và Ernst & Young Gallery, Singapore vào năm 2008. Sau chuỗi tác phẩm về tranh phong cảnh mang tên “Cơn mưa và dòng suối nhỏ”, anh tiếp tục tham gia nhiều triển lãm quốc tế, có một số tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Nghệ thuật Singapore.

Câu chuyện ghi dấu thành công trên xứ người của hai nghệ sĩ đều đến từ nỗ lực tạo nét riêng cho thực hành của mình. Như Hà Mạnh Thắng nói: “Nghệ thuật như là một cách để tôi định nghĩa lại cuộc sống, giống như một vòng tròn khép kín của thời gian, lịch sử và ký ức. Tôi quan tâm đến tính đối thoại và ý nghĩa được gắn với những hình ảnh từ chính truyền thống và văn hóa đem lại.

Hay như nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh chia sẻ: “Tôi sống ở Mỹ, học văn hóa, mỹ thuật phương Tây, nhưng khi làm nghệ thuật, tôi mới hỏi gốc gác của mình ở đâu trong tác phẩm này, và đem bản sắc, căn tính cá nhân vào. Một khi định vị được những giá trị cho riêng mình, thì việc tiếp theo là đặt tác phẩm vào đúng chỗ, đúng lúc”.

Không trông chờ may mắn

Theo nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh, may mắn là một yếu tố giúp thành công khi tác phẩm xuất hiện trúng bối cảnh, song lựa chọn xây dựng câu chuyện nghệ thuật ấy như thế nào phụ thuộc hoàn toàn vào độ nhạy của nghệ sĩ. Ông ví dụ về loạt tác phẩm tranh đan của mình ngay khi xuất hiện đã thu hút sự chú ý khi lọt đúng vào cuộc bàn thảo về bản sắc, căn tính của người thiểu số ở Mỹ, vốn rất gay gắt lúc bấy giờ. “Từ trước đến nay chúng ta cứ xây dựng hình tượng nghệ sĩ độc lập làm việc, hay thì người ta tự tìm đến, nhưng thực tế, tác phẩm có hay đến mấy mà không được đặt đúng chỗ thì cũng không ai biết đến mình”.

Thế giới nghệ thuật vốn đa dạng, phải biết tác phẩm của mình thích ứng với môi trường nghệ thuật nào. Từ quan điểm này, nghệ sĩ Hà Mạnh Thắng cho rằng, vấn đề quan trọng khi bước ra thế giới là phải định vị bản thân, xác định vị trí tác phẩm của mình ở đâu, được định giá dựa trên những tiêu chuẩn nào... Đó là quá trình không chỉ diễn ra trong xưởng mà còn phải thông qua va chạm, cọ sát, nắm bắt thông tin bên ngoài. “Từ năm 2008, tôi đã triển lãm và bán được tác phẩm ở nước ngoài, nhất là tận dụng cơ hội tại hai thị trường nghệ thuật Hong Kong và Singapore, lúc đó đang tranh giành vị trí trung tâm nghệ thuật ở Đông Á, còn mình ở giữa, lại có sự chuẩn bị kỹ”.

“Sự chuẩn bị kỹ” ở đây là tác phẩm đủ tốt, sự quảng bá đủ chuyên nghiệp và khả năng nắm bắt thông tin, kết nối thị trường đủ sâu rộng. Cơ hội với nghệ thuật đương đại vẫn luôn rộng mở, nhất là khi giới mỹ thuật ngày càng dành sự quan tâm nhiều hơn đến khu vực Đông Á. Tuy nhiên, nghệ sĩ Việt đang bỏ lỡ rất nhiều. Chúng ta đã đánh giá quá trễ giá trị của các họa sĩ thế hệ trường mỹ thuật Đông Dương, để hàng loạt tác phẩm rơi vào tay nhà sưu tầm nước ngoài. Chúng ta lại đang thiếu thông tin và mặt bằng so sánh, đối chiếu để đánh giá giá trị của các họa sĩ bây giờ, càng thiếu không gian hỗ trợ, kết nối nghệ sĩ trẻ ra sân chơi quốc tế.

Từ những thiếu vắng ấy, nghệ sĩ Lê Quang Đỉnh nhận định những nỗ lực của từng cá nhân là không đủ cho một thị trường ngày càng rộng mở. “Lâu nay, nghệ thuật đương đại Việt Nam ghi nhận nhiều thành công nhưng tiềm năng vẫn còn rất nhiều. Bên cạnh ý thức chủ động sáng tạo, hội nhập của nghệ sĩ, cơ sở hạ tầng của nghệ thuật cần được nâng lên từng tầng bậc giúp nghệ sĩ vươn cao hơn. Có thể bắt đầu từ chính các không gian nghệ thuật nhỏ, được chính phủ hỗ trợ, hoạt động phi lợi nhuận, liên tục có chương trình hỗ trợ nghệ sĩ, có sự chung tay của các giám tuyển, nhà phê bình nghệ thuật… Tất cả là đường dẫn kết nối, mở đường, giúp nghệ sĩ Việt đánh giá vị trí của họ, gây dựng tên tuổi trong nước và tiến ra sân chơi quốc tế”.

Thái Minh