Mở cửa du lịch và hàng không giúp kinh tế nhanh hồi phục

- Thứ Năm, 11/11/2021, 06:24 - Chia sẻ
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình NGUYỄN MINH TÂM cho rằng, mở cửa nền kinh tế, trước tiên trong lĩnh vực du lịch và hàng không, là chủ trương rất đúng đắn và phù hợp trong bối cảnh hiện nay, khi Chính phủ xác định “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Bởi đây là những ngành kinh tế mũi nhọn, có tính lan tỏa cao, nhanh chóng giúp nền kinh tế hồi phục.
Ảnh: Quang Khánh
Ảnh: Quang Khánh

Chậm mở cửa sẽ tụt hậu!

- Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, các bộ, ngành và một số địa phương đang chuẩn bị thí điểm đón khách quốc tế đến Việt Nam. Điều này được kỳ vọng sẽ giúp nền kinh tế sớm phục hồi. Quan điểm của bà thế nào?

- Trước hết, cần khẳng định rằng, việc mở cửa lại nền kinh tế mà trước tiên trong lĩnh vực du lịch và hàng không là chủ trương rất đúng đắn và phù hợp trong bối cảnh hiện nay, khi Chính phủ xác định “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đặc biệt, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới và cả ở khu vực ASEAN đã sẵn sàng mở cửa nền kinh tế, trước tiên là với du lịch, nếu chúng ta chậm ngày nào thì nguy cơ tụt hậu sẽ càng lớn!

Gần hai năm qua, ngành du lịch và hàng không quốc tế gần như “đóng băng”. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển kinh tế của đất nước. Số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy, lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong năm 2020 chỉ đạt 3,7 triệu lượt, giảm 80% so với năm 2019; tổng thu từ khách du lịch đạt 312.200 tỷ đồng, giảm 59%. Trong 9 tháng năm nay, tổng thu từ khách du lịch đạt khoảng 137.000 tỷ đồng, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2020, hầu như không có khách quốc tế. Trong khi đó, năm 2019, trong tổng số hơn 18 triệu lượt khách du lịch đến Việt Nam thì khoảng 80% bằng đường hàng không, cho thấy mối gắn kết chặt chẽ giữa hàng không và du lịch.

Đưa ra các con số đó để thấy, việc nhanh chóng mở cửa trở lại ngành du lịch và hàng không là yêu cầu cấp bách bởi đó là những ngành kinh tế mũi nhọn, mang tính động lực của cả nền kinh tế, có tính lan tỏa cao, nhanh chóng giúp nền kinh tế phục hồi. Ngay với tỉnh Quảng Bình vốn xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn cũng sẽ có cơ hội quan trọng để tỉnh lấy lại đà tăng trưởng hậu Covid-19.

- Rõ ràng, đang có nhiều kỳ vọng với việc mở cửa trở lại ngành du lịch và hàng không. Tuy vậy, những quy định phòng dịch đối với hành khách hay hạn chế số lượng khách đến dựa trên năng lực tiếp nhận của địa phương về bố trí cơ sở cách ly được cho là có thể ảnh hưởng tới việc mở cửa, thưa bà?

- Vì là thí điểm nên trong giai đoạn đầu, chúng ta có thể xem xét đón một lượng khách nhất định đến Việt Nam. Tuy nhiên, đúng là có một số quy định về an toàn phòng dịch với hành khách có vẻ quá cẩn trọng. Theo tôi, khi khách đã tiêm đủ hai mũi vaccine, mũi thứ hai tiêm đủ ít nhất 14 ngày hoặc có giấy chứng nhận đã điều trị khỏi Covid-19 trong vòng 6 tháng thì nên xem xét lại quy định yêu cầu cách ly bắt buộc trong vòng 7 ngày.

Làm rõ trách nhiệm các bên

- Việc ứng dụng công nghệ trong phòng chống Covid-19 đã được triển khai thực hiện. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số ứng dụng (app) chậm được cập nhật khiến hành khách phải làm thủ tục thủ công và mất nhiều giờ mới được rời sân bay. Theo bà, có nên quy trách nhiệm cho đơn vị quản lý, phát triển ứng dụng để xảy ra lỗi và chậm chia sẻ dữ liệu phục vụ quản lý, giám sát phòng, chống dịch?

	Mở cửa du lịch và hàng không góp phần phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế. Nguồn ITN
Mở cửa du lịch và hàng không góp phần phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế.
Nguồn ITN

- Chúng ta có nhiều ứng dụng trong phòng chống dịch. Khi đón khách quốc tế, theo tôi, nên xây dựng một phần mềm chuẩn để người dân, khách quốc tế sử dụng được thuận tiện, tránh mất nhiều thời gian. Nếu việc ứng dụng công nghệ trong phòng, chống dịch gây bất tiện sẽ là điểm trừ rất lớn trong con mắt du khách, do đó Chính phủ cần quy rõ trách nhiệm cho các đơn vị được giao xây dựng, quản lý các ứng dụng này.

- Để mở cửa du lịch, vai trò của ngành hàng không đặc biệt quan trọng. Song, nhìn từ việc thí điểm nối lại đường bay nội địa vừa qua, tỷ lệ lấp đầy ghế các chuyến bay chỉ đạt khoảng 47%. Nguyên nhân do nhiều địa phương gây khó khăn, quy trình phối hợp, giám sát khách bay gây phiền toái. Làm thế nào để khắc phục tình trạng này, thưa bà?

- Muốn khôi phục kinh tế hiệu quả như mong đợi, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch tổng thể, có quy trình rõ ràng, cụ thể, thống nhất và chuẩn hóa thì việc quy rõ trách nhiệm cho từng bộ, ngành, địa phương là rất quan trọng. Chính phủ rất quan tâm tới vấn đề này và tới đây, nội dung này vẫn cần được quan tâm sát sao để nơi nào làm tốt cần được biểu dương và nơi nào gây khó khăn, cản trở thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm và bị xử lý. Khi chúng ta làm quyết liệt, đồng bộ và bài bản sẽ là chìa khóa để giúp ngành du lịch, hàng không cũng như cả nền kinh tế sớm phục hồi.

- Việc thí điểm đón khách sẽ chỉ áp dụng trong thời gian ngắn trước mắt. Để phục hồi ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế nói chung, theo bà, đâu là giải pháp căn cơ?

- Giải pháp căn cơ vẫn phải là có một kế hoạch tổng thể về việc mở cửa trở lại nền kinh tế, trước mắt đối với ngành du lịch và hàng không.

Theo đó, cần quy định cụ thể về quy trình triển khai, các giải pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch cho du khách, trong đó có việc xây dựng mô hình du lịch an toàn khép kín để tạo sự tin tưởng cho khách. Bên cạnh đó, phải có quy trình xử lý sự cố khi dịch xảy ra; xây dựng kịch bản cụ thể như địa phương đang đón khách quốc tế mà bùng dịch thì hướng xử lý thế nào… Các quy trình, quy định phải mang tính chuẩn hóa trong toàn quốc để bảo đảm thực hiện thống nhất, đồng thời phải kết nối với các nước thì mới mong ngành du lịch sớm khôi phục và phát triển.

- Xin cảm ơn bà!

Đan Thanh thực hiện