Cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc

Mở cánh cửa cho nông sản xuất ngoại

- Thứ Năm, 15/07/2021, 05:38 - Chia sẻ
Việc cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc nông sản được xem là chìa khóa trong việc xây dựng lòng tin về chất lượng, uy tín nông sản vì giúp minh bạch thông tin từ sản xuất, chế biến đến phân phối và người tiêu dùng có thể tự kiểm chứng. Nắm bắt điều này, thời gian qua, tỉnh Đồng Nai đã chú trọng hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc, từ đó có thể xuất khẩu nhiều loại nông sản thế mạnh của địa phương đi sang những thị trường khó tính.
Tỉnh Đồng Nai hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc
Nguồn: ITN

Trên 22 nghìn hecta cây trồng được cấp 97 mã số vùng trồng

Hiện tại, Đồng Nai đang có nhiều loại nông sản chủ lực như tiêu, cà phê, điều, nhiều loại cây ăn trái đặc sản... đã hình thành những vùng chuyên canh lớn, chất lượng tốt. Thời kỳ hậu nông thôn mới, tỉnh định hướng phát triển sản xuất nông nghiệp nhìn vào tín hiệu thị trường và theo quy mô hàng hóa lớn. Trong đó, chú trọng khâu cấp mã số vùng trồng cho nông sản với mục tiêu tạo nên những thương hiệu nông sản lớn được thị trường nhận diện.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT)   Đồng Nai, toàn tỉnh hiện có trên 22 nghìn hecta cây trồng được cấp 97 mã số vùng trồng xuất khẩu vào thị trường nhiều nước. Trong gần 6,3 nghìn hecta diện tích cây ăn quả, được cấp 87 mã số vùng trồng để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và nhiều nước khác. Ngoài ra, có 169ha các loại cây ăn quả như xoài, chôm chôm, chanh không hạt đã được cấp 14 mã số vùng trồng xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ, Australia, Nhật Bản… Việc cấp mã số vùng trồng không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn gắn chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Cách làm này còn giúp nông dân ý thức được vấn đề sản xuất liên quan chặt chẽ đến chất lượng và giá thành sản phẩm.

Để đủ điều kiện được cấp mã số vùng trồng, nông dân phải thay đổi tập quán sản xuất chuyển theo hướng an toàn, tập thói quen ghi nhật ký sản xuất… Ông Nguyễn Thế Bảo, Giám đốc Hợp tác xã Xoài Suối Lớn (huyện Xuân Lộc) cho biết, vùng chuyên canh xoài của địa phương được chọn làm thí điểm cấp mã số vùng trồng để xuất khẩu đi các thị trường khó tính. Tham gia chương trình, nông dân được hỗ trợ rất nhiều, nhất là về kinh phí thực hiện. “Nhờ đăng ký và được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm xoài của chúng tôi mới đủ điều kiện xuất khẩu vào những thị trường khó tính. Có mã số vùng trồng, thương hiệu xoài cũng được cả thị trường nội địa và xuất khẩu nhận biết tốt hơn. Thời gian qua, rất nhiều đối tác đã về làm việc với Hợp tác xã nhằm xuất khẩu xoài vào những thị trường lớn như Australia, Nhật Bản”.

Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Trần Đình Minh khẳng định, việc cấp mã số vùng trồng cũng là cơ hội để tăng sức cạnh tranh cho nông sản ở cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Theo đó, tỉnh đang tiếp tục tập trung hỗ trợ nông dân thực hiện việc cấp mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực của địa phương.

Hỗ trợ truy xuất nguồn gốc nông sản  

Truy xuất nguồn gốc sản phẩm đang dần trở thành xu thế tất yếu và là yêu cầu cần thiết để xuất khẩu chính ngạch vào các thị trường lớn, cho phép người tiêu dùng có đầy đủ thông tin ngược dòng, từ sản phẩm cuối cùng về nơi sản xuất ban đầu, rà soát từng công đoạn trong chế biến và phân phối. Tỉnh hiện có hơn 1.300ha cây trồng được chứng nhận các tiêu chuẩn VietGAP, UTZ, 4C, hữu cơ…

Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại tiếp cận giải pháp truy xuất nguồn gốc đạt chuẩn quốc gia, cuối tháng 4 vừa qua, Sở NN-PTNT Đồng Nai đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Công ty CP iCheck - đơn vị tiên phong trong việc phát triển hệ thống truy xuất nguồn gốc. Theo đó, iCheck sẽ tài trợ cho 2.000 doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại của tỉnh sử dụng miễn phí hệ thống truy xuất nguồn gốc bao gồm đăng ký tài khoản, hỗ trợ cập nhật thông tin, hình ảnh về sản phẩm, tạo mã QR Code trong vòng 1 năm.

Với tổng giá trị gói hỗ trợ lên đến 10 tỷ đồng, sự hợp tác này sẽ giúp người nông dân trên địa bàn tỉnh triển khai hệ thống truy xuất nguồn gốc bài bản đúng theo tiêu chuẩn quốc gia với mức chi phí hợp lý nhất. Anh Nguyễn Viết Tuấn, Trưởng ban dự án Truy xuất nguồn gốc Công ty CP iCheck cho biết, mục đích của việc thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm là để doanh nghiệp công khai minh bạch thông tin hàng hóa, từ đó giúp nhận diện cung cấp thông tin chính xác, kịp thời, nhận diện nguy cơ tiềm ẩn có thể phát sinh không an toàn cho người tiêu dùng. Khi ứng dụng công nghệ truy xuất nguồn gốc, doanh nghiệp được chứng nhận đáp ứng yêu cầu sản phẩm để lưu hành trong nước và quốc tế và được phép tích hợp với hệ thống truy xuất quốc gia.

Là đơn vị sản xuất, bà Nguyễn Phạm Hồng Lan, đại diện Công ty TNHH Family and Farm (xã Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ) đầu tư trồng xoài đạt chuẩn VietGAP và đã thực hiện việc truy xuất nguồn gốc cho loại nông sản này chia sẻ, khách hàng hiện nay rất quan tâm đến những thông tin về quy trình sản xuất cũng như chất lượng sản phẩm. Thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm đáp ứng nhu cầu hiện nay của khách hàng. Mặt khác, đây cũng là “chìa khóa” giúp nông sản tham gia được vào thị trường xuất khẩu.

Cũng theo bà Lan, thực hiện việc truy xuất nguồn gốc nông sản khá dễ dàng với nông dân vì các chuyên viên của đơn vị cung cấp dịch vụ này về tận vườn cầm tay chỉ việc, hướng dẫn nông dân từ cách sử dụng phần mềm cho đến việc cập nhật thông tin ngay trên cánh đồng như thế nào. Với việc ứng dụng phần mềm truy xuất nguồn gốc, chủ doanh nghiệp, chủ trang trại dễ dàng giám sát hoạt động của từng người lao động, công việc họ đã thực hiện và kết quả ra sao.

Thảo Anh