MICE - chìa khóa phục hồi của ngành du lịch?

- Thứ Tư, 14/04/2021, 06:27 - Chia sẻ
Trong giai đoạn dịch bệnh không có khách quốc tế, giới chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng, du lịch MICE chính là loại hình chiến lược cho sự ổn định và khôi phục của ngành công nghiệp không khói.
Giới chuyên gia nhận định, MICE sẽ là sản phẩm chiến lược cho sự ổn định và phục hồi du lịch
Nguồn: Internet

Cơ hội cho ngành du lịch

Năm 2020, dù gặp nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng Vietravel đã phục vụ gần 210.000 lượt khách MICE (du lịch kết hợp hội nghị, triển lãm, sự kiện, khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác). Dự kiến năm nay doanh nghiệp này sẽ phục vụ khoảng 385.000 lượt khách MICE, trong đó các điểm đến có khu du lịch quy mô, dịch vụ tốt thường được lựa chọn là Hà Nội, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Phú Quốc…

Mới đây, TP. Đà Nẵng cũng đã triển khai thí điểm các chính sách hỗ trợ thu hút 100 đoàn khách du lịch MICE đầu tiên đến Đà Nẵng năm 2021 với tổng kinh phí dự kiến 300 triệu đồng. Cụ thể, thành phố sẽ hỗ trợ về đón tiếp, chào mừng; truyền thông; cơ sở vật chất; quà tặng lưu niệm; thủ tục cấp phép hoạt động;  hướng dẫn viên...

Các đơn vị đưa khách về Đà Nẵng tổ chức sự kiện MICE được phân chia thành các nhóm: Từ 100 - 299 khách, từ 300 - 499 khách, từ 500 - 999 khách, từ 1.000 - 1.999 khách và từ 2.000 khách trở lên. Các đoàn khách được áp dụng chính sách hỗ trợ cần thỏa mãn các điều kiện sau: Có ít nhất 50 đêm phòng tại Đà Nẵng; có 1 ngày tham quan tại Đà Nẵng; có tổ chức sự kiện MICE tại Đà Nẵng.

Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch Đà Nẵng Mai Thị Thanh Hải cho biết chính sách hỗ trợ này thu hút được sự quan tâm của các đơn vị tổ chức sự kiện du lịch MICE. Từ ngày 12 - 14.3, Công ty Viettours đã chọn Đà Nẵng là điểm đến cho 400 khách. Tương tự, Vietravel cũng tổ chức cho 120 khách tham quan nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng, Hội An trong 3 ngày từ 12 - 15.3. Việc đón các đoàn khách MICE bảo đảm tuân thủ mọi hướng dẫn về phòng chống dịch.

Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển du lịch, trong năm 2021, dịch bệnh sẽ còn diễn biến phức tạp trên thế giới, gây khó khăn trong việc tổ chức các sự kiện quốc tế ở Việt Nam. Tuy nhiên với tình hình kiểm soát tốt dịch bệnh trong nước, chúng ta hoàn toàn có thể phục hồi và mở rộng phát triển loại hình du lịch MICE, để từ đó biến Việt Nam thành điểm đến MICE hoàn hảo, trở thành trung tâm du lịch MICE của khu vực và quốc tế.

Cùng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Lê Tấn Thanh Tùng cho rằng trong giai đoạn dịch bệnh, không có khách quốc tế, MICE là loại hình chiến lược cho sự ổn định và khôi phục du lịch. Điều quan trọng là phải quảng bá được sự an toàn của các điểm đến ở các địa phương tổ chức du lịch MICE. Cùng với đó, cần chuẩn bị lực lượng, đội ngũ, đơn vị cung ứng dịch vụ tốt nhất để các nhà đầu tư sự kiện MICE an tâm tài trợ.

Phụ thuộc vào hành động của địa phương

Du lịch MICE không chỉ là giải pháp tạm thời lúc dịch bệnh mà còn là mục tiêu dài hạn của nhiều địa phương. Với bờ biển dài, có nhiều thắng cảnh và di tích lịch sử, văn hóa bản địa đặc sắc, thích hợp với nhu cầu giải trí, nghỉ dưỡng của khách du lịch MICE và khí hậu ôn hòa và ổn định để đón khách quanh năm, Bình Thuận đặt mục tiêu đến năm 2030 đưa Phan Thiết trở thành thành phố du lịch MICE.

Trên bình diện quốc gia, Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 cũng xác định thu hút đầu tư, phát triển du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, triển lãm, sự kiện, khen thưởng) là một trong những định hướng quan trọng cần được quan tâm. 

Năm 2020, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công bố dự thảo Tiêu chuẩn Việt Nam cho Tiêu chuẩn MICE để lấy ý kiến và đã xây dựng Tiêu chuẩn quốc gia về du lịch MICE - Yêu cầu về địa điểm tổ chức đối với khách sạn. Điều kiện cơ sở lưu trú du lịch của Việt Nam cũng được công nhận khi đã tham gia phục vụ hàng loạt các sự kiện lớn của ngành và đất nước như Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội, Diễn đàn Du lịch ASEAN (ATF) 2019 tại Hạ Long... Nhiều cơ sở lưu trú du lịch cũng được trao giải thưởng dành cho khách sạn có địa điểm tổ chức hội nghị tốt nhất tại Lễ trao giải của ASEAN Tourism Forum 2020 (ATF).

PGS.TS. Phạm Hồng Long, Trưởng khoa Du lịch, Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định, việc phát triển loại hình du lịch MICE vừa tuân thủ chiến lược phát triển của ngành là tập trung vào dòng du lịch đô thị, vừa giúp các địa phương có được một lượng khách ổn định, giúp kích cầu nội địa hậu Covid-19. Tuy nhiên dòng sản phẩm này có tính thời điểm khá rõ rệt, thường tập trung vào dịp cuối năm.

Bên cạnh đó, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Lê Tấn Thanh Tùng cho biết, đặc thù của du lịch MICE là đi theo đoàn đông người. Việc tìm nhà cung ứng dịch vụ để đáp ứng được yêu cầu của đoàn khá khó khăn. 

“Muốn phát triển du lịch MICE cần có chiến lược bài bàn, rõ ràng", PGS.TS. Phạm Hồng Long nhấn mạnh. Bởi với đặc thù đoàn khách đông, đòi hỏi dịch vụ cao thì không phải địa phương, cơ sở lưu trú nào cũng có thể đáp ứng được. Do đó, hệ thống cơ sở hạ tầng ở các địa phương phát triển MICE phải tốt, phù hợp, chuyên nghiệp hơn, hoạt động tuyên truyền, quảng bá cũng phải được nâng lên. Kết nối cũng là vấn đề quan trọng để khai thác hiệu quả dòng sản phẩm này. "Chung quy lại, phát triển tốt du lịch MICE hay không phải phụ thuộc vào hành động của các địa phương nhiều hơn là chiến lược, giải pháp của ngành”, ông Long nói.

Hạnh Nhung