Từ dân gian đến hiện đại
“Trong các bức tranh dân gian Đông Hồ, hình tượng mèo xuất hiện khá ít, chỉ có trong bức Đám cưới chuột nổi tiếng, rồi tranh Con mèo mà trèo cây cau, tranh Em bé ôm mèo, thuộc dòng tranh chúc tụng. Tuy nhiên, những tranh này đã quá quen thuộc. Muốn mang chút gì vừa quen vừa lạ tới người yêu tranh truyền thống, tôi đã suy nghĩ cải tiến thành mẫu tranh mới chào đón năm Quý Mão” - nghệ nhân Mai Thanh Huyền vừa chia sẻ vừa tỉa từng sợi ria để đặc tả chú mèo vừa hiền vừa có nét oai nghiêm của tiểu hổ.
Kế thừa truyền thống vẽ tranh con giáp của làng Đông Hồ, mỗi dịp cuối năm, nghệ nhân Mai Thanh Huyền lại bận rộn chuẩn bị mùa tranh Tết theo hướng khai thác những giá trị tinh hoa của dòng tranh Đông Hồ, đồng thời đưa vào nét mới mẻ, hiện đại. Trong bức tranh nghệ nhân đang hoàn thiện, khuôn mặt chú mèo khá giống hình ảnh trong Em bé ôm mèo, hoa hồng và hoa đào vẽ theo phong cách xưa trên tranh tứ quý. Tuy nhiên, chú mèo màu vàng đứng trên nền giấy điệp bên gốc đào và khóm hoa hồng mang không khí của mùa xuân với những sắc màu rực rỡ.
“Về làm dâu làng Đông Hồ tôi mới học vẽ tranh dân gian từ bố chồng (Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Đăng Chế). Cụ chỉ hướng dẫn một lần là tôi làm được, nhiều kỹ thuật tôi nhìn mọi người rồi bắt tay làm theo. Như tranh trổ giấy thường chỉ có các anh làm, nhưng tôi cũng thử cắm dao, đi nét và làm được. Duyên với nghề đã thôi thúc tôi vẽ theo phong cách tranh dân gian” - nghệ nhân Mai Thanh Huyền chia sẻ.
Tuy nhiên, không hoàn toàn làm theo các công đoạn của truyền thống, nghệ nhân Thanh Huyền mong muốn những nét rất quen thuộc với các thế hệ người Việt từ xưa tới nay được giữ gìn và phát triển, tạo ra các bức tranh đặc trưng của làng Đông Hồ nhưng vẫn mang chất hiện đại. Thường tranh dân gian Đông Hồ làm trên kích thước nhỏ, bản khắc trên gỗ thị có kích cỡ 26 x 37cm. Với kích thước lớn hơn, nghệ nhân không làm theo cách in truyền thống mà hoàn toàn lên nét và vẽ màu bằng tay, trau chuốt, đường nét bay bổng, nhấn nhá, sắc độ uyển chuyển.
Nghệ nhân Mai Thanh Huyền cho biết, tranh Tết theo phong cách dân gian vẫn có nhiều người quan tâm, bởi sự gần gũi, giá thành phù hợp với nhiều tầng lớp. Biết cách làm mới, chạm đến thị hiếu của mọi người, tranh mang đậm phong cách dân gian vẫn được yêu thích.
Ngộ nghĩnh trong điêu khắc sơn mài
Chào đón năm Quý Mão 2023, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát giới thiệu bộ sưu tập hàng nghìn tượng mèo được sáng tạo suốt hai năm qua. Điểm đặc biệt của bộ sưu tập này là sự độc đáo trong từng tượng, được chế tác từ nguyên liệu đặc trưng vùng Sơn Tây, Hà Nội, đó là gỗ mít và đá ong, kết hợp với nghệ thuật sơn mài truyền thống Việt Nam.
“Tôi may mắn từ nhỏ được đi theo ông nội và bố tôn tạo các đình, chùa. Nghệ thuật điêu khắc, sơn mài đã ngấm vào tôi lúc nào không hay, thôi thúc tôi lớn lên theo mỹ thuật thủ công" - nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát kể.
Chất liệu sơn mài đã tồn tại hàng nghìn năm, biến đổi nhiều qua thời gian, từ sơn phủ, thếp vàng thếp bạc, tạo sự bền đẹp theo năm tháng cho những pho tượng gỗ ở đình, chùa, tới bước ngoặt đưa nhiều chất liệu khác vào để tạo ra những tác phẩm tinh tế. Trân trọng giá trị truyền thống, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát sáng tạo với nghệ thuật điêu khắc, tạo vật phẩm sơn mài 3D; giải quyết hiệu ứng của sơn, làm màu sắc tươi mới hơn phù hợp với không gian hiện đại…
Hình tượng mèo trong bộ sưu tập độc đáo của nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát được cách điệu, giá trị sử dụng cao. Không theo khuôn mẫu có sẵn, nghệ nhân lên ý tưởng, tỉ mỉ đục đẽo tạo hình dáng cho từng khối gỗ. Kỹ thuật làm sơn mài hoàn toàn thực hiện theo quy trình truyền thống như sơn nhiều lớp, phơi khô, đánh bóng, khảm trai, vẽ tạo tác…
"Hình tượng mèo tạo cho tôi nhiều cảm hứng. Đây là con vật gắn liền với đời sống của người Việt, từ em bé đến cụ già đều yêu quý. Những chú mèo con nô đùa trong nắng là hình ảnh làm tôi ấn tượng nhất, và tôi đã tạo dáng nhiều chú mèo như vậy, rất hợp trang trí trong nhà" - nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát chia sẻ.
Không chỉ là điêu khắc mèo, các tác phẩm còn có thể được sử dụng như một chiếc hộp, bình hoa, bàn trà, chiếc ghế… Trên từng tác phẩm, những câu chuyện dân gian, các bài hát và kiến trúc truyền thống của Việt Nam cũng được tích hợp vào bộ sưu tập, đưa công chúng thưởng lãm trở lại với các giá trị truyền thống, từ đó nâng cao lòng tự hào dân tộc.
Là người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực mỹ thuật tạo hình ứng dụng, nghệ nhân Nguyễn Tấn Phát tâm niệm việc tạo ra các bức tượng điêu khắc sơn mài không chỉ là đam mê, mà còn là cách để giới thiệu văn hóa của người Việt. Anh hy vọng qua những sản phẩm này có thể quảng bá rộng rãi hơn nghệ thuật sơn mài và thủ công truyền thống Việt Nam đến với đông đảo bạn bè thế giới.