Mạnh tay với doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội

- Thứ Ba, 22/06/2021, 06:38 - Chia sẻ
Lãnh đạo Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cho biết, năm 2021 là năm có nhiều thách thức với ngành BHXH khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Đặc biệt là tình trạng nợ đọng, chậm đóng bảo hiểm còn phổ biến. Theo đó, BHXH Việt Nam đã triển khai các biện pháp xử lý phù hợp và phối hợp với cơ quan điều tra khởi tố doanh nghiệp vi phạm, xử lý nghiêm doanh nghiệp nợ kéo dài; nỗ lực ngăn chặn chủ doanh nghiệp bỏ trốn và không để các doanh nghiệp vin cớ dịch bệnh mà chây ỳ nợ đọng.

Ảnh hưởng quyền lợi người lao động

Do hậu quả bởi dịch Covid-19 kéo dài, nhiều doanh nghiệp trên cả nước bị tác động nặng nề dẫn đến nợ BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) làm ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động. Theo thống kê của BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế, tổng nợ của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên tới trên 222,12 tỷ đồng, trong đó các đơn vị sử dụng lao động nợ 193,51 tỷ đồng. Số nợ của các đơn vị thuộc diện bị tính lãi là 110.176 triệu đồng, số nợ BHXH khó thu chiếm 32,49 tỷ đồng.

Nợ bảo hiểm kéo dài ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động Nguồn: ITN
Nợ bảo hiểm kéo dài ảnh hưởng lớn đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động
Nguồn: ITN

Nhận định về tình trạng này, Phó Trưởng phòng Quản lý Thu, BHXH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Hồng Phúc cho biết, có tới 40% doanh nghiệp trên địa bàn có quy mô nhỏ dưới 10 người lao động và hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực du lịch nên dịp này hầu như không có khách, không có doanh thu, dẫn đến nợ BHXH, BHYT. Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp cố tình trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT kéo dài.

Tương tự, tại TP. Đà Nẵng, đến cuối tháng 5.2021, toàn thành phố có 7.059 đơn vị để nợ BHXH, BHYT và BHTN với tổng số tiền 326,4 tỷ đồng. Trong đó, có 2.737 đơn vị nợ từ 3 tháng trở lên, với tổng số tiền gần 232 tỷ đồng. Theo lãnh đạo BHXH TP. Đà Nẵng, dưới tác động của dịch Covid-19, một số doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, cố tình chây ỳ trong thực hiện nghĩa vụ đối với người lao động. Theo đó, sau khi Thanh tra BHXH kiểm tra đã buộc các doanh nghiệp phải chấp hành đóng tiền nợ cộng thêm lãi suất ngân hàng, đã có một số đơn vị thực hiện đóng đủ tiền nợ. Song, vẫn còn doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm, tìm mọi lý do để không thực hiện đóng nợ hoặc đóng nhỏ giọt, sau khi có kết luận của cơ quan thanh tra.

Trên thực tế, nhận thức của lao động, chủ sử dụng lao động còn hạn chế việc trục lợi BHXH vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi, dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng chưa được xử lý triệt để. Trong khi đó, việc đại diện và bảo vệ quyền lợi cho người lao động cũng gặp rất nhiều khó khăn; công tác khởi kiện, xử lý còn nhiều vướng mắc. Đó là thủ tục ủy quyền gây tốn kém và mất thời gian cho người lao động mà đa số các vụ kiện chủ doanh nghiệp nợ BHXH, nợ lương đều vắng mặt. Trong khi đó, tài sản không còn, nhà xưởng chủ yếu là thuê cho nên rất khó thi hành án để trả lương và chốt sổ BHXH cho lao động. Điều này dẫn đến sự mất cân đối trong thu chi BHXH và đặc biệt là ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi chính đáng, hợp pháp của người lao động.

Đồng bộ, quyết liệt các giải pháp

Xác định công tác thu BHXH, BHYT là nhiệm vụ trọng tâm nên ngay từ đầu năm, BHXH Việt Nam đã đề ra nhiều biện pháp và giao chỉ tiêu phấn đấu cụ thể. Theo đó, các địa phương đã chủ động lên phương án thu từng tháng, từng quý. Cùng với việc đôn đốc thu đối với những đơn vị nợ kéo dài, BHXH các tỉnh còn chủ động phối hợp với cơ quan chức năng thanh tra, kiểm tra, nhất là phối hợp với Công an tỉnh xử lý nghiêm những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm pháp luật BHXH, theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Theo đó, BHXH TP. Đà Nẵng đã chuyển cơ quan công an làm rõ nhiều doanh nghiệp trốn đóng BHXH trên địa bàn; phối hợp Phòng Cảnh sát Kinh tế Công an TP. Đà Nẵng làm việc với 14 đơn vị sử dụng lao động nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN trong thời gian dài. Đồng thời, BHXH thành phố gửi văn bản đến các ngân hàng đề nghị cung cấp thông tin tài khoản các đơn vị nợ, thực hiện trích chuyển tài khoản đối với đơn vị không thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính.

Bên cạnh đó, BHXH thành phố cũng phối hợp với Công an thành phố, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động thành phố mời các đơn vị nợ lên làm việc để đôn đốc thực hiện nghĩa vụ với người lao động. Trong quá trình xử lý, ngành BHXH cũng phát hiện các đơn vị nợ lớn, kéo dài, trốn đóng nhưng tiếp tục đăng ký tham gia BHXH, BHYT tại một nơi khác. Cùng với đó, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Đà Nẵng tiếp tục xem xét để khởi tố 1 doanh nghiệp về hành vi trốn đóng BHXH.

Với Thừa Thiên Huế, BHXH tỉnh cũng tiếp tục thanh tra tại 4 đơn vị và thanh tra chuyên ngành đóng BHXH đối với 17 doanh nghiệp. Đồng thời, làm việc với Sở Tài chính để thống nhất phương án hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện từ ngân sách địa phương cho các nhóm đối tượng. Thêm vào đó, BHXH tỉnh chủ động làm việc với các đơn vị sử dụng lao động chưa tham gia, tham gia chưa đầy đủ BHXH, BHYT cho người lao động theo dữ liệu do cơ quan thuế cung cấp để có căn cứ vận động phát triển đối tượng.

Ông Lê Hồng Phúc cho biết, BHXH tỉnh sẽ tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành phối hợp với BHXH tỉnh xử lý, thu hồi nợ BHXH, giảm tỷ lệ nợ của các doanh nghiệp; rà soát, phân loại đơn vị, doanh nghiệp nợ đọng để xác định rõ nguyên nhân nợ đọng và có phương án đôn đốc thu hiệu quả. Nếu đơn vị, doanh nghiệp nào đang hoạt động tốt vẫn trốn đóng, BHXH tỉnh sẽ tiến hành thanh tra đột xuất để làm căn cứ đề xuất xử lý vi phạm hình sự theo quy định của Luật BHXH và Bộ luật Hình sự. 

Hải Yến