Bà Hoàng Thanh Thủy nhắc lại cuộc trò chuyện với con mình, khi cậu bé đưa ra câu hỏi liệu khỉ có thể tiến hóa thành người? “Đây là cơ hội để cha mẹ và con mình nói chuyện với nhauvề các vấn đề trong cuộc sống. Mỗi đứa trẻ chính là một triết gia vì có khả năng đặt câu hỏi rất nhiều". Đó là những câu hỏi khá thú vị, gây kinh ngạc, mong muốn khám phá, chính là tố chất của triết gia.
Được hỏi về điều đặc biệt giúp bộ sách “Thưởng thức triết học” gần gũi với trẻ, bà Hoàng Thanh Thủy chia sẻ, ở mặt sau các tập sách đều có mục hướng dẫn các em thành lập một buổi sinh hoạt triết học mà ở đó các em sẽ chuẩn bị cho mình một vấn đề, sau đó bốc thăm và chọn ra một chủ đề để cùng thảo luận. Buổi sinh hoạt theo hình thức này như một trò chơi tri thức mà ở đó trẻ có thể trao đổi kiến thức với nhau, kích thích tính tò mò, ham học hỏi.
Theo TS. Trần Văn Công, Trưởng Khoa tiếng Pháp, Trường Đại học Hà Nội, từ “thưởng thức” trong tiếng Pháp là “Le goûter”, có nghĩa là “bữa ăn nhẹ buổi chiều”. Tiêu đề “Thưởng thức triết học” sẽ khiến người ta nghĩ triết học là một món ăn cao cấp, đặc sản hoặc là một tác phẩm nghệ thuật mà bất cứ ai cũng có thể thưởng thức thay vì là “một cái gì đó” cứng nhắc, khô khan.
TS. Trần Văn Công cũng chia sẻ thêm, với bộ sách này, nhóm tác giả đã đưa những hoạt động thường ngày, gần gũi vào cuốn sách. Các nhân vật là trẻ em đặt câu hỏi và trả lời, trao đổi với nhau về những vấn đề của cuộc sống. Vì thế mà triết học sẽ “ngấm” vào tư duy của trẻ nhỏ.
Bộ sách “Thưởng thức triết học” gồm 12 tập: Chiến tranh và hòa bình, Máy móc và con người, Đồng ý và bất đồng, Tin và biết, Sự sống và cái chết, Lao động và tiền bạc, Nhớ và quên, Thể xác và tâm trí, Quyền và nghĩa vụ, Theo đạo và không theo đạo, Tôn trọng và coi thường, Dành thời gian và mất thời gian.
Sách được thiết kế để khai thác bản năng triết học tự phát trong mỗi người và phát triển nó thông qua những câu chuyện trong tình huống quen thuộc của cuộc sống.
Mỗi tập sách đều liên quan tới các khía cạnh rất quen thuộc và đối lập trong đời sống đúng như tiêu đề và tư duy triết học, góp phần giúp trẻ học cách tự lập luận, để chứng minh, đưa ra phản biện để bảo vệ quan điểm của trước mọi người.
Tại chương trình, độc giả cũng đưa ra những thắc mắc hướng tới mục đích xây dựng con người khám phá thích hợp nhằm giúp trẻ nhận thức và lý giải các vấn đề xã hội mang đậm tính đương đại như: niềm tin, cách đối nhân xử thế hay chiến tranh, hòa bình… Cùng với đó là những trao đổi, giải pháp để mang triết học tới gần hơn các em, không chỉ từ 7 tuổi trở lên mà còn nhỏ hơn thế.