|
Theo Chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, mức lương tối thiểu hiện chưa đáp ứng được mục tiêu ban đầu đề ra là bảo đảm được nhu cầu sống tối thiểu. Năm 2012 lương tối thiểu mới chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu tối thiểu cuộc sống. Tình trạng này không thay đổi thì sẽ vi phạm quy định tại Điều 92 của dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) là lương tối thiểu phải đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Ông Đặng Ngọc Tùng cho rằng, cần có biện pháp để kiểm soát thang bảng lương của doanh nghiệp, yêu cầu đưa mức bù trượt giá vào lương. Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng cần quy định cụ thể hơn về lương thưởng để tránh trường hợp doanh nghiệp báo lỗ để trốn thưởng cho người lao động.
Tuy nhiên, cái khó của các cơ quan chức năng hiện nay là làm như thế nào để giải quyết mâu thuẫn giữa lương tối thiểu và mức sống tối thiểu. Vì, nếu không khống chế được lạm phát và kiểm soát được tốc độ tăng giá của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thì rõ ràng cho dù lương tối thiểu có tăng lên đến 10 triệu đồng/người/tháng thì cũng không thể đáp ứng đủ mức sống tối thiểu. Vụ trưởng Vụ Tiền lương và tiền công, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Tống Thị Minh cho rằng, cùng với việc tăng lương tối thiểu theo lộ trình cần có những giải pháp để kiểm soát được tốc độ tăng giá như kiểm soát giá, quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại….
Thực tế cho thấy, nếu thả nổi việc xây dựng thang bảng lương và định mức công việc cho doanh nghiệp thì sẽ khó để đưa lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu. Như vậy, người lao động sẽ phải vắt kiệt sức để bảo đảm được định mức công việc và có thu nhập đủ sống. Và do không có quy định chặt chẽ nên thay vì phải trả cho người lao động mức lương ít nhất là tương đương 1,3 lần lương tối thiểu, thì doanh nghiệp chỉ cần trả 1,1 lần lương tối thiểu là đã không vi phạm pháp luật. Như vậy thì dù có nỗ lực như thế nào, người lao động cũng sẽ bị khai thác triệt để sức lao động để đổi lấy một mức lương khá thấp. Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính phân tích, 80% vụ đình công hiện xuất phát từ việc chi trả lương cho lao động quá thấp. Điều này dẫn đến lao động dễ biến động tại các doanh nghiệp, nhất là ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Trong khi đó, theo quy định trong dự thảo Luật, lương tối thiểu sẽ là cơ sở để người lao động thỏa thuận lương với người sử dụng lao động, và Nhà nước sẽ không can thiệp vào thang bảng lương của doanh nghiệp. Ts Nguyễn Hữu Chí, trưởng bộ môn Luật Lao động, trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, về bản chất đây là một cuộc mua bán sức lao động nên cần thuận mua vừa bán. Vì thế, điều quan trọng nhất là xây dựng được thỏa thuận tập thể chặt chẽ. Trên cơ sở này người lao động có thể tự thỏa thuận lương cho mình.
Tuy nhiên, theo Viện trưởng Viện công nhân và công đoàn Đặng Quang Điều thì chuyện người lao động tự thỏa thuận lương cho mình sẽ gần như là điều không tưởng nếu không có bàn tay can thiệp của Nhà nước. Và điều đó cũng đồng nghĩa với việc sẽ khó có thể có được mức lương tối thiểu đủ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu. Bởi hiện thị trường lao động đang có nguồn cung vượt nhu cầu sử dụng nên người lao động phải chấp nhận mức lương thấp để có việc làm.
Theo rất nhiều chuyên gia về lao động và tiền lương, chúng ta đang áp dụng cách tính tiền lương của những năm 60 thế kỷ trước. Lộ trình cải cách tiền lương thực hiện 10 năm qua thực chất cũng chỉ là cải tiến chứ chưa tạo được sự đột biến. Nếu tiếp tục duy trì cách làm này thì mục tiêu lương tối thiểu đủ đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu của người lao động. Và mục tiêu đến năm 2015 người lao động có thể sống bằng lương vẫn khó trở thành hiện thực.