Soi mình trong sự tín nhiệm của Nhân dân

Lương tâm và trách nhiệm - "bảo bối" của đại biểu dân cử

- Thứ Sáu, 12/03/2021, 08:27 - Chia sẻ
Với Phó Trưởng Ban Dân nguyện LƯU BÌNH NHƯỠNG, lương tâm và trách nhiệm là hai “bảo bối” giúp ông vượt qua khó khăn và trở ngại tâm lý để quyết liệt theo đuổi đến cùng những vấn đề mà cử tri, Nhân dân đặt ra. Đại biểu có lương tâm, có trách nhiệm ắt sẽ có bản lĩnh và được cử tri, Nhân dân tin tưởng.

Chủ động khảo sát, tìm hiểu thông tin

- Nhìn lại gần 5 năm trong vai trò là một đại biểu Quốc hội, lĩnh vực nào khiến ông cảm thấy tự hào nhất?

"Cách điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các Phó Chủ tịch Quốc hội trong nhiệm kỳ này rất linh hoạt, khéo léo và dân chủ. Chính sự điều hành của Chủ tọa các phiên họp đã tạo điều kiện và thúc đẩy các đại biểu Quốc hội phát huy được bản lĩnh, trí tuệ trong thực hiện chức năng đại diện cho Nhân dân". 

Phó Trưởng Ban Dân nguyện LƯU BÌNH NHƯỠNG

- Tôi không dám võ đoán, nhưng qua tham khảo ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội khác, các bậc cha chú, đàn anh đi trước thì họ đều nói rằng có lẽ số lượng đơn, thư mà cử tri gửi đến cho đại biểu Lưu Bình Nhưỡng là nhiều nhất từ trước đến nay. Tôi ước tính mình nhận được vài nghìn đơn, thư kể từ đầu nhiệm kỳ đến thời điểm này và chưa có đại biểu nào nhận được số lượng đơn thư nhiều như tôi. Hầu hết đơn, thư mà cử tri, công dân gửi đến đều được tôi xem xét, nghiên cứu một cách cẩn trọng và chuyển đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

Bản thân tôi cũng nhận được rất nhiều văn bản trả lời từ cơ quan, cấp có thẩm quyền. Riêng trong năm 2020, tôi đã nhận được ít nhất 250 văn bản, ý kiến phản hồi từ Thủ tướng Chính phủ, các trưởng ngành, địa phương. Đó là điều khiến tôi cảm thấy tự hào nhất trong thời gian hoạt động dân cử vì nó cho thấy sự tin tưởng mà cử tri và nhân dân gửi gắm tôi. Tôi luôn cố gắng làm hết sức mình, với lương tâm và trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội.

- Xử lý các đơn, thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của công dân vốn dĩ không phải việc đơn giản, nhiều việc phức tạp và cũng rất dễ đụng chạm, thưa ông?

- Công việc này hẳn nhiên là rất đau đầu, vì nhiều vấn đề mà cử tri, công dân phản ánh là những vấn đề họ bức xúc, đòi hỏi người tiếp nhận, xem xét đơn, thư phải dành nhiều thời gian, tâm huyết và có chuyên môn trong thực hiện công việc. Tôi luôn chủ động đi khảo sát, tìm hiểu thông tin về những vấn đề mà cử tri, doanh nghiệp phản ánh, nhất là những vụ việc nổi cộm, gây xôn xao trong dư luận, bởi đây là những vấn đề mà cử tri, Nhân dân mong muốn, nhờ cậy đại biểu Quốc hội giúp tìm ra hướng giải quyết. 

Để có được thông tin chân thật nhất, tôi luôn đến tận nơi để khảo sát, tìm hiểu. Ví dụ, tại thời điểm đại dịch Covid-19 tái bùng phát, tôi đã đi rất nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước để xem công tác phòng, chống dịch được thực hiện như thế nào, chứ không ngồi ở nhà theo dõi qua các kênh truyền thông. Mỗi lần đi công tác, tôi đều kết hợp và dành thời gian để đi khảo sát, tìm hiểu những vấn đề mà tôi quan tâm. Bản thân tôi cũng tiếp công dân ngay tại phòng làm việc của mình. Công dân đến với tôi rất nhiều. Mỗi lần tiếp dân, tôi đều ghi chép lại cẩn thận, hỏi han để có thêm thông tin và sau đó nghiên cứu nhằm tìm ra giải pháp để đề xuất, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền. Với những vấn đề liên quan đến đường lối, chính sách, tôi đều có văn bản kiến nghị gửi các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Những việc đó tôi làm với lương tâm và ý thức trách nhiệm cao nhất của người đại biểu dân cử, không quản ngại. Ngay cả khi bản thân có thể lâm vào tình thế khó khăn, tôi cũng đã sẵn sàng chấp nhận. Bởi tôi luôn nhắc bản thân nếu không làm tốt nhiệm vụ mà cử tri và nhân dân đã ủy thác cho mình thì không xứng đáng với niềm tin, sự kỳ vọng của cử tri, người dân.

Sâu sát trong giám sát và hậu giám sát

- Như ông chia sẻ, để có thông tin chân thật nhất ông thường đến tận nơi, nghe tận tai, nhìn tận mắt... Từ thực tiễn hoạt động của mình, ông nghĩ thế nào về hiệu quả và vai trò của đại biểu Quốc hội trong thực hiện chức năng giám sát của Quốc hội?

- Tôi còn nhớ, ngay trong Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội Khóa XIV, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng đã đặc biệt lưu ý Quốc hội cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động giám sát, đặc biệt là hậu giám sát, để chức năng giám sát của Quốc hội thực sự có hiệu lực, hiệu quả thì Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và từng đại biểu Quốc hội phải sâu sát trong hoạt động này.

Ghi nhớ ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, trong gần 5 năm qua, tôi đặc biệt quan tâm, sâu sát trong hoạt động giám sát. Bên cạnh việc tích cực tham gia các hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, các chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi cũng chủ động giám sát hàng trăm vụ việc. Trong đó, nhiều vụ việc đã được đi đến cùng, được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trả lời, giải quyết. Ngoài ra, tôi còn có nhiều kiến nghị liên quan tới chính sách, trong đó có những vấn đề liên quan tới chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Có những vấn đề nhiều năm cơ quan có thẩm quyền trực tiếp không làm thì trong nhiệm kỳ này tôi đã kiến nghị và theo dõi, giám sát việc thực hiện kiến nghị.

Trên cơ sở kết quả giám sát của mình, tôi đã gửi văn bản kiến nghị tới Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều lần tôi cũng kiến nghị trước diễn đàn Quốc hội về việc nên giao chỉ tiêu giám sát cho đại biểu Quốc hội. Nếu trong một năm hoặc một nhiệm kỳ, mỗi đại biểu giám sát một vụ việc thì chúng ta sẽ có 500 vụ việc được giải quyết đến nơi đến chốn. Như vậy, hiệu quả hoạt động của các cơ quan Nhà nước sẽ chuyển biến mạnh mẽ. Đó cũng chính là cách để Quốc hội đồng hành với Chính phủ phục vụ Nhân dân tốt hơn.

- Không quản ngại xông pha, không kiêng dè những điểm nóng để tìm ra sự thật là bởi sự thôi thúc từ lương tâm và trách nhiệm của một người đại diện cho dân... Có khi nào ông thấy bận lòng nếu có ai đó không thấu hiểu và chia sẻ với mình? 

Có những cử tri chưa hiểu mình nhưng tôi không buồn về điều đó. Bởi khi đánh giá về một người thì có rất nhiều lý do. Có thể người ta không đủ thông tin hoặc vì nghe được những thông tin không chính xác. Hơn nữa, tôi nghĩ rằng đó cũng là một sự công bằng trong cuộc sống. Nhân vô thập toàn, có thể mình vẫn còn có mặt chưa tốt. Nhưng điều khiến tôi cực kỳ cảm động, có lẽ trong cuộc đời mình tôi chưa thấy có niềm vui nào lớn lao bằng niềm vui khi được đón nhận tình cảm yêu quý mà cử tri dành cho mình trên cương vị là một đại biểu Quốc hội. Đi đến đâu tôi cũng nhận được tình cảm yêu quý, sự tin tưởng của cử tri. Chính điều đó càng thôi thúc tôi phải xứng đáng hơn nữa với sự tin yêu, tín nhiệm mà cử tri dành cho mình.

Đại biểu có lương tâm, trách nhiệm thì ắt có bản lĩnh

- Nhắc đến đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, nhiều cử tri ấn tượng về một đại biểu nói thẳng, nói thật, không ngại va chạm và thậm chí không ít lần còn là người "châm ngòi" cho các cuộc tranh luận trên nghị trường. Vậy ông nhận xét như thế nào về tranh luận tại Quốc hội?

- Tôi xuất thân là “dân luật” nên phản ứng của các đại biểu hay dư luận xã hội về những vấn đề tôi phát biểu đều nằm trong dự liệu. Tôi không coi diễn đàn của Quốc hội là nơi để phát biểu “liều mạng”. Diễn đàn của Quốc hội là diễn đàn dân chủ của quốc gia, là diễn đàn của các chính khách thay mặt Nhân dân, nhận sự ủy thác quyền lực của Nhân dân. Các đại biểu Quốc hội ngồi họp ở phòng Diên Hồng để bàn bạc những việc lớn, hệ trọng của đất nước, tuyệt đối không phải là nơi để giải quyết những vấn đề mang tính cá nhân, cảm xúc cá nhân. 

Nhiều người hỏi tôi có thấy ngại khi phát biểu trên nghị trường không. Nói không ngại là không đúng. Trong hội trường có 500 con người, tức là 1.000 con mắt. Một người bình thường nói trước một hội nghị bình thường, ở phạm vi nhỏ như cuộc họp của chi bộ hay cơ quan, đơn vị cũng đã thấy ngại huống chi là nói khi có cả nghìn con mắt đang nhìn vào mình. Hơn nữa, khi đại biểu Quốc hội phát biểu trên nghị trường là đang nói trước cử tri, đồng bào cả nước. Trong số đó, có rất nhiều người giỏi hơn đại biểu, rất nhiều chuyên gia, nhà quản lý có kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh…

Chưa kể, Quốc hội chúng ta bây giờ không chỉ họp để cho người dân chúng ta nghe, mà các nước cũng theo dõi, thông qua hoạt động Quốc hội để đánh giá hình ảnh đất nước Việt Nam như thế nào. Vì thế, nếu đại biểu thấy e ngại khi phát biểu trước Quốc hội cũng là tâm lý bình thường. 

Trong cuộc đời mình, hai “bảo bối” giúp tôi luôn vượt qua được những khó khăn và cả những trở ngại tâm lý chính là lương tâm và trách nhiệm. Đại biểu có lương tâm, trách nhiệm thì ắt có bản lĩnh.

- Xin trân trọng cảm ơn ông

Nhật An thực hiện