Lượng hóa khát vọng phát triển

- Thứ Tư, 04/11/2020, 06:23 - Chia sẻ
Đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh rất nhiều khó khăn đến từ thiên tai, dịch bệnh, nhiều đại biểu Quốc hội cùng chung nhận định, những kết quả kinh tế - xã hội đạt được thực sự rất đáng trân trọng. Để thực hiện thành công Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 và những năm tiếp theo trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhiều giải pháp đã được đại biểu đề xuất, với mong muốn giải quyết triệt để những bài toán cũng như hạn chế, tồn tại đã được chỉ ra, đưa Việt Nam tiếp tục vững vàng phát triển và cất cánh.

ĐBQH Nguyễn Thị Lan (TP Hà Nội): 
Thúc đẩy phát triển doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ

Trường đại học, viện nghiên cứu là một trong 3 thành tố quan trọng nhất trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Thực tế hiện nay cho thấy, mô hình doanh nghiệp khởi nghiệp start-up đã được quan tâm nhiều. Tuy nhiên, mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin-off thì chưa được quan tâm đúng mức, chưa thực sự có những cơ chế để khuyến khích, thúc đẩy mô hình này phát triển ở các trường đại học. Đây là doanh nghiệp hình thành trong trường đại học để thương mại hóa sản phẩm, nghiên cứu khoa học do chính các nhà khoa học nắm giữ công nghệ hay bằng sáng chế... Mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ đã rất thành công ở nhiều trường đại học trên thế giới, hàng năm tạo ra khoảng 100 - 200 doanh nghiệp spin-off với doanh thu khá lớn và tạo ra rất nhiều việc làm trong lĩnh vực này.

Để khai thác và phát huy tiềm năng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo to lớn của trường đại học, viện nghiên cứu, mô hình doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ spin -off của các trường đại học thực sự hiệu quả, tôi kiến nghị cần rà soát, hoàn thiện các văn bản dưới luật của Luật Giáo dục đại học, sửa đổi Luật Khoa học công nghệ và một số luật liên quan khác. Đưa ra hướng dẫn hình thành, vận hành doanh nghiệp khởi nguồn công nghệ trong trường đại học, nhất là các chính sách thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ, thương mại hóa sản phẩm nghiên cứu, phát triển các quỹ đổi mới sáng tạo, quỹ hỗ trợ rủi ro.

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung chiến lược khoa học, công nghệ quốc gia. Quy hoạch, dự báo nhu cầu đổi mới công nghệ gắn với quy hoạch lại mạng lưới các trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm khoa học và công nghệ quốc gia đủ mạnh để giải quyết các bài toán lõi và các công nghệ phù hợp chiến lược mới để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Có chính sách thực sự đột phá và thiết thực để huy động được đội ngũ trí thức khoa học đông đảo từ các trường đại học, viện nghiên cứu tích cực tham gia vào hoạt động đổi mới sáng tạo quốc gia…

ĐBQH Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh):
Giải bài toán tăng trưởng

Kế hoạch 5 năm 2021 - 2025 có tầm quan trọng đặc biệt với 2 đặc điểm. Thứ nhất, chúng ta đã có những khát vọng phát triển được lượng hóa, đó là cột mốc 2030 và 2045. Từ đây đến 2030 chỉ có 2 kế hoạch 5 năm, đến năm 2045 chỉ có 5 kế hoạch 5 năm. Nếu hình dung chúng ta đang chuẩn bị cho một “chặng bay mới”, có người còn gọi là “đổi mới lần 2” thì 10 năm tới đây đất nước chúng ta phải “cất cánh”, đạt được bình độ cần có và thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, từ đó bay nhanh hơn để gia nhập đội ngũ các quốc gia phát triển. 5 năm tới có ý nghĩa quyết định đối với toàn bộ lộ trình còn lại. Nếu cứ loay hoay, không cất cánh được hay cất cánh mà không đủ tốc độ và cao độ thì sau 10 năm sẽ không đạt được bình độ cần thiết và khi đó khát vọng sẽ mãi mãi là khát vọng.

Để đạt được các cột mốc phát triển, chúng ta phải giải quyết một loạt bài toán, cụ thể là bài toán tăng trưởng, bài toán tài chính ngân sách, bài toán bảo vệ chủ quyền an ninh, bài toán Nhà nước pháp quyền, bài toán bảo đảm quyền của dân và huy động sức dân. Công việc này liên quan đến đặc điểm thứ hai, đó là điều kiện bình thường mới diễn ra trên toàn cầu, trên mọi phương diện, trong đó Việt Nam không thể sống và tồn tại theo cách thức như trước. Chẳng những không thể xây dựng các mục tiêu như cũ, mà cơ chế và phương thức thực hiện cũng không thể như trước. Đặc điểm thứ hai này, tôi chưa thấy thể hiện rõ trong nội dung Kế hoạch 5 năm tới của chúng ta. 

Với bài toán tăng trưởng, đề nghị bổ sung vào phương châm phát triển là phát triển nhanh, bền vững và tự chủ. Tự chủ là đặc thù của giai đoạn bình thường mới, tự chủ không phải là độc lập hay là quay về bảo hộ. Đề nghị rà soát toàn bộ nội dung của 3 khu vực kinh tế, xây dựng lại phù hợp với điều kiện bình thường mới, ví dụ, du lịch tới đây như thế nào? Làm sao bảo đảm an toàn khi khách du lịch tỏa đi khắp các đô thị, các vùng miền và hợp tác ra sao với từng quốc gia có nguồn khách du lịch? Phải có chính sách gì để khai thác hiệu quả thị trường nội địa 100 triệu dân của chúng ta?... Tôi có cảm giác chúng ta còn lúng túng và còn sơ lược về giải pháp khi đề ra các mục tiêu cho các lĩnh vực này.

ĐBQH Phan Viết Lượng (Bình Phước):
Cần giải pháp đột phá về nguồn nhân lực qua đào tạo

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã nhận thức đúng tầm quan trọng và luôn quan tâm chăm lo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nhân lực qua đào tạo. Tuy nhiên, nhân lực qua đào tạo hiện nay chất lượng còn hạn chế, cơ cấu chưa hợp lý, phần lớn thiếu kỹ năng làm việc, thiếu lao động tay nghề cao trong nhiều ngành, lĩnh vực, kể cả các ngành, lĩnh vực có tính nền tảng là động lực phát triển kinh tế. Trong khi đó, việc đào tạo chưa sát thị trường lao động, số người lao động có trình độ đại học, sinh viên ra trường làm việc không đúng với ngành đã được đào tạo còn cao. Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đào tạo còn thấp. Người học đại học ở nước ta dù thu nhập thấp nhưng phải trả chi phí còn cao. Nhà nước cũng thực hiện chưa thực sự tốt vai trò định hướng, điều tiết, kiểm soát các khâu trong quá trình đào tạo.

Để vượt qua thách thức, tụt hậu xa về kinh tế, rất cần có các giải pháp đột phá, trong đó có giải pháp về nguồn nhân lực qua đào tạo. Đề nghị Chính phủ quan tâm, chỉ đạo, đẩy nhanh tiến độ sắp xếp quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở cơ giáo dục đại học gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong cả nước, từng vùng và địa phương, thực hiện tốt cơ chế, chính sách, thúc đẩy việc định hướng, phân luồng, đào tạo nghề cho học sinh sau bậc trung học. Tăng cường năng lực tự chủ, trách nhiệm giải trình, nâng cao chất lượng trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học, đổi mới mạnh mẽ việc phân bổ dự toán chi cho đào tạo dạy nghề theo hướng tăng đầu tư, khắc phục cấp phát ngân sách theo bình quân, tiến hành giao kinh phí theo số lượng, chất lượng dịch vụ theo kết quả đầu ra. Đặt hàng đào tạo nhân lực chất lượng cao, nhân lực cho các ngành nghề mà nền kinh tế có nhu cầu cao như logistics, điện tử, công nghệ mới, tự động hóa, phân tích dữ liệu, trí tuệ nhân tạo…

ĐBQH Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng):
Tiếp tục triển khai có hiệu quả xử lý nợ xấu

Sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã đạt kết quả khá tích cực. Nhiều giải pháp tại nghị quyết đã được áp dụng, hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu hiệu quả hơn. Về cơ bản, các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố có liên quan đã tham gia giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng Nghị quyết 42. Sự phối hợp của các cơ quan liên quan là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42.

Tuy nhiên, thời gian qua, một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, phối hợp với ngành ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu, đặc biệt là thu giữ tài sản bảo đảm, vì cho rằng việc xử lý nợ xấu là lĩnh vực riêng của ngành ngân hàng. Việc hỗ trợ của chính quyền địa phương trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm còn hạn chế, mới chỉ tham gia vào quá trình chứng kiến và ký tên vào biên bản làm việc hoặc công an xã chỉ tham gia vào quá trình bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn trong quá trình thu giữ nhưng không thực hiện cưỡng chế khi khách hàng chống đối. Điều này đã và đang phần nào ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các giải pháp được nêu tại Nghị quyết 42.

Đề nghị Chính phủ tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42, nhất là chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các cấp, sở, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết 42, hỗ trợ tối đa cho các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ.

Anh Phương lược ghi Ảnh: Lâm Hiển