Thứ nhất, trong hệ thống văn bản pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, vị trí, vai trò của luật này là cụ thể hóa Điều 23 Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi, bổ sung một số điều năm 2001). Điều 23 của Hiến pháp quy định: “Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức không bị quốc hữu hoá. Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường. Thể thức trưng mua, trưng dụng do luật định”. Dự thảo luật cần thể hiện đầy đủ, rõ ràng và nhất quán về vấn đề này.
Thứ hai, nội dung chủ yếu của luật này là quy định về thể thức trưng mua, trưng dụng. Chỉ được trưng mua, trưng dụng trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia. Nhà nước là chủ thể duy nhất được trưng mua, trưng dụng tài sản của cá nhân hoặc tổ chức. Khi trưng mua, trưng dụng tài sản của cá nhân hoặc tổ chức Nhà nước phải bồi thường. Dự thảo luật cần thể hiện rõ vấn đề bồi thường.
Ba là, thể thức trưng mua, trưng dụng là chế định tập trung và chủ yếu của luật. Chế định đó có mục đích rõ ràng là điều chỉnh các quan hệ giữa chủ thể của hành vi trưng mua, trưng dụng là Nhà nước với khách thể của việc trưng mua, trưng dụng là cá nhân hoặc tổ chức. Về bản chất của mối quan hệ này vốn dĩ không bình đẳng, trong quan hệ trưng mua, trưng dụng tài sản, Nhà nước luôn là chủ thể có quyền lực và chủ động, cá nhân hoặc tổ chức luôn là khách thể phụ thuộc và bị động. Vì vậy, luật này bảo vệ quyền của Nhà nước được trưng mua, trưng dụng đồng thời chú trọng đúng mức việc bảo vệ lợi ích của cá nhân hoặc tổ chức có tài sản bị Nhà nước trưng mua, trưng dụng. Dự thảo luật còn né tránh, chưa thể hiện rõ nét và thực chất về mối quan hệ này.
Bốn là, việc bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức khi Nhà nước trưng mua, trưng dụng theo thời giá thị trường. Đây là nguyên tắc Hiến định, luật trưng mua, trưng dụng không được quy định trái với nguyên tắc này. Dự thảo luật cần thể hiện rõ ràng và cụ thể việc bồi thường theo thời giá thị trường.
Năm là, phân cấp về thẩm quyền của Nhà nước đối với việc trưng mua, trưng dụng là một trong những thể thức quan trọng của luật. Đối với trưng mua, dự thảo luật đã quy định chính xác và cụ thể chỉ một số cơ quan nhà nước nhất định được trưng mua, nhưng đối với trưng dụng, tôi thấy việc quy định cấp có thẩm quyền trưng dụng như dự thảo là chưa phù hợp. Trong thực tế, khi bị thiên tai, địch họa, thông tin, liên lạc bị cô lập, cấp tỉnh không đến được thì Chủ tịch UBND huyện, chủ tịch UBND xã đã trực tiếp trưng dụng phương tiện tàu, thuyền, xe ... thuộc tài sản của các nhân hoặc tổ chức để kịp thời cấp cứu, di chuyêèn nhân dân đến nơi an toàn, bảo vệ tính mạng và tài sản cho dân. Vì vậy, đề nghị bổ sung vào dự thảo luật thẩm quyền của Chủ tịch UBND huyện, UBND xã được trưng dụng tài sản của cá nhân hoặc tổ chức trong một số trường hợp đặc thù, cụ thể.
Sáu là, luật trưng mua, trưng dụng khi có hiệu lực pháp luật, các cơ quan nhà nước thi hành luật thuận lợi, kịp thời và hiệu quả cần quan tâm hai yếu tố cơ bản: Một là, khách thể của luật đồng thuận cao, có nghĩa là cá nhân và tổ chức có tài sản khi Nhà nước tiến hành trưng mua, trưng dụng nhận thức được động cơ cao cả của Nhà nước, tự giác chấp hành không cản trở. Hai là, chủ thể của luật - các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của luật, nghĩa là khi thực hiện cần công khai, minh bạch các chế độ chính sách liên quan. Thái độ ứng xử phải mềm mỏng thuyết phục, đồng thời phải kiên quyết bảo đảm tính kịp thời. Đồng thời, tích cực đấu tranh không để xảy ra tình trạng lợi dụng việc trưng mua, trưng dụng để vụ lợi riêng.
Đoàn Nhuận