Trong những năm qua, trách nhiệm bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ chủ yếu của Nhà nước. Trong đó, bảo hiểm xã hội phải được coi là trụ cột chính trong các chính sách chủ đạo về an sinh xã hội của nước ta. Thực tế, trải qua các thời kỳ khác nhau, chính sách bảo hiểm xã hội đã góp phần ổn định đời sống cho người lao động, từ đó tạo sự ổn định cho đất nước. Tuy nhiên, mức độ bao phủ của bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện còn thấp. Đến cuối năm 2013, tổng số đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc chiếm khoảng 78% tổng số lao động có quan hệ lao động thuộc đối tượng bắt buộc tham gia, tương đương khoảng 20% lực lượng lao động. Số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện mới chiếm 0,3% số đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Như vậy, để thực hiện mục tiêu đề ra là đạt 50% lao động tham gia bảo hiểm xã hội vào năm 2020, thì trong thời gian tới, bình quân số lượng người tham gia bảo hiểm xã hội sẽ phải là 3,2 triệu người tham gia/năm.
Để góp phần mở rộng diện bao phủ, trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã bổ sung đối tượng tham gia bắt buộc gồm cả người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng và người lao động nước ngoài làm việc hợp pháp tại Việt Nam. Dự thảo Luật cũng bổ sung những quy định quan trọng nhằm tạo điều kiện cho người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện như: bỏ quy định khống chế tuổi tham gia hình thức bảo hiểm này; quy định cho phép người lao động đủ điều kiện về tuổi đời để hưởng lương hưu nhưng chưa đủ điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm được đóng cho đến khi đủ điều kiện để hưởng lương hưu, không khống chế tuổi. Và bổ sung phương thức đóng mỗi năm một lần, đóng một lần cho thời gian còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu, cũng như quy định Chính phủ hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện đối với một số trường hợp đặc biệt.
Theo tính toán của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, nếu mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội đến cả lao động ký hợp đồng lao động từ 1 đến 3 tháng, thì sẽ giúp bổ sung đáng kể lượng người tham gia bảo hiểm xã hội, tiến gần hơn đến việc bảo đảm 50% lực lượng lao động tham gia vào năm 2020. Ngoài ra, việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ khiến tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội, giảm thời gian thụ hưởng, nên chênh lệch giữa mức đóng góp và mức hưởng sẽ giảm, giúp bảo đảm an toàn cho quỹ.
Lý giải cho câu hỏi này, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Mai Đức Chính cho rằng, diện bao phủ của bảo hiểm xã hội hiện còn thấp không chỉ do các quy định hiện hành chưa tạo động lực cho cơ quan quản lý mở rộng đối tượng, hay còn thiếu hấp dẫn với người lao động. Bởi thực tế, hiện nay cơ quan chức năng mới chỉ kiểm soát được số lượng cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tăng thêm, còn chưa kiểm soát được khu vực sản xuất, kinh doanh và sự nghiệp ngoài công lập. Trong khi đó, nếu quản lý được số lượng lao động thuộc diện bảo hiểm xã hội bắt buộc hiện nay và lượng lao động giúp việc, thì cũng có thể thực hiện mục tiêu đạt 50% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Nói cách khác, nếu không rõ trách nhiệm trong quản lý Nhà nước, chưa có phương thức quản lý hiệu quả, thì kể cả mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội cũng chưa chắc đã giúp tăng độ bao phủ. Chưa kể, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần trả lời câu hỏi sẽ có những cải cách, đổi mới nào trong phương thức, quy trình, thủ tục quản lý để đáp ứng yêu cầu khi khối lượng công việc sẽ tăng lên nhiều do mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm xã hội? Nếu Bảo hiểm xã hội Việt Nam chưa đưa ra lộ trình cải cách bài bản, thì có lẽ cần xem lại về tính khả thi của quy định này – Phó chủ tịch Mai Đức Chính thẳng thắn.
Một thực tế khác, quỹ bảo hiểm cho thai sản, an toàn lao động (bảo hiểm ngắn hạn) hiện đang dư thừa lớn, trong khi quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất (bảo hiểm dài hạn) lại có nguy cơ mất an toàn. Tuy nhiên, việc bù trừ giữa hai quỹ này không được thực hiện, thay vào đó lại dành tiền để tạo ra chế độ nghỉ dưỡng cao. Vì thế, quỹ bảo hiểm hưu trí, tử tuất có nguy cơ mất an toàn cũng có một phần do chưa có sự cân đối giữa quỹ bảo hiểm ngắn hạn và dài hạn. Hơn nữa, mức đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp hiện chiếm 35% tổng số lương thực lĩnh của người lao động. Đây là mức cao so với mức đóng bình quân trên thế giới, thậm chí cao so với một số quốc gia phát triển (Hàn Quốc chiếm 9%, Thái Lan chiếm 7%). Mặt khác, cách tính lương hưu hiện nay thực chất chỉ giúp lao động thuộc khu vực Nhà nước có lương hưu cao, còn lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước có lương hưu thấp do cách tính vẫn dựa vào mức lương tối thiểu. Trong bối cảnh lương hưu chưa thật sự bảo đảm cho cuộc sống của người lao động, thì có nên thắt chặt điều kiện với đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội hay không?
Một số ý kiến cũng cho rằng, nếu giữ chế độ nghỉ hưu như hiện nay thì có lẽ sẽ khó đưa quy định về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu vào dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này. Nguyên nhân do nếu tăng tuổi nghỉ hưu trong thời điểm dân số vàng như hiện nay sẽ giảm cơ hội tìm việc làm cho lực lượng lao động trẻ. Kết quả khảo sát của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cũng cho thấy, do đặc thù giữa các loại công việc khác nhau, nên không phải người lao động thuộc ngành nghề nào cũng mong muốn kéo dài tuổi làm việc, thậm chí một số lĩnh vực đặc biệt còn mong muốn có tuổi nghỉ hưu thấp hơn so với quy định hiện nay. Như vậy, nếu không được bố trí công việc phù hợp với điều kiện sức khỏe của mình, thì nhiều khả năng những đối tượng này sẽ vẫn nghỉ hưu sớm, chấp nhận mức lương hưu thấp hơn. Trong trường hợp này, bảo hiểm xã hội có lẽ sẽ không giữ được ý nghĩa là một nguồn thu nhập thay thế hoặc hỗ trợ cho người lao động khi mất, giảm thu nhập.
Vậy thì, không lý nào mà không thay đổi chế độ hưu trí ở nước ta để tạo cơ sở cho dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đưa ra những quy định thể hiện sự đi trước một bước trong đổi mới chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội.