Hỏi - D

Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo nhưng chưa quy định rõ ràng, cụ thể. Tại sao không thể ghi rõ là pháp nhân phi thương mại theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015?

- Thứ Sáu, 20/08/2021, 09:30 - Chia sẻ

Xin được trả lời như sau:

Về công nhận pháp nhân cho tổ chức tôn giáo: Theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016:

Khoản 1, Điều 30 về tư cách pháp nhân của tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc quy định: “Tổ chức tôn giáo là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận”.

Khoản 4, Điều 67 về điều khoản chuyển tiếp quy định: “Tổ chức tôn giáo đã được công nhận trước ngày Luật này có hiệu lực là pháp nhân phi thương mại kể từ ngày Luật này có hiệu lực. Các tổ chức tôn giáo này có trách nhiệm điều chỉnh hiến chương tại đại hội gần nhất theo quy định tại Điều 23 và đăng ký hiến chương sửa đổi theo quy định tại Điều 24 của Luật này”.

Còn theo Bộ luật Dân sự 2015: 

Điều 74 về pháp nhân phi thương mại quy định: “(1). Pháp nhân phi thương mại là pháp nhân không có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận; nếu có lợi nhuận thì cũng không được phân chia cho các thành viên. (2). Pháp nhân phi thương mại bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, quỹ xã hội, quỹ từ thiện, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức phi thương mại khác. (3). Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân phi thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, các luật về tổ chức bộ máy nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan”.

Căn cứ các quy định trên, các tổ chức tôn giáo đã được công nhận như Giáo hội Công giáo Việt Nam và các tổ chức tôn giáo khác mặc nhiên là pháp nhân phi thương mại theo quy định của Bộ Luật Dân sự 2015 kể từ ngày Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực 1.1.2018 và phải điều chỉnh hiến chương, quy định của tổ chức theo quy định tại Điều 23 của Luật để đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong đại hội gần nhất.

Do Luật Tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội Khóa XIV thông qua ngày 18.11.2016, trong khi Bộ Luật Dân sự 2015 có hiệu lực từ ngày 1.1.2017, nên không thể dẫn chiếu quy định của văn bản pháp luật chưa có hiệu lực thi hành. Tuy vậy, trong Bộ Luật Dân sự đã có quy định về pháp nhân phi thương mại như nêu trên và có hiệu lực thi hành trước khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo có hiệu lực nên khi thi hành Luật sẽ áp dụng được ngay.

Nguyễn Khắc Huy - Nguyên Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Thanh tra, Ban Tôn giáo Chính phủ, Bộ Nội vụ