Luật Sở hữu trí tuệ dự kiến sửa đổi 7 nhóm chính

- Thứ Bảy, 29/08/2020, 21:08 - Chia sẻ
Đó là thông tin được Ban soạn thảo đưa ra tại phiên họp lấy ý kiến kế hoạch nội dung sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức mới đây.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu tại phiên họp

Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí cho biết, Luật Sở hữu trí tuệ Luật được Quốc hội thông qua năm 2005 và được sửa đổi, bổ sung hai lần (năm 2009 và năm 2019), là văn bản pháp luật quan trọng, điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến loại tài sản đặc biệt - tài sản trí tuệ. Tuy nhiên, thực tiễn hơn 10 năm thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật tồn tại một số vướng mắc, bất cập nhất định cần được sửa đổi, bổ sung nhằm đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, yêu cầu của cải cách thủ tục hành chính cũng như để bảo đảm thi hành các cam kết về sở hữu trí tệ (SHTT) trong các FTA mà Việt Nam đã và đang đàm phán hoặc đã ký kết. Do vậy, việc xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là rất cần thiết. Theo đó, Ban soạn thảo đang dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi tập trung vào 7 nhóm chính sách lớn, bao gồm: Bảo đảm quy định rõ về tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan trong các trường hợp chuyển nhượng, chuyển giao quyền; khuyến khích tạo ra, khai thác và phổ biến sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí được tạo ra từ ngân sách nhà nước; tạo thuận lợi cho quá trình thực hiện thủ tục đăng ký và xác lập quyền; bảo đảm mức độ bảo hộ thỏa đáng và cân bằng; tăng cường hiệu quả hoạt động hỗ trợ về SHTT; nâng cao hiệu quả của hoạt động thực thi quyền SHTT; và bảo đảm thi hành đầy đủ và nghiêm túc các cam kết quốc tế trong quá trình hội nhập.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc khẳng định, trước bối cảnh mới với nhiều chuyển biến mạnh mẽ tác động đến mọi mặt của kinh tế - xã hội như quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu và rộng của Việt Nam thông qua việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới (EVFTA). Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ là rất thiết, nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; xử lý các bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành, lồng ghép vấn đề SHTT trong chính sách phát triển KT - XH; nội luật hóa các cam kết quốc tế, tạo khuôn khổ pháp lý cụ thể cho hoạt động SHTT của Việt Nam. Dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ dự kiến trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp tháng 10 năm 2021 và trình Quốc hội thông qua vào Kỳ họp tháng 5 năm 2022.

Tin và ảnh: CÁT THÀNH