Đó là những nội dung Nghị quyết của HĐND thành phố Hải Phòng về kết quả giám sát việc thực hiện các quy định, cơ chế, chính sách trong quản lý, phát triển công nghiệp trên địa bàn; nhấn mạnh để tiếp tục phát huy những lợi thế nổi trội của một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp.
Gắn với bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển bền vững
Hải Phòng là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, có xu hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu với nhiều dự án quy mô lớn, nằm trong chuỗi sản phẩm toàn cầu của các tập đoàn kinh tế lớn, các công tyđa quốc gia trên thế giới.
Nghị quyết về kết quả giám sát của HĐND thành phố ghi nhận: cơ cấu ngành công nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng hiện đại hóa, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, vừa bảo đảm phát triển công nghiệp chủ lực có tỷ trọng cao, vừa phát triển đa dạng ngành nghề, sản phẩm để linh hoạt trước biến động thị trường, hướng tới phát triển bền vững. Tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghiệp công nghệ cao trong công nghiệp chế biến, chế tạo năm 2018 đạt 43%, tăng lên 60,6% vào năm 2023. Trong đó, đóng góp chủ yếu từ ngành sản xuất sản phẩm điện tử - tin học với tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp tăng từ 35,1% năm 2018 lên 57,38% năm 2023.
Trình độ công nghệ trong sản xuất công nghiệp được nâng lên, góp phần nâng cao giá trị và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa chủ yếu. Các chỉ số về công nghệ cũng có nhiều chuyển biến thông qua việc liên tục đổi mới, chuyển giao công nghệ. Nhiều thiết bị, công nghệ được đầu tư chủ yếu có xuất xứ từ các nước phát triển, tỷ lệ thiết bị điều khiển tự động và bán tự động ngày càng tăng.
Thành phố cũng đã ban hành, triển khai danh mục các dự án công nghiệp khuyến khích đầu tư, không khuyến khích đầu tư trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là định hướng quan trọng thu hút đầu tư vào công nghiệp, góp phần hiện thực hóa chủ trương của thành phố về phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, thông minh, bền vững. Công nghiệp thành phố tiếp tục thu hút được các dự án có công nghệ cao trong lĩnh vực điện, điện tử; có những sản phẩm tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu như máy phát điện gió, phụ tùng ô tô, điện tử, điện lạnh. Trong ngành công nghiệp ô tô, thành phố đã có dòng sản phẩm ô tô điện, xe buýt điện thân thiện môi trường, lần đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Bắc Mỹ.
Cùng với đó, nguồn nhân lực cho phát triển công nghiệp được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Đã có sự kết hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo lao động, dần đáp ứng nhu cầu của xã hội. Thị trường lao động đã hình thành, từng bước phát triển thành cầu nối giữa cung và cầu lao động. Đến nay, Hải Phòng thuộc nhóm các địa phương có năng suất lao động cao nhất cả nước. Đáng chú ý, phát triển công nghiệp đã gắn với bảo vệ môi trường sinh thái và phát triển bền vững, đã hình thành mạng lưới quan trắc và theo dõi tình hình biến động môi trường của các khu, cụm công nghiệp.
Thu hút cán bộ kỹ thuật, chuyên gia các ngành kinh tế mũi nhọn
Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển công nghiệp trên địa bàn thành phố những năm qua còn một số hạn chế, khó khăn. Nghị quyết của HĐND thành phố đề nghị UBND thành phố nghiên cứu, đề xuất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp về cơ sở hạ tầng, tiền thuê đất, hỗ trợ nhà ở cho công nhân, hỗ trợ bảo hiểm xã hội, y tế cho người lao động. Thường xuyên rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính, hồ trợ nhà đầu tư trong quá trình thực hiện dự án đầu tư, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh cao. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát hiệu quả việc chuyển giá của các doanh nghiệp FDI. Trường hợp cần thiết, nghiên cứu thành lập bộ phận chuyên trách về kiểm soát chuyển giá tại Cục Thuế thành phố.
Tiếp tục nâng cao năng lực, chất lượng hệ thống cơ sở đào tạo trên địa bàn. Xây dựng chính sách thu hút cán bộ kỹ thuật, chuyên gia, đặc biệt cán bộ kỹ thuật, chuyên gia thuộc các ngành kinh tế mũi nhọn, lợi thế của thành phố. Củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động dạy nghề, phát triển các trường dạy nghề. Xúc tiến, khuyến khích, hỗ trợ việc hợp tác đào tạo với các cơ sở đào tạo chất lượng cao của nước ngoài.
Về phát triển khu công nghiệp, Nghị quyết HĐND thành phố lưu ý việc tổ chức lựa chọn các nhà đầu tư có đủ năng lực, kinh nghiệm trong đầu tư, khai thác hạ tầng khu công nghiệp theo hướng xanh, bền vững để bảo đảm tiến độ triển khai, tăng hiệu quả thu hút đầu tư. Cùng với đó, tập trung đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội; hướng dẫn cụ thể cho các trường hợp khi thực hiện mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, đặc biệt là đối với lực lượng lao động ngoại tỉnh, bảo đảm thực hiện đúng quy định và nâng cao khả năng tiếp cận, thụ hưởng chính sách về nhà ở xã hội cho những nhóm người này.
Để đẩy mạnh phát triển cụm công nghiệp, Nghị quyết HĐND thành phố nhấn mạnh yêu cầu: khi lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, cần ưu tiên bố trí quy hoạch các hạ tầng xã hội tiệm cận với các khu vực đất công nghiệp, tạo cơ sở thu hút đầu tư xây dựng các tiện ích xã hội phục vụ phát triển công nghiệp.Về phát triển các ngành công nghiệp, cần xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, góp phần hình thành các chuỗi giá trị, mạng liên kết trong sản xuất công nghiệp.Nghiên cứu xây dựng phương án, giải pháp khôi phục, phát triển ngành đóng tàu Hải Phòng