Lồng ghép giới trong giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững

- Thứ Ba, 15/06/2021, 12:41 - Chia sẻ
Sáng 15.6, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã tổ chức cuộc họp về lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong Đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững giai đoạn 2021-2025.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt chủ trì cuộc họp.

Theo Báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, trong giai đoạn 5 năm 2016 - 2020, tỷ lệ giảm nghèo đã giảm từ 9,88% xuống còn 2,75%, trung bình giảm 1,43%/năm, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm 4%/năm. Đã có hơn 6 triệu người thoát nghèo, hơn 2 triệu người thoát cận nghèo; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo cuối năm 2020 còn 23,42%, trung bình giảm 5,4%/năm. Các mục tiêu về giảm nghèo đều đạt và vượt so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra. 

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt chủ trì cuộc họp

Về lồng ghép giới, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 xác định đối tượng hưởng lợi ưu tiên là phụ nữ. Đặc biệt, cơ chế, chính sách thực hiện Chương trình luôn bảo đảm có sự tham gia của phụ nữ. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng đã có Thông tư 39/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25.10.2016 hướng dẫn quy trình kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, trong đó quy định một số chỉ số cần thu thập thông tin phân tổ theo giới.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện mục tiêu bình đẳng giới trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững trong giai đoạn vừa qua cũng còn những tồn tại hạn chế nhất định. Cụ thể, khâu lập kế hoạch là cơ chế quan trọng để phát huy tiếng nói, sự tham gia của phụ nữ và các đối tượng yếu thế khác. Thực tiễn cho thấy, sự tham gia của người dân trong hoạt động lập kế hoạch còn hạn chế. Ở một số địa bàn tổ chức cuộc họp ở cấp thôn, phụ nữ tham gia trong hoạt động lập kế hoạch mặc dù có tỷ lệ trên 30% nhưng chất lượng chưa cao. Hội Phụ nữ chủ yếu tham gia tuyên truyền, vận động thực hiện Chương trình chứ chưa phát huy được vai trò như là một chủ thể thực hiện các hoạt động phát triển sinh kế, bảo đảm an ninh lương thực, dinh dưỡng trẻ em ở các địa bàn khó khăn và đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, ở tất cả các tỉnh, Hội Phụ nữ có khả năng lớn trong việc thực hiện các mô hình giảm nghèo hiệu quả cho nhóm phụ nữ yếu thế, do có thể kết nối với các tổ nhóm tín dụng - tiết kiệm, các chương trình của Hội Phụ nữ.

Đối với Chương trình giai đoạn 2021-2025, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đề xuất, tiếp tục duy trì nguyên tắc “ưu tiên phụ nữ hưởng lợi” theo hướng thiết kế chương trình cho phụ nữ thuộc hộ nghèo dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo là đối tượng ưu tiên hưởng lợi. Tổ chức tập huấn phương pháp, kỹ năng lồng ghép giới trong quá trình thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo, bổ sung nội dung về các vấn đề nhạy cảm văn hóa, nhạy cảm giới, qua đó, cán bộ thực thi có hiểu biết, sự tôn trọng và kỹ năng phù hợp. Đổi mới phương pháp tập huấn, thúc đẩy sự tham gia học tập, tiếp thu kỹ năng mới thông qua đối chiếu kinh nghiệm thực tiễn và thực hành. Ngoài ra, cần phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam để triển khai các dự án giao cho phụ nữ thực hiện về phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Toàn cảnh cuộc họp

Tại cuộc họp, Thường trực Ủy ban Về các vấn đề xã hội nhấn mạnh, Việt Nam đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận trong việc giảm bất bình đẳng xã hội cả về bình đẳng giới và thu nhập, tiếp cận dịch vụ xã hội. Chương trình giai đoạn 2021-2025 có điểm mới so với giai đoạn trước là bổ sung An sinh xã hội bền vững, tích hợp với các mục tiêu kế hoạch kinh tế, xã hội 2021-2025 và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội 10 năm 2021-2030 của Đảng, Chính phủ và cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, cách tiếp cận của Chương trình vẫn chưa thể hiện rõ yếu tố lồng ghép giới, chưa thực sự bảo đảm cơ hội công bằng cho tất cả mọi người trong quá trình thực hiện. Cụ thể: Trong đề xuất chủ trương đầu tư, có tất cả 17 chỉ tiêu cụ thể, nhưng chỉ có 1 chỉ tiêu đề cập đến phụ nữ; 16/17 chỉ tiêu còn lại đều thể hiện chung như nhau cho mọi đối tượng, không chỉ rõ chỉ tiêu cụ thể đối với phụ nữ, đặc biệt phụ nữ nghèo, phụ nữ nghèo đơn thân, phụ nữ yếu thế...; 4/4 dự án và 11 tiểu dự án chưa đề cập đến vấn đề lồng ghép giới.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Lê Thị Nguyệt đề nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tiếp thu các ý kiến của đại biểu, thể hiện rõ hơn nội dung về lồng ghép giới, có các cơ chế, chính sách phù hợp để phụ nữ được thụ hưởng chính sách, được tạo điều kiện để phát huy được vai trò của mình trong tạo lập sinh kế bền vững và thoát nghèo. 

Hồ Long