Chiều 28.6, Diễn đàn phát triển nông nghiệp Việt Nam 2023 với chủ đề "Thu hút doanh nghiệp đầu tư cho nông nghiệp bền vững" đã diễn ra tại Long An.
Phát biểu tại diễn đàn, Chủ tịch UBND tỉnh Long An Nguyễn Văn Út nhận định, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, trái cây, nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản, đóng góp lớn vào xuất khẩu nông - lâm - thủy sản của cả nước. Thời gian qua, nông nghiệp vùng ĐBSCL liên tục tăng trưởng nhờ khai thác có hiệu quả tiềm năng và lợi thế; đạt được những thành tựu phát triển vượt bậc, đóng góp tỷ lệ lớn vào tăng trưởng nông nghiệp cả nước, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, Long An đã tăng cường triển khai các chính sách về khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn tiếp tục thực hiện, lan toả là cơ hội lớn để kêu gọi các doanh nghiệp tham gia ngày càng nhiều vào sản xuất, kinh doanh nông nghiệp theo hướng phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với chế biến, gắn với tiêu thụ nông sản.
“Diễn đàn Phát triển Nông nghiệp Việt Nam 2023 gợi mở những nghiên cứu và đề xuất giải pháp, các cơ chế chính sách đột phá để thúc đẩy, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, tiếp cận thành công các thị trường tiềm năng, tạo sự bứt phá cho phát triển nông nghiệp bền vững”, Chủ tịch UBND tỉnh Long An nhấn mạnh.
Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Nông nghiệp Bộ Kế hoạch & Đầu tư Đoàn Đạt chia sẻ: "Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn có vai trò đặc biệt đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn vì không chỉ là nơi tạo ra việc làm, thu nhập cho người lao động, tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn góp phần vào công cuộc công nghiệp hoá hiện đại hoá nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững".
Theo Giám đốc Sở NN&PTNN TP. Hồ Chí Minh Đinh Minh Hiệp, kết quả hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả tích cực, có sức lan tỏa rộng trên các lĩnh vực. Nổi bật là các doanh nghiệp của Thành phố đã tìm kiếm được cơ hội và lợi ích khi đầu tư tại ĐBSCL, đặc biệt trong các lĩnh vực du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp.
Qua thời gian triển khai thực hiện Chương trình phát triển thương mại, hội nghị kết nối giao thương ngày càng được mở rộng cả về quy mô và hiệu quả mang lại...
Tuy nhiên, ông Đinh Minh Hiệp cho rằng, các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành cũng có nhiều ý kiến xoay quanh những khó khăn, hạn chế trong việc đưa các sản phẩm vào hệ thống phân phối, siêu thị tại TP. Hồ Chí Minh, nên mục tiêu đề ra cần tháo gỡ các nút thắt, rào cản bằng những việc cụ thể giữa doanh nghiệp sản xuất và phân phối để hai bên cùng quan tâm giải quyết; khơi thông, mở ra không gian phát triển mới, không bị giới hạn...
Để làm được điều này đòi hỏi các doanh nghiệp, cơ quan quản lý phải coi đây là nhiệm vụ của mình và hình thành chuỗi sản xuất - kinh doanh đầu tư và phát triển, gắn kết sản xuất với phân phối và tiêu dùng..., hợp tác tốt sẽ phát triển tốt, TP. Hồ Chí Minh phát triển thì các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL cũng đồng thời phát triển.
Các đại biểu tham dự diễn đàn cũng cho rằng Việt Nam cần đẩy mạnh chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; phát triển nông nghiệp xanh; tăng cường xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm nông nghiệp; phát triển nông nghiệp gắn với du lịch nông thôn; phát triển nông nghiệp theo mô hình kinh tế tuần hoàn…