Long An: Chú trọng phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững

- Thứ Tư, 22/12/2021, 14:37 - Chia sẻ
Phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, Long An cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra, cần một chiến lược chuyển đổi với hệ thống giải pháp đồng bộ. Trong đó, vấn đề cốt lõi là phải chuyển nhanh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp.

Nông dân tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật

Theo thống kê, đến cuối năm 2020, Long An đã hình thành được trên 22.000ha lúa, trên 2.000ha rau và 3.000ha thanh long ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất; trên 7.100 con bò được gieo tinh giống bò ngoại chất lượng. Nông dân đã tích cực ứng dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng, lợi nhuận. Long An trở thành là một trong các địa phương vào tốp đầu cả nước về sản xuất nông nghiệp, trong đó có sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao.

Đơn cử, đi tiên phong trong việc trồng rau ứng dụng công nghệ cao, Hợp tác xã Rau an toàn Phước Hòa (xã Phước Vân, huyện Cần Đước) đặc biệt chú trọng trồng rau theo hướng hữu cơ; cũng như liên kết với nhiều công ty, doanh nghiệp tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm. Hiện nay, Hợp tác xã sản xuất 15ha rau đạt chuẩn VietGAP.  

Phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường
Phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường.
Ảnh minh họa nguồn: ITN

Là hợp tác xã điểm sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Hợp tác xã Dịch vụ Nông nghiệp Hậu Thạnh Tây (huyện Tân Thạnh) được các cấp, các ngành quan tâm, tạo điều kiện tiếp cận rất nhiều chính sách, chương trình ưu đãi dành cho hợp tác xã và vùng lúa chất lượng cao ứng dụng công nghệ cao. Nhờ đó, hợp tác xã dễ vận động nông dân tham gia vùng lúa chất lượng cao cũng như dần thay đổi tư duy, phương thức sản xuất từ truyền thống sang hiện đại theo hướng phát triển nông nghiệp an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường.

Việc triển khai chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Cần Giuộc thời gian qua cũng đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của cán bộ, nhân dân. Qua đó, giúp nông dân thay đổi tư duy, phương thức sản xuất chuyển từ nhỏ, lẻ sang liên kết, tập trung theo chuỗi giá trị, áp dụng cơ giới hóa, khoa học và công nghệ cao vào sản xuất, nhất là hướng đến sản xuất sạch, an toàn, thân thiện với môi trường.

Cần chuyển nhanh tư duy sản xuất nông nghiệp 

Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Long An, đạt được những kết quả này là nhờ tỉnh đã có nhiều chính sách, chương trình hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và nhiệm kỳ 2021 - 2025, Long An đã chọn Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là 1 trong 3 chương trình đột phá nhằm đẩy mạnh hơn nữa ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, giảm giá thành, nâng chất lượng và lượng hàng hóa nông sản chủ lực của tỉnh, sản xuất theo liên kết chuỗi giá trị nhằm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. 

Tuy nhiên, cùng với những thuận lợi, việc triển khai Chương trình Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, trong đó có việc phát triển nông nghiệp theo hướng an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, dù đã tạo điều kiện cho nông dân thực hiện mô hình trồng rau sạch bằng hệ thống thủy canh và nhà màng. Nhưng trên thực tế các mô hình rau sạch duy trì không được bao lâu thì đều ngưng hoạt động. Nguyên nhân là do một số người dân chưa phân biệt được rau sạch và rau chưa sạch mà chỉ đánh đồng về giá cả.

Ngoài ra, hiện nay nông dân vẫn còn lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, các loại phân bón hóa học, cùng với kỹ thuật trong canh tác, chăn nuôi còn hạn chế. Điều này làm cho chất lượng sản phẩm vẫn còn tồn dư lượng lớn thuốc bảo vệ thực vật, tác động đến môi trường và sức khỏe của người tiêu dùng, nhất là ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp. 

Để phát triển một nền nông nghiệp xanh, hiệu quả, bền vững, thân thiện với môi trường, nhiều ý kiến cho rằng, cần một chiến lược chuyển đổi với hệ thống giải pháp đồng bộ. Trong đó, vấn đề cốt lõi là phải chuyển nhanh từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp ở tất cả các cấp. Bên cạnh đó, thời gian tới, ngành nông nghiệp cũng cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức của nông dân về sản xuất sạch, an toàn, bền vững và thân thiện với môi trường; hỗ trợ xây dựng các mô hình điểm, mô hình mở rộng ứng dụng công nghệ cao; tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao; liên kết với nhiều công ty, doanh nghiệp giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm; đẩy mạnh chương trình mỗi xã một sản phẩm...

Nhật Phương