Lời nhắn gửi tâm huyết cho nhiệm kỳ tới

- Chủ Nhật, 16/05/2021, 07:56 - Chia sẻ
Tại Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động giữa Thường trực, các Ban HĐND tỉnh Lâm Đồng với Thường trực, các Ban HĐND huyện, thành phố, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh K’Mak nhấn mạnh: Hội nghị đã đánh giá sâu sắc thực trạng, kết quả đạt được và những hạn chế, trao đổi, rút ra nhiều bài học thực tiễn quý báu, cũng là lời nhắn gửi tâm huyết của HĐND nhiệm kỳ 2016 - 2021, giúp HĐND các cấp trong tỉnh nhiệm kỳ tới có thêm kinh nghiệm hoạt động hiệu quả.

Phải ban hành nghị quyết của Thường trực HĐND

Tham gia chủ đề kinh nghiệm tổ chức phiên họp của Thường trực HĐND, các báo cáo tham luận đều có chung nhận thức: Với vai trò là cơ quan tổ chức các hoạt động của HĐND, chất lượng các phiên họp của Thường trực HĐND có ý nghĩa rất lớn đối với hiệu quả hoạt động HĐND - cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. Do đó, công tác chuẩn bị phải bao quát, toàn diện, đúng luật (quy trình, thời gian, trách nhiệm của các cơ quan…) và phải xác định nội dung trọng tâm của mỗi phiên họp. Trong điều hành phiên họp và thảo luận phải khoa học, dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể; ban hành nghị quyết phiên họp phải bảo đảm tính hợp pháp, hợp lý, đúng định hướng chính trị của Đảng.

Bên cạnh duy trì đều đặn các phiên họp hàng tháng, một số nội dung mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND như: Chất vấn và xem xét trả lời chất vấn, giải trình tại phiên họp Thường trực HĐND chưa được quan tâm thực hiện hoặc có thực hiện nhưng số lần rất ít trong nhiệm kỳ. Nội dung chất vấn, giải trình tại phiên họp chưa đáp ứng yêu cầu. Đặc biệt, sau mỗi phiên họp, đa số cơ quan Thường trực HĐND chỉ ban hành “Thông báo” kết luận mà không ban hành “Nghị quyết của Thường trực HĐND”, làm giảm giá trị pháp lý và chế tài của những kết luận đã được các thành viên Thường trực HĐND xem xét, biểu quyết thông qua.

Giám sát chuyên đề của HĐND còn bỏ ngỏ

Giám sát chuyên đề là hoạt động mang tính chuyên sâu, có điều kiện đi đến tận cùng những vấn đề khó khăn, phức tạp kéo dài, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương mà các hoạt động giám sát khác khó có thể giải quyết, kết luận thấu đáo. Tham gia ý kiến vào chuyên đề: Kinh nghiệm tổ chức giám sát chuyên đề của HĐND, các ý kiến phát biểu tại hội nghị đều thừa nhận: Nhiệm kỳ 2016 - 2021, hình thức giám sát chuyên đề của HĐND theo luật định còn bỏ ngỏ, chưa được HĐND các cấp trong tỉnh áp dụng.

Hầu hết tham luận khi đề cập, phân tích vấn đề này đều cho rằng, đây là quy định không mới, kế thừa từ Luật 2003; trình tự, thủ tục giám sát cũng không quá phức tạp so với giám sát chuyên đề của Thường trực, các Ban HĐND. Tuy vậy, điểm khác biệt cơ bản là: Kết thúc hoạt động giám sát, đoàn giám sát phải báo cáo kết quả giám sát để HĐND xem xét tại kỳ họp gần nhất; sau đó, HĐND sẽ ra nghị quyết về vấn đề được giám sát. Cụ thể, nghị quyết phải (1) đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân hạn chế, bất cập liên quan đến chuyên đề giám sát; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát và người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan; (2) thời gian khắc phục hạn chế, bất cập; (3) trách nhiệm thi hành của cơ quan, tổ chức, cá nhân; (4) trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện nghị quyết.

Với những quy định chặt chẽ nêu trên của pháp luật, hiệu quả và chế tài sau giám sát chuyên đề của HĐND sẽ rất cao đối với đối tượng chịu sự giám sát và người đứng đầu cơ quan, tổ chức liên quan. Trong trường hợp cần thiết, HĐND có thể quyết định việc giám sát lại. Rõ ràng, cơ chế giám sát này rất hiệu quả, nhưng tại sao HĐND các cấp chưa một lần sử dụng quyền giám sát này? Phải chăng, quyền giám sát được Nhân dân “ủy thác”, “giao cho” cơ quan quyền lực nhà nước chưa được thực hiện đầy đủ, đúng pháp luật? Đó là điều HĐND cần nghiêm túc tự vấn để thực hiện đúng sứ mệnh Nhân dân giao phó.

Hội nghị trao đổi kinh nghiệm giữa Thường trực, các Ban HĐND tỉnh với Thường trực, các Ban HĐND huyện, thành phố thuộc tỉnh Lâm Đồng lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2016 - 2021

Để các Ban HĐND hoạt động hiệu quả

Hiệu quả hoạt động của Ban HĐND là một trong những nhân tố quan trọng, quyết định hiệu quả hoạt động của HĐND. Tuy nhiên, hoạt động của một số Ban của HĐND, nhất là ở cấp huyện, xã chưa đạt yêu cầu, nguyên nhân chủ yếu do việc bố trí nhân sự. Bên cạnh những thành viên Ban HĐND hoạt động tích cực, đã có những thành viên chưa dành thời gian, trí tuệ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban. Tham gia chủ đề: Kinh nghiệm lựa chọn và giới thiệu thành viên tham gia các Ban của HĐND các cấp, đa số ý kiến đều cho rằng: Cần bố trí đủ số thành viên chuyên trách. Các thành viên của Ban phải là những đại biểu tâm huyết, bản lĩnh, có kiến thức chuyên môn phù hợp, có kinh nghiệm thực tiễn về lĩnh vực hoạt động của Ban. Không nên bố trí những đại biểu là cán bộ, công chức khu vực hành chính nhà nước hoặc đại biểu khó sắp xếp được thời gian cho hoạt động kiêm nhiệm.

Theo quy định hiện hành, Trưởng Ban của HĐND là Ủy viên Thường trực HĐND các cấp. Có ý kiến cho rằng, cơ cấu tổ chức “Thường trực” cần hợp lý để tránh việc hầu hết nhân sự “Thường trực” đều kiêm nhiệm. Trong khi đó, pháp luật quy định quyền hạn của Phó Trưởng ban HĐND chuyên trách (không phải là Ủy viên Thường trực) thì chưa cụ thể, mặc dù Ban hoạt động theo nguyên tắc tập thể. Đây cũng là vấn đề rất cần phải suy ngẫm để có những giải pháp phù hợp hơn cho nhiệm kỳ tới.

VÂN NGUYÊN