Lời cảnh tỉnh cho nông sản

- Thứ Năm, 23/12/2021, 08:40 - Chia sẻ
Ùn tắc nông sản ở cửa khẩu không phải chuyện mới mẻ mà đã thành thông lệ đến hẹn lại lên. Năm nay, tình hình nghiêm trọng nhất khi có lúc hơn 6 nghìn container chở hàng hóa nối đuôi nhau san sát nằm chờ từ quốc lộ, bãi sang tải, kho lạnh ngoại quan cho đến tận điểm thông quan ở Lạng Sơn. Trước đây, việc ùn tắc thường chỉ xảy ra với thanh long, dưa hấu hoặc chuối, nhưng hiện nay tất cả các mặt hàng đều không qua được biên giới. Thực tế này là lời cảnh tỉnh đối với chuỗi cung ứng nông sản nước ta.

Nguyên nhân ùn tắc năm nay có mới và cũ. Yếu tố mới là phía Trung Quốc tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Yếu tố cũ là mùa vụ, gần Tết hoặc khi Trung Quốc “chuyển trạng thái” thông quan. Thời điểm này, các tỉnh phía Nam vào vụ thu hoạch nông sản, sản lượng hàng hóa tăng và nhu cầu tiêu dùng của thị trường Trung Quốc dịp cuối năm tăng cao. Xe hàng lên cửa khẩu thì nhiều, tới 1.500 - 1.700 phương tiện/ngày trong khi năng lực thông quan tại cửa khẩu Hữu Nghị - cửa khẩu duy nhất còn thực hiện thông quan hàng hóa (sáng 22.12 có thêm cửa khẩu Chi Ma), chỉ đạt 100 - 120 xe/ngày.

Mặc dù một số bộ, ngành và tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều văn bản thông tin, khuyến cáo về tồn dư lớn lượng hàng hóa chờ xuất khẩu, thông tin về tình trạng ùn tắc hàng hóa tràn ngập các phương tiện thông tin đại chúng nhưng lượng hàng hóa tập trung về các cửa khẩu vẫn liên tục tăng. Điều đó cho thấy bài toán ùn tắc nông sản tại cửa khẩu xuất sang Trung Quốc không thể giải bằng những lời khuyến cáo điều tiết lượng hàng hóa hợp lý, từ xa. Kênh ngoại giao với phía Trung Quốc có biện pháp tăng năng lực thông quan tại các cửa khẩu tuy cần thiết nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Tình hình ùn tắc nghiêm trọng năm nay đòi hỏi các cấp, các ngành phải sớm có giải pháp “từ gốc” trong cả chuỗi cung ứng nông sản và điều chỉnh lại quan hệ thương mại với Trung Quốc.

Cơ quan quản lý khuyến cáo thương lái hạn chế đưa hàng lên biên giới vậy thì hàng làm ra bán cho ai, ở đâu, thị trường nào? Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính”. Họ cũng đã thay đổi rất nhiều về chính sách tiêu thụ nông sản, “không thích” nhập khẩu tiểu ngạch nữa mà thiên về chính ngạch. Vì vậy, Việt Nam cần nâng cao năng lực chuỗi kết nối, tiêu thụ nông sản và tính tới chuyện đi thẳng vào thị trường nội địa của Trung Quốc bằng đường hàng không, đường biển, đường sắt.

Giống như tình trạng ùn tắc nông sản ở cửa khẩu, những giải pháp này thực ra cũng không mới. Hàng năm, khi “căn bệnh” tái phát, các bộ quản lý và địa phương đều ngồi lại bàn và tìm phương án giải quyết. Các chuyên gia nông nghiệp thường xuyên khuyến cáo cả nông dân và các nhà quản lý phải thay đổi tư duy làm ăn với Trung Quốc. Nhưng rồi, đến hẹn thì nông sản lại ùn tắc ở cửa khẩu, năm sau nghiêm trọng hơn năm trước.

Lần này, phải xem việc hàng nghìn xe hàng hóa ùn tắc ở cửa khẩu là căn bệnh cần được trị dứt điểm với lộ trình rõ ràng. Nếu không, hậu quả về sau càng lớn hơn khi thị trường Trung Quốc ngày một đòi hỏi gắt gao hơn về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Hà Lan