Linh hoạt giải pháp tiêu thụ nông sản

- Thứ Sáu, 21/05/2021, 07:51 - Chia sẻ
Để tránh để tình trạng ứ đọng nông sản cục bộ, “các tỉnh phải chủ động xây dựng phương án và kết nối thông tin. Biết các địa phương đang cần gì, đang vướng ở đâu, thì Trung ương mới tháo gỡ được”. Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Trần Thanh Nam trong bối cảnh nhiều loại nông sản, trái cây đang bước vào mùa thu hoạch cao điểm nhưng dịch Covid-19 ngày càng phức tạp, nhiều nơi phải thực hiện giãn cách.

Trong đợt dịch này, các bộ, ngành đã sớm vào cuộc, tránh tình trạng bị động. Tuy nhiên, để hoạt động tiêu thụ nông sản được thuận lợi và mang lại hiệu quả cao nhất trong bối cảnh dịch bệnh được dự báo còn kéo dài, thì đòi hỏi chính các địa phương phải chủ động vào cuộc và đưa ra các giải pháp hợp lý cho từng mặt hàng. Đơn cử như với quả vải, có thời gian thu hoạch ngắn, tập trung sản lượng lớn vào cùng một thời điểm nên nếu không có các kịch bản, giải pháp hỗ trợ thì việc lưu thông phân phối có thể gặp rủi ro, ùn ứ không tiêu thụ được.

Thực tế, không riêng quả vải mà đặc điểm của các mặt hàng nông sản đều thu hoạch theo thời vụ trong thời gian ngắn, có sản lượng lớn, nên yêu cầu bảo quản, chế biến tương đối khắt khe, không tổ chức tiêu thụ nhanh sẽ giảm phẩm cấp, chất lượng thậm chí phải bỏ. Vì vậy, việc tổ chức sản xuất các mặt hàng nông sản phải có sự chủ động trong liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các bộ ngành, địa phương cần có những chính sách kịp thời, những giải pháp hỗ trợ trước những diễn biến bất lợi cho thị trường.

Quyết không để xảy ra tình trạng cả nước phải chung tay hỗ trợ tiêu thụ nông sản vùng dịch như những lần trước đây, trong đợt dịch cao điểm bùng phát lần thứ 4 này, một số địa phương và các bộ, ngành liên quan đã hợp tác và cùng kích hoạt hàng loạt giải pháp để hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua các cửa khẩu mà vẫn bảo đảm an toàn trước dịch bệnh như: thành lập đội lái xe trung chuyển chuyên biệt để thông quan nông sản, hàng hóa tại cửa khẩu; tích cực trao đổi, hội đàm với phía Trung Quốc để nới rộng thời gian thông quan; khuyến cáo doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng nắm tình hình và giãn đưa hàng về cửa khẩu, tăng lượng hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu đường sắt…

Tại Bắc Giang, tỉnh cũng chủ động, linh hoạt trong thực hiện các giải pháp tiêu thụ nông sản như xây dựng phương án hỗ trợ nhân dân thu hoạch, chế biến và tiêu thụ vải thiều. Ngoài tiêu thụ vải thiều tươi, còn chế biến sấy khô, nước ép, đóng hộp… Tỉnh đã có văn bản báo cáo Thủ tướng cùng các bộ ngành liên quan tham mưu và Thủ tướng đồng ý giải quyết cho 190 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh. Hiện Bắc Giang đã sẵn sàng các phương án đón thương nhân Trung Quốc nhập cảnh, tổ chức cách ly theo quy định và nghiêm túc thực hiện các giải pháp phòng chống dịch.

Tại Hải Dương, đợt dịch Covid-19 hồi tháng 3 đã ảnh hưởng lớn đến việc tiêu thụ nông sản vụ đông. Theo thống kê, tỉnh đã thiệt hại khoảng 300 - 400 tỷ đồng do tắc nghẽn lưu thông nông sản đúng thời điểm thu hoạch rau màu. Lần này, Hải Dương đã chủ động các phương án tiêu thụ như đưa các mặt hàng nông sản lên các sàn thương mại, tạo thêm một kênh phân phối bền vững cho sản phẩm đặc sản của các địa phương. Đồng thời, góp phần kết nối với các chuỗi cung ứng, qua đó khai thác tối đa tiềm năng phát triển nông nghiệp và nâng cao giá trị sản xuất cho ngành nông nghiệp của tỉnh.

Rõ ràng, dịch Covid-19 đang tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu. Nhưng cũng là cơ hội để cả người sản xuất và doanh nghiệp tìm ra cách thức tiếp cận mới với đối tác, khách hàng, vừa bảo đảm phòng dịch, vừa tránh ùn ứ hàng hóa. Trong bối cảnh chuỗi cung ứng của các nước bị đứt gãy do ảnh hưởng của Covid-19, nếu tận dụng tốt cơ hội chống dịch tốt, giữ được chuỗi cung ứng ổn định thì không những tránh được tình trạng ùn ứ nông sản cục bộ mà còn bảo đảm được giá trị xuất khẩu.

Duy Anh