"Liều thuốc" phục hồi kinh tế

- Thứ Sáu, 12/11/2021, 05:58 - Chia sẻ
Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế đang trong quá trình hoàn thiện để trình cấp có thẩm quyền. Nội dung này được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm và chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong phiên họp chiều qua.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết chương trình sẽ có quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Các nhóm giải pháp được thiết kế gồm cả ngắn hạn và dài hạn; bảo đảm khả thi; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm gắn với nguồn lực và khả năng vay - trả của nền kinh tế… Nhưng đủ lớn là bao nhiêu? Trọng tâm ở đâu, nguồn lực huy động chỗ nào, thì chưa có phương án, kịch bản và con số cụ thể đi kèm.

Các đại biểu phản ánh cử tri kỳ vọng chương trình sẽ có quy mô đủ lớn để tạo ra lực đẩy đủ mạnh, giúp nền kinh tế nhanh chóng hồi phục. Thực tế, các gói hỗ trợ người dân, doanh nghiệp thời gian qua còn rất khiêm tốn. Theo tính toán của TS. Đinh Trường Hinh, người từng là chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Washington DC (Hoa Kỳ), Việt Nam mới chi khoảng 1,4% GDP cho các biện pháp có tác động đến ngân sách, thấp hơn so với mức 4% GDP của các nền kinh tế mới nổi và 1,6% của các nước thu nhập thấp.

Nếu ví nền kinh tế nước ta như người đang ốm vì Covid-19, thì sự hỗ trợ vừa qua mới chỉ giúp “bệnh nhân” đứng lên, nhúc nhích đi lại. Giờ đây, nếu muốn phục hồi nhanh, theo kịp đà thế giới thì nhất định phải có liều thuốc mạnh, tức là phải có gói hỗ trợ với quy mô lớn hơn trước rất nhiều. Trên thế giới, nhiều nước đặt ra quy mô gói hỗ trợ lên tới 15 - 20% GDP, thậm chí cao hơn. Trong khu vực ASEAN, nhiều nước cũng hỗ trợ trên 10% GDP, ví dụ Thái Lan là hơn 14% GDP. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, quy mô chương trình phục hồi kinh tế của nước ta ít nhất phải đạt 9 - 10% GDP (khoảng 800.000 tỷ đồng, tương đương 35 tỷ USD) mới đủ sức tạo ra thay đổi.

Quy mô, liều lượng của chương trình phục hồi kinh tế là quan trọng, nhưng chất lượng cụ thể của từng chính sách cũng quan trọng không kém. Chẳng hạn, thúc đẩy đầu tư công là giải pháp đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư tính đến. Bộ cho rằng tăng đầu tư công giúp tăng tổng cầu, tạo việc làm, giúp giải quyết vấn đề thất nghiệp đang hết sức cấp bách hiện nay.

Vậy nhưng, tăng đầu tư công thì cũng vướng phải nhiều vấn đề, lớn nhất là giải ngân chậm - đề tài đã làm nóng nghị trường chiều qua. Năm 2020, giải ngân đầu tư công đạt kỷ lục 98%. 10 tháng năm 2021, tỷ lệ giải ngân chưa được 50%. "Cùng môi trường thể chế như nhau nhưng sao đơn vị giải ngân cao, đơn vị giải ngân thấp? Doanh nghiệp, người dân đều mong có gói kích thích mới, trong khi tiền chúng ta có còn chưa tiêu hết, năng lực hấp thu vốn của chúng ta như thế nào?", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu vấn đề. Rõ ràng, đầu tư công rất quan trọng nhưng nếu tiến độ giải ngân bị chậm thì cơ hội phục hồi hoặc hiệu quả của đồng vốn chi ra sẽ giảm.

Hoặc một ví dụ khác là chương trình dự kiến đưa ra các nhóm chính sách hỗ trợ phục hồi doanh nghiệp, gồm chính sách áp dụng chung và áp dụng riêng cho một số ngành chịu ảnh hưởng nặng nề và có khả năng phục hồi nhanh. Tuy nhiên, việc ưu tiên phân bổ nguồn lực cho những ngành có đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng trong giai đoạn phục hồi cũng có nhiều thách thức. Quá trình này đòi hỏi minh bạch, dựa trên các luận cứ rõ ràng, nếu không rất dễ xảy ra lợi ích nhóm.

Như vậy, từng chính sách trong chương trình phục hồi kinh tế cần được tính toán kỹ lưỡng về mặt chất lượng, tác động, hiệu quả. Và quan trọng hơn, chính sách cần thể hiện bằng các con số tính toán rõ ràng để tăng sức thuyết phục. Có như vậy mới giúp nền kinh tế nhanh chóng bình phục sau cơn bạo bệnh do Covid-19 gây ra, đồng thời vẫn giữ được ổn định kinh tế vĩ mô - cái neo để ổn định kinh tế, xã hội trong mọi hoàn cảnh.

Hà Lan