Liên kết tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị

- Thứ Ba, 21/12/2021, 06:30 - Chia sẻ
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương, năm 2021, mặc dù đối mặt với nhiều thách thức do dịch Covid-19 nhưng ngành nông nghiệp luôn sáng tạo, vượt qua khó khăn, với tốc độ tăng trưởng nông, lâm, thủy sản ước đạt 6,8%, cao nhất vùng đồng bằng sông Hồng và đứng thứ hai trong cả nước. Hải Dương cũng triển khai nhiều hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác kết nối sản xuất, tiêu thụ và quảng bá giới thiệu nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP; mở rộng liên kết vùng, hình thành vùng nguyên liệu chất lượng, phát triển công nghệ chế biến phụ vụ xuất khẩu.

Đa dạng sản phẩm nông sản

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương Bùi Văn Thăng, trong bối cảnh dịch Covid-19, nông nghiệp trở thành bệ đỡ cho nền kinh tế của tỉnh. Năm 2021, ngành nông nghiệp Hải Dương không ngừng nỗ lực, vượt qua khó khăn, nắm bắt cơ hội, sáng tạo, đổi mới tư duy kinh tế nông nghiệp gắn liền với kinh tế thị trường. Theo đó, sản xuất nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng cao, sản lượng sản xuất ước đạt 21.000 tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2020. Đây cũng là năm ngành nông nghiệp tỉnh có nhiều bước đột phá, sản xuất cây vụ đông tăng 8,7%. Năng suất lúa bình quân cao nhất từ trước tới nay; sản phẩm vải, nhãn được mùa, được giá.

Năm 2021, diện tích lúa cả năm đạt 110.971ha, năng suất lúa đạt 65,63 tạ/ha; hành, tỏi diện tích hơn 6.500ha, sản lượng khoảng 100.000 tấn/năm. Với diện tích toàn tỉnh có 9.125ha, tổng sản lượng vải quả ước đạt 55.000 tấn (vải sớm 30.000 tấn, vải chính vụ 25.000 tấn); diện tích rau màu các đạt 31.000ha, sản lượng 700.000 tấn; tổng đàn lợn đạt 380.000 con, sản lượng thịt lợn đạt 46.800 tấn. Tổng đàn gia cầm đạt 15,39 triệu con, trong đó, gà 11,2 triệu con, sản lượng thịt 48.300 tấn; tổng diện tích nuôi thủy sản đạt 12.200ha, tổng sản lượng thủy sản ước đạt 75.585 tấn. 

Thực hiện Đề án "Mỗi xã, phường một sản phẩm", đến nay, toàn tỉnh đã có 73 sản phẩm OCOP, trong đó, 36 sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 37 sản phẩm OCOP đạt 3 sao, có 2 sản phẩm đề nghị Trung ương công nhận đạt 5 sao. Năm 2021, có 102 sản phẩm đăng ký sản phẩm OCOP tỉnh Hải Dương. Nhiều sản phẩm được đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuyển đổi số, cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, truy xuất nguồn gốc, hình thành liên kết chuỗi trong sản xuất và tiêu thụ. Thị trường xuất khẩu nông sản được mở rộng, nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu nhấn mạnh, nhờ phát huy được các nhân tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, sản phẩm của Hải Dương rất chất lượng và luôn đổi mới mẫu mã, bao bì. Bên cạnh đó, giao thông rất thuận lợi, nên khả năng cạnh tranh với các vùng khác là khá cao. Đặc biệt, với sự hỗ trợ của lãnh đạo các cấp trong việc đẩy mạnh bán hàng online, chứng tỏ Hải Dương rất nhanh nhạy với xu thế thị trường. Điều đó mở ra hướng đi vững chắc cho nông nghiệp tỉnh, tránh được tình trạng được mùa, mất giá…

Người dân xã An Thanh, Tứ Kỳ, Hải Dương thu hoạch rươi

Ảnh: Thành Chung 

Xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu

Xác định công tác xây dựng thương hiệu, liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị có vai trò quan trọng, nhất là đối với sản phẩm nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Hải Dương đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu nông sản chủ lực, sản phẩm OCOP giữa Hải Dương với các tỉnh, thành phố trong cả nước, góp phần tăng cường giao thương, thúc đẩy lưu chuyển hàng hóa trên thị trường, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Được biết, tỉnh đã hỗ trợ dán tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản tiêu biểu như vải thiều Thanh Hà, gạo nếp cái hoa vàng Kinh Môn, cà rốt Đức Chính, ổi Liên Mạc Thanh Hà, bánh đậu xanh Hải Dương, rươi Tứ Kỳ, bưởi đào Lập Lễ, hành tỏi Kinh Môn, bánh gai Ninh Giang, rượu Phú Lộc, bánh đa Hội Yên…

Trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành nhưng các hoạt động xúc tiến tiêu thụ nông sản của tỉnh đã mang lại những kết quả đáng kể. Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đã kết nối hỗ trợ tiêu thụ gần 150.000 tấn rau, quả; 1,8 triệu con gà đồi; hơn 4 triệu trứng gia cầm các loại; hơn 3.000 tấn thủy đặc sản… Ngoài ra, tỉnh còn cử cán bộ trực tiếp xuống giúp và thu mua cho bà con nông dân, hỗ trợ vận chuyển hàng hóa và tích cực tham gia đóng gói hàng hóa cứu trợ vùng dịch bị cách ly.

Năm 2021 cũng là năm đầu tiên vải thiều Hải Dương mở cửa thành công thêm nhiều thị trường mới như Thái Lan, Anh, Canada, Ý, Pháp, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha, Đức, Thụy Sĩ, Đan Mạch và được bán trên 5 sàn thương mại điện tử như Sendo.vn, Voso.vn, VNSpost, Lazada, Alibaba… Nhiều doanh nghiệp mới tham gia xuất khẩu vải như Công ty Kim Chính, Công ty Toàn Cầu.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bùi Văn Thăng chia sẻ, thời gian tới, sẽ tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cho các bên tham gia chương trình OCOP; tăng cường tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ vận hành chương trình và các chủ thể có sản phẩm được lựa chọn tham gia chương trình… Tỉnh sẽ quy hoạch, phát triển các vùng trọng điểm, chuyên canh sản xuất các sản phẩm nông nghiệp chủ lực ở những địa phương có lợi thế như vùng vải Thanh Hà, Chí Linh; cà rốt Cẩm Giàng, Nam Sách; hành tỏi, sắn dây Kinh Môn; ổi Thanh Hà; na Chí Linh...

Thảo Mộc