Theo euronews, WEF Davos 2024 diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang và những lo ngại ngày càng tăng về thương mại toàn cầu ở Trung Đông. Do đó, chủ đề lạm phát, tăng trưởng kinh tế, cuộc chiến ở Ukraine, thay đổi công nghệ và sự phân mảnh toàn cầu sẽ vẫn nằm trong chương trình nghị sự.
Với chủ đề “Xây dựng lại niềm tin”, các nhà lãnh đạo WEF thừa nhận sự cần thiết phải khôi phục lại sự tín nhiệm giữa các quốc gia để đối phó với những thách thức mang tính toàn cầu. Chủ tịch Diễn đàn kinh tế thế giới Borge Brende nhấn mạnh: “Vào thời điểm mà những thách thức toàn cầu đòi hỏi phải có các giải pháp khẩn cấp, hợp tác công - tư mang tính đổi mới là cần thiết để biến ý tưởng thành hành động”.
Do vậy, Hội nghị đang diễn ra đóng vai trò là động lực thúc đẩy hợp tác, đồng thời thúc đẩy đối thoại, tăng cường kết nối giữa các lãnh đạo.
4 chủ đề quan trọng
Trên cơ sở đó, chương trình nghị sự của WEF Davos 2024 xoay quanh 4 nội dung quan trọng. Thứ nhất, các đại biểu tập trung trao đổi, tìm kiếm giải pháp để bảo đảm an ninh và hợp tác trong một thế giới rạn nứt. Để làm được điều này, thế giới phải giải quyết các cuộc khủng hoảng trước mắt như xung đột Israel - Hamas, Nga - Ukraine, đồng thời xóa bỏ các lực lượng có nguy cơ gây chia cắt.
Thứ hai, tạo việc làm và tăng trưởng cho kỷ nguyên mới. Theo đó, hội nghị sẽ xem xét lại các khuôn khổ kinh tế để thúc đẩy tăng trưởng và tạo việc làm, nhấn mạnh cách tiếp cận lấy con người làm trung tâm trong một thập kỷ có khả năng tăng trưởng thấp.
Thứ ba, nhấn mạnh AI là động lực cho nền kinh tế và xã hội. Trong đó, các quốc gia tận dụng AI vì lợi ích xã hội, đồng thời quản lý các thách thức pháp lý và tiến bộ công nghệ trong các lĩnh vực khác như 5G/6G và điện toán lượng tử.
Thứ tư, xây dựng chiến lược dài hạn về khí hậu, tự nhiên và năng lượng. Hội nghị sẽ làm nổi bật tầm quan trọng của việc phát triển các phương pháp tiếp cận có hệ thống vì một thế giới không có carbon và hướng tới môi trường tự nhiên tích cực vào năm 2050, đồng thời, cân bằng các giá trị để đạt được đồng thuận xã hội.
Giới chuyên gia kinh tế cho rằng, bất chấp nhiều yếu tố ngoại cảnh bất lợi, WEF Davos 2024 là nơi các nhà lãnh đạo đưa ra những sáng kiến, biện pháp mang đến sự lạc quan cho triển vọng kinh tế toàn cầu.
WEF là một tổ chức quốc tế độc lập, có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ và được thành lập năm 1971 theo sáng kiến của Giáo sư Klaus Martin Schwab. WEF cam kết vào sứ mệnh phát triển năng lực của thế giới bằng cách kết nối lãnh đạo các nước lớn, các tổ chức quốc tế cũng như tập đoàn, công ty hàng đầu thế giới để kiến tạo các quan hệ hợp tác, từ đó thực hiện các mục tiêu kinh tế, cũng như các vấn đề then chốt trên phạm vi toàn cầu và khu vực. WEF là tổ chức trung lập, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, cũng như không có bất kỳ liên kết thiên lệch nào đối với các yếu tố mang tính chính trị, quốc gia dân tộc, hay cá thể đơn lẻ.
Một trong những sáng kiến đáng chú ý tại WEF Davos 2024 là đề xuất thành lập Liên minh quản trị AI bao gồm những công ty công nghệ lớn như Google, Microsoft, IBM, Meta Platforms. Mục đích hoạt động của liên minh này là hướng tới định hình việc phát triển và sử dụng AI một cách có trách nhiệm, đồng thời đưa ra những cam kết đối với các hệ thống AI một cách minh bạch, toàn diện cũng như cách tiếp cận mang tới những tác động tích cực cho xã hội. Phó Chủ tịch Microsoft Brad Smith cho biết: "Chúng ta phải nhìn nhận một cách sáng suốt về cả triển vọng lẫn mối nguy hiểm của Al tạo sinh (generative AI) và cùng nhau hợp tác để bảo đảm Al luôn phục vụ nhân loại".
Nhiều nhà bình luận cho rằng, việc thành lập Liên minh quản trị AI sẽ mang lại những kết quả khả quan, tương tự như Liên minh những người tiên phong (FMC) ra đời cách đây 2 năm nhằm tìm ra biện pháp giảm khí phát thải carbon thông qua khu vực tư nhân. Từ 35 thành viên lúc mới thành lập, FMC đã phát triển lên 96 thành viên, thực hiện 120 cam kết về phát triển, ứng dụng công nghệ mới cho mục tiêu chống biến đổi khí hậu và giảm khí phát thải.
Câu hỏi về kinh tế toàn cầu năm 2024
Nhiều nhà quan sát nhận định, chắc chắn sẽ có câu hỏi dành cho các nhà lãnh đạo tại WEF Davos 2024: liệu năm 2024 có phải là thời kỳ permacrisis (khó khăn kéo dài)? Hay 2024 sẽ là thời điểm để giải quyết, phục hồi?
Theo Al Jazeera, các nhà kinh tế hàng đầu cho rằng, xung đột địa chính trị và điều kiện tài chính thắt chặt sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong khi AI sẽ làm gia tăng bất bình đẳng. Chủ tịch WEF Borge Brende cho biết, tổng nợ toàn cầu hiện nay chiếm hơn 200% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu, mức cao nhất trong hơn một thế kỷ. Và tình hình này thực sự rất nghiêm trọng.
Cuộc khảo sát do Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố hôm 15.1 trước cuộc họp thường niên tại khu nghỉ dưỡng Davos của Thụy Sĩ, đã cân nhắc phân tích của hơn 60 nhà kinh tế trưởng từ cả khu vực công và tư nhân, cũng cho thấy kết quả không mấy khả quan. Hơn một nửa số nhà kinh tế được khảo sát (56%) dự đoán tình hình kinh tế toàn cầu sẽ suy yếu, nhưng có sự khác biệt giữa các khu vực.
Phần lớn dự đoán mức tăng trưởng vừa phải hoặc mạnh hơn ở Trung Quốc và Mỹ, tăng trưởng yếu hoặc rất yếu ở châu Âu và tăng trưởng vừa phải ở Nam Á, Đông Á và Thái Bình Dương.
Cuộc khảo sát nêu rõ: “Mặc dù tiến bộ công nghệ có thể tạo động lực mới cho năng suất toàn cầu, nhưng cần có các chính sách thúc đẩy tăng trưởng chất lượng tốt để phục hồi động lực toàn cầu và cân bằng tác động giữa các nhóm thu nhập”.
Ngoài ra, 70% những người được khảo sát kỳ vọng các điều kiện tài chính sẽ nới lỏng khi lạm phát giảm và sự thắt chặt hiện nay trên thị trường lao động giảm bớt, mặc dù các Ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới cho biết lãi suất đã lên đến đỉnh điểm.
Bên cạnh sự biến động địa chính trị, 87% các nhà kinh tế dự đoán ảnh hưởng của AI dự kiến sẽ gây ra biến động trong nền kinh tế toàn cầu. 6/10 người (57%) cho rằng, trình trạng này sẽ làm tăng bất bình đẳng và làm gia tăng khoảng cách Bắc - Nam trong ba năm tới.
WEF cũng công bố một nghiên cứu riêng biệt khác về “chất lượng” tăng trưởng kinh tế trên 107 nền kinh tế, trong đó kết luận rằng hầu hết các quốc gia đang phát triển theo những cách không bền vững về môi trường, cũng như không toàn diện về mặt xã hội.
Không chỉ WEF, Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế cũng dự đoán năm 2024 sẽ là năm tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm nhất kể từ năm 2020. Trong khi Liên Hợp Quốc lên tiếng bày tỏ quan ngại tương tự. Trong Báo cáo Triển vọng và tình hình kinh tế thế giới 2024 mới công bố, cơ quan đa phương lớn nhất thế giới dự báo, tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chậm lại từ mức ước tính 2,7% vào năm 2023 xuống còn 2,4% vào năm 2024, có xu hướng thấp hơn tốc độ tăng trưởng 3,0% trước đại dịch.
Bà Saadia Zahidi, Giám đốc điều hành của WEF cho biết: “Việc khôi phục tăng trưởng toàn cầu sẽ là điều cần thiết để giải quyết những thách thức chính, tuy nhiên chỉ tăng trưởng thôi là chưa đủ”.
Tuy nhiên, khi những bộ óc có ảnh hưởng nhất thế giới đang tập trung ở WEF Davos 2024, chúng ta vẫn lạc quan rằng sẽ sớm tìm ra giải pháp để đương đầu với những thách thức cấp bách toàn cầu, nhất là kinh tế, hướng tới tương lai tích cực.