Ẩn sau lớp mặt đá
- Câu chuyện thực hiện trưng bày này bắt đầu như thế nào, thưa anh?
- Một ngày, tôi dẫn người bạn Pháp đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Sau khi nghe giới thiệu bia Tiến sĩ, anh ấy hỏi tôi có đọc được những dòng chữ khắc trên đó không, tôi bảo đấy là chữ Nho còn bây giờ chúng tôi dùng tiếng Việt. Nhưng tôi hiểu thông điệp của anh và ghi nhận câu hỏi ấy như một món nợ. Tôi hứa trong thời gian tới sẽ cố gắng cùng Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Quốc Tử Giám trả lời câu hỏi. Trưng bày "Bia đá kể chuyện", chủ đề "Hiền tài là nguyên khí Quốc gia" ra mắt ngày 8.10 vừa qua chỉ là bước khởi đầu, để chúng tôi không chỉ trả món nợ cho người bạn Pháp, mà cho tất cả khách tham quan di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám sau này.

- Tại sao anh đặt tên trưng bày là "Bia đá kể chuyện"?
- Hơn 500 năm qua, kể từ tấm bia đầu tiên được dựng dưới thời vua Lê Thánh Tông (1442), hàng bia Tiến sĩ vẫn đứng đó. Thuyết minh viên của Văn Miếu, hay hướng dẫn viên du lịch cũng chỉ giới thiệu chung chung đây là nơi vinh danh tên tuổi của các vị Tiến sĩ đỗ đạt. Vì thế, chúng tôi mong muốn trưng bày là cơ hội để bia Tiến sĩ không mãi là những nhân chứng câm lặng của lịch sử, mà từ nay sẽ bắt đầu "dốc bầu tâm sự" với khách tham quan.
- Lựa chọn 14 bia Tiến sĩ để giới thiệu trong trưng bày lần này có gì đặc biệt?
- Toàn bộ nội dung 82 bia Tiến sĩ với khối lượng thông tin vô cùng đồ sộ, trong không gian của Nhà Tiền Đường, một triển lãm không thể thể hiện hết. Vì vậy, chúng tôi bắt đầu từ giới thiệu 14 bia Tiến sĩ đầu tiên của thời kỳ Lê Sơ, đánh dấu bằng khoa thi đầu tiên năm 1442 và kết thúc bằng khoa thi đầu tiên năm 1529 của Nhà Mạc. Các banner thiết kế như được rút từ trong lòng bia ra, thể hiện đằng sau mặt đá kia là những thông tin vô cùng ý nghĩa. Song đấy mới là bước khởi đầu, ta mới chỉ khai quật được lớp bề mặt đó.
1304 cuộc đời, 1304 sự nghiệp
- Đằng sau mỗi mặt bia Tiến sĩ là những thông tin vô cùng ý nghĩa, cụ thể đó là những gì?
- 1304 vị Tiến sĩ được vinh danh ở đây là 1304 cuộc đời, 1304 sự nghiệp khác nhau. Con đường khoa cử của họ kết thúc ở điểm là họ đỗ đạt và được vinh danh Tiến sĩ, nhưng đó mới chỉ là điểm khởi đầu cho cuộc đời phụng sự đất nước. Trong quá trình ấy, mỗi người có một câu chuyện riêng, mang đến nhiều thú vị.
Chẳng hạn, trong số các vị Tiến sĩ được vinh danh trên bia đá, có vị thi đến hai lần, lần thứ nhất đỗ nhưng chưa hài lòng với thứ hạng, thi thêm một kỳ nữa. Chuyện khoa thi năm 1442, cả thầy và trò cùng đi thi, thầy là Trịnh Thiết Trường và trò là Nguyễn Nguyên Chẩn. Kết quả cả hai cùng đỗ Đệ tam giáp (tương đương học vị Tiến sĩ), và cả hai đều không nhận, chọn thi lại khoa thi năm 1448. Lần này, thầy đỗ Đệ nhất giáp (Bảng nhãn), còn trò thì vẫn chỉ đỗ Đệ tam giáp.
Hay trường hợp của Tiến sĩ Thái Thuận, xuất thân là người lính dạy voi. Trong quá trình đó, Thái Thuận vừa làm tròn bổn phận của người lính nhưng vẫn chủ động dùi mài kinh sử. Ông đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ, khoa thi 1475, sau này được vua Lê Thánh Tông rất yêu mến, phong tới chức Phó nguyên soái của Hội Tao Đàn - hội thơ do vua Lê Thánh Tông sáng lập.
Những chuyện như vậy thể hiện nỗ lực không ngừng nghỉ và tinh thần coi trọng tri thức, thực tài của người xưa.
Để di sản có đời sống mới
- Làm thế nào để chuyển tải những thông tin ấy đến với công chúng một cách hấp dẫn, dễ hiểu?
"Nội dung đằng sau bia Tiến sĩ được xâu chuỗi theo câu chuyện. Như có gia đình mà 5 anh em trong cùng một nhà và rất nhiều con cháu đời sau cùng đỗ tiến sĩ, Thân Nhân Trung cùng hai con trai và cháu nội đều đỗ tiến sĩ, Phạm Bá Ký cùng con trai và cháu nội đều đỗ tiến sĩ. Ta cũng có thể thấy các dạng bài thi thời xưa, hay bấy giờ khi thí sinh tham gia thi hội, thi đình phải chịu giám sát, đồng thời nhận được sự hỗ trợ của 7 vị quan khác nhau. Trong đó, quan Đằng lục là người sao chép toàn bộ bài thi sang bản khác để giám khảo không nhận ra nét chữ của thí sinh; quan Đối độc chịu trách nhiệm đối chiếu, so sánh bản chính và bản sao. Qua đó ta thấy được quy chế thi cử ngày xưa vô cùng chặt chẽ".
- Thực sự đứng trước khối lượng thông tin đồ sộ đằng sau các tấm bia, chúng tôi gặp phải thách thức lớn làm sao truyền đạt đến khán giả tốt nhất, trọn vẹn nhất. Nhưng trong quá trình thiết kế, chúng tôi dần hình dung ra các bước giới thiệu cho người xem. Tư liệu trên thực tế không phải có sẵn, mà chúng tôi phải sưu tầm, đối chiếu, kiểm chứng rất nhiều nguồn như Đại Việt sử ký toàn thư, hay so sánh với gia phả của một số dòng họ có Tiến sĩ đỗ đạt... Trưng bày này cũng là lần đầu tiên chúng tôi thử nghiệm trình quét mã QR, khán giả có thể tải về toàn bộ nội dung của các banner và xem câu chuyện lý thú ấy bất cứ khi nào.
- Sẽ còn những chương tiếp theo của câu chuyện về 82 bia Tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Anh muốn truyền tải thông điệp gì đến người xem xuyên suốt hành trình ấy?
- Các cuộc trưng bày sau sẽ xuất hiện những câu chuyện mới. Ví dụ, có trường hợp đỗ Tiến sĩ và được bổ dụng làm quan nhưng sau đó họ không giữ được mình, sa ngã và mất tất cả. Rất nhiều câu chuyện mang hơi thở đời sống đương đại đang chờ chúng ta khám phá.
Có một ý đồ khi tôi thể hiện các banner giống như mô hình của tấm bia đá, nhưng được treo lên. Tôi nói vui với anh em thiết kế rằng, trong trưng bày này, các cụ rùa được nghỉ ngơi, còn chúng ta khi nhìn vào sẽ có cảm giác những tầng văn hóa, tri thức và các giá trị của hiền tài đang bay lên, lan tỏa. Thông qua kỹ thuật đồ họa hiện đại, chúng ta sẽ tiếp tục phát huy giá trị di sản, cho nó một đời sống mới.
- Xin cảm ơn anh!