Lai Châu đẩy mạnh hiện đại hóa cơ sở y tế

- Thứ Hai, 23/11/2020, 16:05 - Chia sẻ
Từ năm 2018 đến nay, ngành y tế Lai Châu đã từng bước đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế từ tuyến xã cho đến tuyến tỉnh phù hợp phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của đồng bào các dân tộc, chất lượng khám, chữa bệnh được cải thiện, người dân được chăm sóc tốt về sức khỏe từ đó giảm thiểu số ca bệnh chuyển tuyến.

Nhiều kỹ thuật mới được triển khai

Thực hiện Đề án Nâng cao chất lượng hoạt động hệ thống y tế cơ sở, nhiều năm nay, chất lượng khám, chữa bệnh cho đồng bào dân tộc tỉnh Lai Châu được nâng lên rõ rệt. Các cơ sở khám, chữa bệnh đều được đầu tư về vật chất, trang thiết bị hiện đại; các kỹ thuật cao như mổ nội soi về ổ bụng, nội soi sản khoa và một số các kỹ thuật cao về xương khớp, ổ bụng, não… được các cơ sở y tế triển khai hiệu quả.

Cụ thể hơn, cơ sở y tế tuyến xã đã được nâng cấp trụ sở làm việc, trang bị máy móc, công cụ và dụng cụ thiết yếu phục vụ công tác khám, bệnh cho nhân dân trên địa bàn xã (thiết bị đáp ứng như các loại phẫu thuật nhỏ, thực hiện được các ca đẻ thông thường, thực hiện khám định kỳ...) làm tăng khoảng 30% lượt bệnh nhân đến trạm y tế xã, góp phần giảm tải cho bệnh viện tuyến huyện.

Các y, bác sỹ Trung tâm y tế huyện Than Uyên thực hiện nội soi dạ dày cho bệnh nhân.
Các y, bác sỹ Trung tâm y tế huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu thực hiện nội soi dạ dày cho bệnh nhân

Tuyến huyện, tỉnh cũng được nâng cấp sửa chữa cơ sở vật chất, đầu tư các thiết bị kỹ thuật cao phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh trên địa bàn huyện. Năm 2018, đầu tư 16 thiết bị với tổng kinh phí là 27 tỷ đồng; năm 2019, đầu tư 3 thiết bị với tổng kinh phí là 6 tỷ đồng; năm 2020, đầu tư 9 thiết bị với tổng kinh phí là 19 tỷ đồng.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lai Châu Bùi Tiến Thanh chia sẻ, mặc dù về tài chính đầu tư cho y tế gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là về thiết bị y tế đáp ứng nhu cầu cấp cứu, phẫu thuật, điều trị tại bệnh viện huyện nhưng những năm gần đây, các cơ sở y tế được tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tham gia Đề án Bệnh viện vệ tinh nên đã phát triển, mở rộng và thực hiện được nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, góp phần giảm chi phí cho người bệnh, giảm tải cho bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến Trung ương.

Ngoài việc đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị, các đơn vị đã cử bác sĩ và các kíp đi đào tạo các chuyên khoa sâu (hồi sức cấp cứu, phẫu thuật nội soi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, nội, ngoại, sản, nhi...) tại một số bệnh viện Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phụ sản... Về công tác đào tạo từ năm 2018 đến nay, ngành y tế không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn cho các y, bác sĩ, điều dưỡng và dược sĩ, với 93 bác sĩ ra trường; 66 bác sĩ chuyên khoa cấp I; 130 điều dưỡng đại học; cử 2.495 lượt người đi đào tạo ngắn hạn.

Nhiều chuyển biến tích cực

Việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế tại các đơn vị trong ngành y tế Lai Châu đã đáp ứng yêu cầu của Bộ Y tế, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe người dân trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, tại các huyện, 100% thiết bị, dụng cụ đưa vào sử dụng, bảo đảm về mặt con người, đồng thời, tiếp nhận kỹ thuật cao từ các bệnh viện tuyến trên, góp phần không nhỏ vào việc nâng cao chất lượng bệnh viện.

Bác sĩ Bùi Tiến Thanh cũng chia sẻ, những năm trước đây, do thiếu hiểu biết, mỗi khi trong nhà có người ốm, đau, nhiều hộ dân, nhất là ở các xã biên giới các huyện thường mời thầy cúng về làm lễ hoặc lên rừng kiếm lá cây về chữa theo phong tục truyền thống dân tộc. Vì vậy, nhiều trường hợp không khỏi bệnh và khi bệnh nặng buộc phải đưa đến cơ sở y tế cũng gặp những rủi ro, thậm chí có ca quá muộn dẫn đến tử vong.

Có thể nói, đầu tư cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phù hợp đã giúp ngành y tế Lai Châu phát huy hiệu quả công tác khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Với việc làm tốt công tác khám và điều trị ban đầu, đồng bào các dân tộc địa phương đã tin tưởng hơn vào y tế cơ sở, đoàn kết xóa đói giảm nghèo.

Tùng Dương