Chính sách châu Á của Chính quyền Biden

Kỳ vọng gì ở năm thứ hai?

- Thứ Năm, 27/01/2022, 06:36 - Chia sẻ
Ngay từ trước khi nhậm chức vào ngày 20.1 năm ngoái, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã có một loạt động thái cho thấy sự ưu ái của ông với khu vực. Nhìn lại, chúng ta nhìn thấy được gì từ chính sách châu Á và Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Mỹ trong năm đầu tiên, và đâu là những điều Mỹ cần phải thay đổi trong tương lai gần sắp tới.

Cả Tổng thống Biden và nhóm chính sách đối ngoại của ông đều cho thấy kinh nghiệm ngoại giao đáng kể và cách tiếp cận hợp lý, cẩn thận đối với các vấn đề quốc tế, ưu tiên đổi mới trong nước và xây dựng lại quan hệ đối tác và ảnh hưởng quốc tế của Hoa Kỳ. Ở một mức độ nào đó, cách tiếp cận này là điều cần thiết và hợp lý, trong bối cảnh cấp bách của nhiều vấn đề trong nước, bắt đầu từ đại dịch Covid-19.

Tổng thống Biden công bố các sáng kiến mới nhằm mở rộng quan hệ đối tác chiến lược Hoa Kỳ - ASEAN
Nguồn: US Embassy

Ngay từ đầu, nhiệm kỳ Tổng thống của ông Biden đã phải đối mặt với nhiều thách thức hơn nhiều so với những thách thức chào đón một người mới đến Phòng Bầu dục thông thường trước đó. Cả trong và ngoài nước, chính quyền mới phải đối mặt với những vấn đề hóc búa trên hầu hết mọi mặt - kinh tế, xã hội, chính trị, y tế, môi trường và địa chính trị. Châu Á chắc chắn không phải là ngoại lệ mặc dù một loạt sáng kiến ​​và hoạt động tiếp cận ban đầu đã giúp Mỹ giành lại sự tin tưởng của cộng đồng quốc tế, bao gồm việc tái gia nhập Hiệp định khí hậu Paris và Tổ chức Y tế Thế giới ngay những ngày đầu tiên; nhanh chóng tiếp đón các nhà lãnh đạo từ Nhật Bản và Hàn Quốc tại Washington; cử các bộ trưởng và sau đó là phó tổng thống đến thăm khu vực và vào tháng 3.2021; tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến với các nhà lãnh đạo của Nhật Bản, Ấn Độ và Australia để khởi động lại Nhóm Quad (Bộ Tứ).

Điểm sáng chính trị

Củng cố Quad 2.0 có lẽ là thành tựu quan trọng nhất của chính quyền Biden ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong năm đầu tiên. Cả hội nghị thượng đỉnh trực tuyến đầu tiên và cuộc gặp mặt trực tiếp vào tháng 9.2021 ở Washington đều giúp khéo léo xử lý một vấn đề quan trọng - từ bỏ thái độ phản ứng với Trung Quốc một cách khoa trương để chuyển sang cách tiếp cận tinh tế hơn. Vào năm 2021, Nhóm Quad không tập trung vào Trung Quốc mà tập trung vào những gì bốn quốc gia có thể cung cấp cho khu vực thông qua hành động tập thể, tập trung vào các ưu tiên thực sự có lợi và cấp thiết cho khu vực như việc hợp tác phân phối vaccine. Công trình này và các công việc khác do Quad mang lại cho các nước trong khu vực thậm chí còn có giá trị hơn cả vaccine - một giải pháp thay thế đáng tin cậy cho những gì Trung Quốc theo đuổi. Trong tương lai, quy trình Quad sẽ phải tiếp tục thực hiện những lời hứa đầy tham vọng của nó.

Ở Đông Bắc Á, Chính quyền Biden đã trở nên thân thiết hơn với cả hai đời Thủ tướng Nhật Bản. Ông cũng nhanh chóng giải quyết những tranh cãi tồi tệ liên quan đến các lực lượng Mỹ đóng quân trên Bán đảo Triều Tiên mà chính quyền tiền nhiệm để lại. Đặc biệt, Mỹ và Hàn Quốc đã có một bước tiến bất ngờ đạt được “Tuyên bố kết thúc chiến tranh”. Có một học giả đã nói “chính sách Triều Tiên của một chính quyền Mỹ được đo lường bằng những sai lầm của họ”. Về điểm này, “đội” của Biden đã làm rất tốt trong việc tránh những sai lầm. Những gì họ làm được là mở ra cánh cửa ngoại giao nhưng tránh được cái bẫy nhượng bộ đơn phương; lặng lẽ củng cố khả năng phòng thủ và răn đe mà không có làm dấy lên “hỏa lực và thịnh nộ” (như đã ầm ĩ dưới thời tiền nhiệm”.

Đông Nam Á năm 2021 là một địa hình khó khăn hơn đối với chính quyền của Tổng thống Biden. Cuộc đảo chính quân sự ở Myanmar, và cách tiếp cận "đi cùng để hòa hợp" của khu vực đối với Trung Quốc là những yếu tố phức tạp. Mặc dù Mỹ đã có rất nhiều chuyến thăm của các quan chức cấp cao (ở mức đáng ngạc nhiên) đến Đông Nam Á trong năm qua và bản thân Tổng thống Biden đã tham gia Hội nghị cấp cao ASEAN trực tuyến, nhưng dịch bệnh đã cản trở sự can dự mạnh mẽ của Mỹ mà khu vực này mong muốn.

Mối quan hệ với Australia cũng phát triển mạnh mẽ và bất chấp việc triển khai thỏa thuận AUKUS còn có chút sơ suất, khiến người Pháp tức giận. Việc thành lập một tập đoàn công nghệ quốc phòng tiên tiến có mối quan hệ với một đối tác lớn như Vương quốc Anh, là một động thái quan trọng, mang tính chiến lược. Giống như Quad 2.0, AUKUS phản ánh mức độ tham vọng và sáng tạo một cách ấn tượng.

Lỗ hổng kinh tế

Tuy nhiên, khi đánh giá cách tiếp cận tổng thể của chính quyền Biden đối với khu vực trong năm đầu tiên hoạt động, việc không có một chương trình nghị sự kinh tế và thương mại đáng tin cậy có thể là thiếu sót lớn. Xét cho cùng, đấu trường kinh tế mới là chiến trường thực sự ở châu Á. Được thể hiện qua việc Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) có hiệu lực vào đầu tháng 1.2022 và Hiệp định Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) ba năm trước, các hiệp định thương mại trong khu vực được đánh giá là phương tiện cực kỳ quan trọng để đạt được tăng trưởng, đổi mới và phát triển - cũng như những bổ sung cần thiết cho chương trình nghị sự chiến lược. Các quốc gia trong khu vực muốn rằng các hiệp định thương mại có sự tham gia của Mỹ vừa là một phương tiện để bảo đảm quyền tiếp cận các sản phẩm và dịch vụ sáng tạo của Mỹ, chưa kể đến thị trường béo bở của Hoa Kỳ, vừa để cân bằng với Trung Quốc.

Tuy nhiên, thực tế là không ai trong số họ chờ đợi được Washington tiến vào các thỏa thuận thương mại - một vấn đề bị mắc kẹt trong những vấn đề chính trị trong nước của Mỹ. Và trong thời gian đó, Trung Quốc đang có những bước tiến đáng kể để lấp đầy khoảng trống này bằng cách tăng cường chuỗi cung ứng khu vực, thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế và định hình các quy tắc về thương mại và đầu tư. Và, một cách khá trớ trêu, tháng 9 năm ngoái, Bắc Kinh đã đệ trình đơn chính thức gia nhập CPTPP, hiệp định tiêu chuẩn cao do Mỹ thúc đẩy, nhưng lại bị chính quyền tiền nhiệm từ bỏ.

Rõ ràng Chính quyền Biden nhận thấy sự cần thiết của cuộc chơi kinh tế ở châu Á để bảo vệ và củng cố thành công thương mại mà các doanh nghiệp Hoa Kỳ đã đạt được ở khu vực. Đó là lý do tại sao trong những ngày cuối năm 2021, lãnh đạo Mỹ không ngừng đề cập đến cái gọi là “Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương mới” để giải quyết các ưu tiên như khả năng phục hồi chuỗi cung ứng, kinh tế kỹ thuật số và quyền của người lao động. Tuy nhiên, dù Khuôn khổ này có thành công trong việc tăng cường sự can dự kinh tế của Mỹ trong khu vực, thì nó thể là giải pháp thay thế thuyết phục cho CPTPP, vốn đã dần tạo được uy tín và sức hấp dẫn. Sự hấp dẫn ngày càng tăng của CPTPP trong khu vực và quyết định tham gia của Bắc Kinh, đòi hỏi Mỹ cần có một cái nhìn mới về lựa chọn này trong năm thứ hai của Chính quyền Biden.

Khi các chuyên gia đánh giá chính sách châu Á của Mỹ trong một năm qua (20.1.2021 - 20.1.2022), “đội của Biden” xứng đáng được đánh giá cao trong việc xây dựng lại các liên minh và quan hệ đối tác đồng thời tăng cường khả năng cạnh tranh trên sân nhà. Nhưng thách thức tiếp theo là tạo ra những kết quả hữu hình có thể giúp làm cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2022 ổn định hơn, thịnh vượng, dân chủ, kết nối, lành mạnh và chuẩn bị tốt hơn cho bất kỳ một nguy cơ “thiên nga đen” nào tiếp theo.

Đạt Quốc