Kỷ nguyên mới của liên minh lâu đời

- Thứ Tư, 19/05/2021, 06:06 - Chia sẻ
Trong tuần này, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sẽ thăm Mỹ để hội kiến ​​với Tổng thống Joe Biden. Đó là ưu tiên thích hợp đối với Hàn Quốc, một trong những quốc gia quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của Mỹ khi các mối quan tâm lớn của Washington chuyển sang Đông Á. Chuyến thăm sẽ là thời điểm thích hợp để Nhà Trắng công bố kỷ nguyên mới của liên minh 68 năm tuổi.

Tầm quan trọng của xứ Kim Chi

Theo Foreign Policy, nhiều nhà phân tích Mỹ đánh giá, Hàn Quốc không chỉ là nền dân chủ giàu có ở tuyến đầu của trật tự thế giới tự do, mà còn có tác động lớn về mặt địa chính trị. Trong năm qua, ngành công nghệ Hàn Quốc đã chứng minh đất nước này đóng vai trò thiết yếu như thế nào đối với nền kinh tế toàn cầu và Mỹ, và nói rộng ra là chính trị, an ninh quốc gia của nước này.

	Nguồn: AFP
Nguồn: AFP

Cuộc khủng hoảng chất bán dẫn gần đây cho thấy tầm quan trọng của Hàn Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Do các đợt ngừng hoạt động trên toàn thế giới, nhu cầu về chất bán dẫn - yếu tố cần thiết cho thiết bị điện tử tiêu dùng, thiết bị văn phòng và điện toán đám mây - đã tăng lên mức cao chưa từng có. Tuy nhiên, nguồn cung chất bán dẫn không thể theo kịp nhu cầu phần lớn là do những tắc nghẽn ở cấp độ chế tạo - cụ thể là quy trình lắp ráp chip vật lý theo thiết kế của các công ty khác - vốn bị chi phối bởi các công ty Hàn Quốc và Đài Loan. Tác động địa chính trị của thành trì này của Hàn Quốc và Đài Loan đáng kể đến mức một số nhà phân tích đã gọi họ là “OPEC mới”, với các con chip đóng vai trò như cung cấp dầu mỏ cho thế kỷ XXI. 

Sự nổi bật của Hàn Quốc trong lĩnh vực pin xe điện (EV) cũng minh họa cho sự hội nhập giữa các nền kinh tế của Mỹ và Hàn Quốc. Năm nay, vụ kiện tụng lớn giữa hai công ty hàng đầu Hàn Quốc là LG Energy Solution và SK Innovation đã gây chấn động toàn ngành công nghiệp ô tô, khi LG cung cấp pin cho General Motors và Hyundai/ Kia EV, trong khi SK cung cấp cho Ford và Volkswagen. Hầu hết cuộc chiến giữa các tập đoàn khổng lồ của Hàn Quốc xảy ra ở Mỹ. LG và SK kiện nhau trước Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC), cố gắng hạn chế các nhà máy của nhau đặt tại Michigan đối với LG và Georgia đối với SK.

Khi SK thua kiện và đối mặt với khả năng đóng cửa nhà máy ở Georgia, Thống đốc bang Brian Kemp và các Thượng nghị sĩ Jon Ossoff, Raphael Warnock đã thay mặt SK vận động hành lang với Nhà Trắng. Cuối cùng, Tổng thống Joe Biden - người có quyền phủ quyết phán quyết của ITC - gây áp lực đối với hai công ty cho đến khi LG chấp nhận 1,8 tỷ USD từ SK để giải quyết vụ việc, vì chương trình cơ sở hạ tầng trị giá 2,3 nghìn tỷ USD của ông cũng phụ thuộc vào chuỗi cung ứng xe điện mà cả LG và SK đều là những liên kết quan trọng. Sự tồn tại của nhà máy SK có thể hiểu là Georgia, vốn là bang dao động quan trọng, cũng sẽ giúp ông Biden có cơ hội tái đắc cử vào năm 2024.

Cần khuôn khổ hợp tác mới

Hàn Quốc đang có mối quan hệ sâu sắc với Mỹ, nhưng bản thân liên minh này cũng cần khuôn khổ hợp tác mới. Thật không may, chính sách đối ngoại của Washington vẫn có thái độ phổ biến khi Hàn Quốc là một trong những quân cờ đối phó với Triều Tiên hoặc là đối tác cấp dưới của Nhật Bản, nơi giúp chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á hoạt động trơn tru. Tuy nhiên, một số nhà phân tích Mỹ cho rằng đây là một sai lầm. Theo họ, với tầm quan trọng của mình, Hàn Quốc phải được đánh giá trên phương diện riêng, chứ không phải là "cầu thủ dự bị".

Thật vậy, việc không coi trọng Hàn Quốc đã làm tổn hại chính sách đối ngoại của Mỹ ở châu Á. Việc đánh giá Hàn Quốc chỉ dựa trên mức độ chặt chẽ của các kế hoạch của nước này về Triều Tiên với kế hoạch của Mỹ đã gây ra xung đột không cần thiết trong liên minh. Ấn tượng về việc Washington coi trọng mối quan hệ với Tokyo hơn với Seoul đã cản trở sự hợp tác ba bên giữa Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc, vì Seoul có thể nghi ngại rằng Washington đang buộc Hàn Quốc phải lệ thuộc vào lợi ích của mình, như tìm công lý và hòa giải cho tội ác chiến tranh của đế quốc Nhật Bản của chính quyền Tokyo.

Tuy nhiên, có vẻ như Mỹ nhận ra tầm quan trọng của Hàn Quốc. Ngoài việc đón Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in sớm trong nhiệm kỳ của Tổng thống Biden, Nhà Trắng đã cử nhiều quan chức cấp cao tới Seoul, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. Gần đây nhất, chuyến thăm Seoul của Giám đốc tình báo quốc gia Mỹ Avril Haines đã gây xôn xao trên báo chí Hàn Quốc như một dấu hiệu tích cực cho sức mạnh của liên minh, vì việc một quan chức tình báo công khai chuyến công du quốc tế là điều khá hiếm. Tất cả những điều đó làm tăng thêm khả năng thành công cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Biden và Tổng thống Moon.

Đối với nhiều người theo dõi Hàn Quốc, chính sách về Triều Tiên của chính quyền Tổng thống Biden cho đến nay là khá thất vọng. Việc chính quyền Mỹ từ chối bổ nhiệm đại diện đặc biệt về Triều Tiên, người kế nhiệm cựu Thứ trưởng Ngoại giao Stephen Biegun dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump cho thấy sự thiếu cấp bách. Họ cho rằng, điều này đặc biệt kém khi vào tháng 4, Trung Quốc đã bổ nhiệm nhà ngoại giao nổi tiếng Lưu Hiểu Khánh vào vị trí tương đương trong Bộ Ngoại giao của mình.

Nhà Trắng đã phạm phải những sai sót không thể chối cãi khi tỏ ra đứng ngoài cuộc với Seoul trong việc xây dựng chính sách đối với Triều Tiên, chẳng hạn như đưa vấn đề hạt nhân Triều Tiên vào ưu tiên trong tuyên bố sứ mệnh của Bộ Tứ - sự lựa chọn gây tò mò cho một tổ chức có chức năng được cho là để đối lại Trung Quốc. Hơn nữa, sự chú trọng quá mức vào hợp tác ba bên giữa Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản đối với Triều Tiên đang trở nên trầm trọng, vì Hàn Quốc rõ ràng là bên liên quan trực tiếp hơn Nhật Bản trong thiết lập hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên.

Cơ hội điều chỉnh

Hội nghị thượng đỉnh Biden - Moon sẽ là cơ hội tốt để điều chỉnh hướng đi. Washington không thể bị động trong vấn đề Triều Tiên. Vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng sẽ không biến mất nếu Mỹ phớt lờ. Ngay cả khi Mỹ không còn ưu tiên đối phó với Triều Tiên, Chủ tịch Kim Jong Un có thể đưa Bình Nhưỡng lọt vào danh sách những việc cần làm của Tổng thống Biden bằng cách bắn tên lửa hoặc thử vũ khí hạt nhân, khiến phản ứng của Mỹ trở nên khó khăn hơn.

Trong khi đó, Tổng thống Moon Jae-in cho đến nay đã đầu tư lượng lớn vốn chính trị vào việc thiết lập hòa bình liên Triều và mong muốn để lại di sản lâu dài trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào năm tới. Một khởi đầu tốt đẹp có thể là sự khẳng định chính thức của Tổng thống Biden về thỏa thuận Singapore 2018, trong đó Mỹ và Triều Tiên cam kết “thiết lập mối quan hệ mới giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên” và “xây dựng một chế độ hòa bình lâu dài và ổn định trên bán đảo Triều Tiên”.

Để khởi động cho nền ngoại giao liên Triều đang bị đình trệ, Tổng thống Biden cũng có thể đưa ra tuyên bố chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên (về mặt kỹ thuật là trong tình trạng ngừng bắn vô thời hạn) hoặc các biện pháp trừng phạt hạn chế đối với các dự án kinh tế liên Triều được chọn, chẳng hạn như tuyến đường sắt liên Triều, để đổi lấy những bước đầu tiên trong quá trình phi hạt nhân hóa của Triều Tiên. Tất cả những điều đã nói ở trên đều phù hợp với chính sách về Triều Tiên đã nêu của chính quyền Tổng thống Biden, vốn nhấn mạnh “cách tiếp cận thực tế, đã được hiệu chỉnh đối với ngoại giao”.

Đối với Trung Quốc, các nhà phân tích Mỹ cho rằng, nên tránh đòi hỏi sự trung thành hoàn toàn từ Hàn Quốc. Trên thực tế, công chúng Hàn Quốc, bao gồm cả các cử tri theo chủ nghĩa tự do hoàn toàn ủng hộ Mỹ so với Trung Quốc. Trong các lĩnh vực quan trọng như chuỗi cung ứng công nghệ cao, Hàn Quốc đã chọn Mỹ. Ngoài các nhà máy pin EV ở Michigan và Georgia đã nói ở trên, Samsung Electronics đang có kế hoạch đầu tư 17 tỷ USD cho một nhà máy bán dẫn mới ở Austin, Texas. Tuy nhiên, với vị trí gần Trung Quốc và nền kinh tế khổng lồ của mình, Hàn Quốc sẽ tìm cách tránh gây bất lợi trực tiếp cho Bắc Kinh trong phạm vi có thể.

Ký ức về vụ THAAD (Hệ thống phòng thủ khu vực tầm cao giai đoạn cuối) vẫn còn nguyên trong tâm trí người dân Hàn Quốc, khi Trung Quốc tấn công Hàn Quốc bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt vì triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa này để bảo vệ lực lượng Mỹ đóng tại Hàn Quốc trong khi chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump không làm gì cả. Tổng thống Joe Biden có thể khôi phục niềm tin đã bị phá vỡ, rằng Mỹ sẽ đứng lên làm đồng minh đối lại Trung Quốc, nhưng việc đó sẽ mất thời gian. Cho đến lúc đó, sẽ không khôn ngoan nếu Nhà Trắng thúc đẩy chính quyền của ông Moon thực hiện các lập trường công khai phản đối Trung Quốc, chẳng hạn như gia nhập Bộ Tứ hoặc tuyên bố ủng hộ Đài Loan. Theo các nhà quan sát Mỹ, hướng đi tốt hơn sẽ là xây dựng những cây cầu vững chắc hơn trong các lĩnh vực ít có khả năng gây ra tranh cãi, chẳng hạn như hợp tác sản xuất vaccine ngừa Covid-19 hoặc giảm lượng khí thải carbon để ứng phó với biến đổi khí hậu.

Trung Quốc sẽ vẫn là thách thức hàng đầu đối với Mỹ trong nhiều thập kỷ, và họ cần Hàn Quốc ở bên cạnh trong suốt những thập kỷ đó. Khi ưu tiên chính của chính sách ngoại giao Mỹ di chuyển từ châu Âu sang châu Á, một nền dân chủ châu Á thịnh vượng như Hàn Quốc cũng quan trọng đối với đất nước cờ hoa như bất kỳ đồng minh châu Âu nào. Vì vậy, các nhà quan sát Mỹ cho rằng, với cách tiếp cận đúng đắn, Hội nghị Thượng đỉnh Biden - Moon có thể được ghi nhớ như là thời điểm mà Mỹ đã giành chiến thắng trong thế kỷ XXI.

Linh Anh