Phát triển kinh tế phải đảm bảo hài hòa, cân bằng với môi trường tự nhiên
Phát biểu tại buổi Lễ, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho biết, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong bối cảnh nguồn tài nguyên ngày càng suy thoái, cạn kiệt, môi trường bị ô nhiễm, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp. Xây dựng kinh tế tuần hoàn đã được xác định là một trong những định hướng phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030.
Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đã thể chế hóa chủ trương của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án ... Vì vậy, chuyển đổi mô hình hoạt động sang kinh tế tuần hoàn là cơ hội lớn để các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó, có Tập đoàn Nước giải khát Tân Hiệp Phát phát triển nhanh, bền vững, hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế.
Để hoạt động này đạt kết quả tốt nhất, các đơn vị tổ chức cần thống nhất trong nhận thức và hành động để triển khai có trách nhiệm, nâng cao nhận thức cộng đồng trong phân loại rác. Đồng thời, cần tiếp tục triển khai đồng loạt các hoạt động trên phạm vi toàn thành phố Phủ Lý và tỉnh Hà Nam sau khi có kết quả thử nghiệm. Trong quá trình thực hiện, cần có đánh giá, tổng kết để hoàn thiện và nghiên cứu đưa các hoạt động vừa có chiều sâu, có tính sáng tạo, dễ hiểu, dễ áp dụng.
Tại Lễ ký kết, Tổng Biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường Hoàng Mạnh Hà cho biết, lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác triển khai Hoạt động nâng cao nhận thức về phân loại rác tại nguồn hướng đến kinh tế tuần hoàn tại TP. Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, giai đoạn 2022 – 2025, là sự kiện đặc biệt ý nghĩa và quan trọng của Báo trong năm 2022, khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay cùng với các Nghị định, Thông tư hướng dẫn của Chính phủ và của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Chia sẻ về những nỗ lực phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường tại địa phương, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Anh Chức cho biết, tỉnh Hà Nam luôn xác định, việc phát triển kinh tế phải đảm bảo hài hòa, cân bằng với môi trường tự nhiên, sử dụng hiệu quả và hợp lý các nguồn tài nguyên, tăng trưởng kinh tế luôn gắn liền với bảo vệ môi trường sống và sức khỏe cho người dân.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, ý thức phân loại rác tại nguồn của nhiều người dân địa phương chưa tốt, dẫn đến việc thu gom, phân loại và xử lý rác thải mất nhiều thời gian và công sức, gây lãng phí nguồn lực và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường.
Lãnh đạo tỉnh Hà Nam đánh giá cao và cam kết ủng hộ, tạo mọi điều kiện tốt nhất để thực hiện hoạt động hợp tác lần này, góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của người dân địa phương về phân loại rác tại nguồn.
Tân Hiệp Phát - đi đầu xây dựng ngành tái chế nhựa
Cũng tại buổi Lễ, bà Trần Uyên Phương, Phó Tổng Giám đốc Thường trực Công TNHH Dịch vụ - Thương mại Tân Hiệp Phát chia sẻ về triết lý kinh doanh, cũng như những hoạt động thiết thực trong quá trình vừa phát triển thương hiệu, vừa bảo vệ môi trường của Tập đoàn Tân Hiệp Phát. Tập đoàn Tân Hiệp Phát cũng là một trong những doanh nghiệp đi đầu xây dựng ngành công nghiệp thu gom, xử lý và tái chế bao bì và các sản phẩm thải bỏ từ nhựa. Ngày 15.10.2021 vừa qua, Tập đoàn đã hoàn thành lắp ráp và nghiệm thu lô sản phẩm tái chế nhựa đầu tiên tại Hậu Giang, đánh dấu bước thành công đầu tiên của dự án trọng điểm phát triển kinh tế tuần hoàn của Tập đoàn. Hiện, Công ty cũng đã có 4 nhà máy sản xuất các sản phẩm của Tân Hiệp Phát tại Bình Dương, Hà Nam, Hậu Giang, Chu Lai và xuất khẩu được tới 20 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Biên bản ghi nhớ sẽ triển khai kế hoạch hoạt động nâng cao nhận thức cộng đồng về phân loại rác tại nguồn hướng đến kinh tế tuần hoàn tại Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam sẽ là chuỗi nhiều hoạt động, sự kiện được lên kế hoạch cụ thể, chi tiết từ việc tập huấn về phân loại rác cho từng tổ dân phố, lực lượng thu gom; hỗ trợ người dân các trang bị thiết yếu để tự phân loại rác tại nhà, cho đến những buổi thu đổi rác lấy quà tặng… và hàng loạt tin, bài, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng về đường đi của rác thải nhựa sau khi được thu gom, phân loại đến khi được tái sử dụng, tái chế thành những sản phẩm có giá trị khác.
Giai đoạn 1 của hoạt động trên sẽ được triển khai từ ngày 1.8.2022 đến hết 31.12.2022 trên địa bàn 3 phường của TP. Phủ Lý: Phường Lương Khánh Thiện, phường Minh Khai và phường Trần Hưng Đạo; bao gồm công tác chuẩn bị, tập huấn; hỗ trợ thùng chứa rác chuẩn về phân loại, túi đựng rác đã phân loại tại nguồn; tổ chức thí điểm thu gom phân loại rác tại nguồn trong cộng đồng dân cư, tổ chức ngày hội đổi rác lấy quà vào các ngày cuối tuần... Sau đó tổng kết rút kinh nghiệm để có thể triển khai trên 18 xã phường còn lại của TP. Phủ Lý trong các năm tiếp theo.