Phát huy tinh thần đổi mới
Chiều nay, 20.10, tại Nhà Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã chủ trì họp báo quốc tế về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XV.
Phát biểu tại họp báo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cảm ơn các nhà báo trong nước và quốc tế đã quan tâm theo dõi và đặt nhiều câu hỏi về công tác tổ chức Kỳ họp cũng như các nội dung sẽ được trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Kỳ họp thứ Tám được tổ chức ngay sau thành công tốt đẹp của Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII với tinh thần năm 2024 và năm 2025 là thời gian cả nước tập trung bứt phá, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ của Đại hội XIII của Đảng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ để bước vào năm 2026 và Đại hội XIV của Đảng, “đưa nước ta bước vào giai đoạn mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”, như phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, vừa qua, Việt Nam chúng ta tăng trưởng tốt nhưng vẫn còn thấp, cần phải có những biện pháp mạnh hơn, quyết liệt hơn, quyết tâm hơn, khoa học hơn để bứt phá trong thời gian tới, đưa đất nước bước vào một kỷ nguyên mới.
"Kỳ họp thứ Tám tổ chức ngay sau Hội nghị Trung ương thì phải thể hiện được tinh thần quyết tâm ấy, với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt nhất, đồng bộ nhất và với các giải pháp mới, với tư duy mới, để thực hiện hiệu quả, phấn đấu đạt các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra và khẳng định tầm vóc của đất nước ta, khẳng định sự lớn mạnh của dân tộc ta trong bối cảnh tình hình thế giới rất phức tạp hiện nay", Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Khái quát một số điểm mới của Kỳ họp thứ Tám, Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, với tính chất quan trọng của Kỳ họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm sẽ phát biểu tại phiên khai mạc.
Đây là kỳ họp có nhiều nội dung nhất, nhiều vấn đề lớn, nhiều dự án luật lớn với phương pháp tiếp cận làm việc mới, trong đó có các đề án, chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội. Quốc hội cũng xem xét việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.
Với rất nhiều nội dung mới, số lượng đề án, tài liệu phục vụ kỳ họp lớn như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp nhiều phiên và đã làm việc với Chính phủ, vì thế, tài liệu kỳ họp đã được gửi sớm hơn so với những kỳ họp trước.
Cụ thể, với tổng cộng 31 nội dung thuộc công tác lập pháp, 16 nội dung về các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề quan trọng khác của đất nước cùng trên 80 đề án, đến giờ phút này, có 132/154 đầu tài liệu chính thức và 144 đầu tài liệu tham khảo đã được gửi đến đại biểu Quốc hội. Như vậy, tỷ lệ tài liệu gửi trước cho đại biểu rất cao và có những tài liệu đã gửi trước một tháng.
Một điểm mới nữa là Quốc hội dự kiến sẽ họp 4 ngày thứ Bảy và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ họp một ngày thứ Bảy để cho ý kiến về 4 nội dung chưa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, với tinh thần “Chính phủ trình lúc nào, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét lúc ấy” và “Ủy ban Thường vụ sẵn sàng làm việc vào cả buổi tối”.
Cùng với đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất với Chính phủ và xin ý kiến đại biểu Quốc hội thống nhất về việc giảm thời gian đọc tài liệu trên hội trường để dành thêm thời gian cho Quốc hội thảo luận; tăng thảo luận ở tổ và giảm thảo luận tại hội trường về kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước để nhiều đại biểu phát biểu hơn.
Sau khi thảo luận tại tổ, Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Ban Thư ký sẽ tổng hợp ý kiến của đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ; cơ quan chủ trì đề án là các bộ phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban của Quốc hội sẽ làm văn bản tiếp thu, giải trình các ý kiến thảo luận tổ của đại biểu Quốc hội và gửi đại biểu Quốc hội để đến khi lên hội trường các đại biểu không phát biểu lại những vấn đề đã được tiếp thu, giải trình, nhằm tiết kiệm thời gian, nâng cao hiệu quả làm việc. Quốc hội cũng sẽ tăng thời lượng các nội dung thảo luận được truyền hình trực tiếp trên kênh Truyền hình Quốc hội để Nhân dân có điều kiện theo dõi và giám sát hoạt động Quốc hội.
Tư duy xây dựng pháp luật cần có tính bứt phá
Liên quan đến đổi mới tư duy trong công tác lập pháp, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, đổi mới tư duy xây dựng pháp luật là vấn đề Đảng và Nhà nước ta quan tâm từ lâu. Trong những năm qua, công tác xây dựng pháp luật đã có bước tiến rất dài, hệ thống pháp luật cơ bản đồng bộ, hoàn thiện và đóng góp rất tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội. Bước sang giai đoạn mới với tư duy mới, nhiệm vụ xây dựng pháp luật cũng cần đổi mới có tính bứt phá.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu nhiệm vụ, giải pháp chiến lược về tiếp tục xây dựng pháp luật đồng bộ gắn với tổ chức thi hành pháp luật, xây dựng pháp luật phải gắn với tổ chức thi hành pháp luật, đưa pháp luật mau chóng vào cuộc sống.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp và ra Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới. "Trong Nghị quyết này có rất nhiều tư tưởng mới về đổi mới xây dựng pháp luật nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước, yêu cầu phát triển dân tộc trong giai đoạn mới", Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết.
Theo đó, Nghị quyết số 27-NQ/TW nêu phải đổi mới công tác xây dựng pháp luật gắn với tổ chức thi hành pháp luật và chú ý đến vấn đề đúng thẩm quyền của các cơ quan. Trong quá trình xây dựng pháp luật có nhiều khâu, từ xây dựng chương trình đến dự thảo, thẩm tra, thẩm định, thảo luận rồi đến tiếp thu, hoàn chỉnh rồi đến ban hành… rất nhiều khâu và rất nhiều cơ quan tham gia.
“Cơ quan nào làm tốt việc của cơ quan đó thì cơ quan sau đỡ khổ. Với tinh thần như vậy, Quốc hội làm đúng việc của Quốc hội, những việc của Chính phủ thì Chính phủ làm. Nghị quyết số 27-NQ/TW cũng nêu quan điểm “phát huy tính năng động, sáng tạo, tích cực, vai trò, trách nhiệm của các chủ thể, đặc biệt là Chính phủ trong quy trình lập pháp”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Chia sẻ ý kiến của phóng viên về việc lâu nay các đại biểu Quốc hội yêu cầu luật phải cụ thể để thực hiện được ngay, tránh tình trạng “đẻ” thêm giấy phép con, “đẻ” thêm các quy định gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, “không phải vì tránh những khó khăn ấy mà luật quy định hết. Luật chỉ quy định những vấn đề đúng tầm Luật, cái gì ở tầm nghị định thì cứ ở nghị định, không thể nói vì quy định trong nghị định đã thực hiện ổn định, được thực tiễn kiểm nghiệm rồi nên nâng lên thành luật. Vừa qua, có câu chuyện nâng các quy định trong Nghị định, thậm chí cả một số quy định trong Thông tư cũng nâng lên thành luật”.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, tư tưởng trên đã được quán triệt trong Trung ương, được Trung ương thống nhất tại Nghị quyết số 27, được Bộ Chính trị giao Đảng Đoàn Quốc hội xây dựng một đề án về đổi mới quy trình xây dựng pháp luật khoa học, chuyên nghiệp, kịp thời, khả thi, hiệu quả, hay còn gọi là quy trình 10 chữ. Bây giờ quy trình đã khoa học, chuyên nghiệp, kịp thời, khả thi, hiệu quả rồi, nhưng sắp tới phải có tư duy mới.
Trao đổi rõ hơn về đổi mới tư duy pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phải chuyển từ nặng về quản lý sang vừa quản lý tốt, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, khơi thông nguồn lực phát triển.
“Các nhà khoa học nói luật là hành lang pháp lý, là khung khổ pháp lý. Hành lang càng rộng thì sáng tạo càng nhiều. Hành lang mà chật, chi tiết quá thì sẽ trói buộc sự sáng tạo. Cho nên, dành sự sáng tạo đó cho Chính phủ, cho các cơ quan quản lý, nhưng đi kèm với đó là yêu cầu không được làm phiền người dân, doanh nghiệp, phải khơi thông nguồn lực, phải thúc đẩy phát triển”.
Nhấn mạnh như vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ rõ, để thực hiện được thì quay trở lại vấn đề giám sát: Quốc hội, HĐND phải tiến hành giám sát chặt chẽ, và phải giám sát ngay từ đầu, ngay từ khi chính sách chưa được ban hành chứ không phải chính sách ban hành rồi, thực hiện rồi mới đi giám sát. Cùng với đó, giám sát cũng phải có sự phối hợp, kế thừa sản phẩm của nhau, tránh tình trạng các cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, kiểm toán đi quá nhiều gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
“Tất cả những tư tưởng đổi mới trên sẽ được thể hiện tại Kỳ họp thứ Tám, thông qua phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và từng nội dung trình Quốc hội. Tư tưởng trên đã triển khai ngay tại Phiên họp thứ 37, 38 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Trong đổi mới tư duy pháp luật, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, tư duy làm luật khác, tư duy làm nghị quyết khác, tư duy làm văn bản của địa phương phải khác. “Tinh thần là việc của ai thì trả về cho người đó, ai làm tốt nhất thì giao cho người đó làm kèm theo giao việc gắn với bảo đảm điều kiện thực hiện. Giao việc mà không có người làm thì khó.”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.
Thông tin về công tác nhân sự tại Kỳ họp thứ Tám, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết, tại phiên họp trù bị diễn ra vào sáng mai (21.10), Quốc hội sẽ xem xét các nội dung dự kiến trình Kỳ họp và xem xét thông qua chương trình Kỳ họp Quốc hội, trong đó có nội dung về công tác nhân sự sẽ được Quốc hội xem xét thông qua trong chương trình chính thức của Kỳ họp.
Theo chương trình dự kiến của Kỳ họp trình Quốc hội thông qua, tại ngày họp đầu tiên (21.10), Quốc hội sẽ tiến hành quy trình nhân sự với chức danh Chủ tịch nước theo quy định của Hiến pháp và pháp luật.
Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh, tại Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua đã biểu quyết thống nhất giới thiệu nhân sự đủ điều kiện và sẽ trình để Quốc hội bầu giữ chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo quy định.
Ngoài ra, Quốc hội cũng bố trí thời gian trong chương trình để thực hiện công tác nhân sự khác thuộc thẩm quyền.
Tại họp báo, Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phạm Thúy Chinh; Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu và đại diện một số cơ quan của Quốc hội đã trả lời câu hỏi của các phóng viên trong nước và quốc tế về: đổi mới tư duy xây dựng pháp luật; chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam; chính sách thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất…