Trước hết, đây là Kỳ họp có khối lượng nội dung về công tác lập pháp nhiều nhất kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Với tỷ lệ tán thành cao, Quốc hội đã thông qua 11 luật và 21 nghị quyết (trong đó có 3 nghị quyết quy phạm pháp luật); đồng thời, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu với 11 dự án luật khác.
Quan sát từ nghị trường có thể thấy, các dự thảo luật, nghị quyết đã được các đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến sâu sắc, chất lượng cao trong một tầm nhìn dài hạn. Tính hợp lý, tính khả thi, những được - mất, những tác động của các chính sách được cân nhắc kỹ lưỡng và thấu đáo trước khi đưa ra quyết định. Ví dụ các phương án rút bảo hiểm một lần trong Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); hay quy định cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn trong Luật Đường bộ; hay thay đổi hiệu lực thi hành của Luật Đất đai năm 2024, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2023, Luật Nhà ở năm 2023… Trên nền tảng chất lượng đó, kỷ lục trong hoạt động lập pháp của Kỳ họp thứ Bảy chắc chắn sẽ góp phần hoàn thiện thể chế, tạo động lực mới, mở đường cho đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững đất nước.
Hoạt động giám sát cũng ghi dấu ấn đậm nét với phiên chất vấn sôi nổi và thẳng thắn. Các đại biểu và các bộ trưởng, trưởng ngành đã hoàn toàn thích nghi với đổi mới trong phương thức tiến hành phiên chất vấn theo hướng hỏi nhanh, đáp gọn. Hàng trăm đại biểu đăng ký và chất vấn; nhiều đại biểu bấm nút tranh luận. Phần trả lời của các Phó Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành cơ bản rõ ràng, thẳng thắn cả về những việc đã làm được, chưa làm được và giải pháp trong thời gian tới. Đây là những minh chứng sinh động nhất cho thấy tinh thần giám sát đến cùng và lợi ích của người dân, lợi ích của đất nước đã được đặt lên trên tất thảy.
Tại Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội đã quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước. Trong đó, việc Quốc hội quyết định đầu tư dự án cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) sẽ mở ra một chương phát triển mới cho Tây Nguyên và Đông Nam Bộ cũng như tăng cường bảo đảm an ninh, quốc phòng. Quốc hội trao những cơ chế đặc thù cho Nghệ An, Đà Nẵng… không chỉ nhằm tạo động lực tăng trưởng đột phá cho các địa phương này mà còn nhằm tạo tiền đề cho đất nước trong hành trình tiến kịp thế giới.
Bên cạnh đó, quyết sách của Quốc hội về cải cách tiền lương, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, ưu đãi người có công và trợ cấp xã hội từ ngày 1.7 tới đây mang lại niềm vui lớn lao cho những đối tượng thụ hưởng. Trong bối cảnh chưa thực hiện được các bảng lương và phụ cấp mới của khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW, việc tăng lương là hết sức cần thiết nhằm góp phần cải thiện, nâng cao đời sống cho người hưởng lương, tạo động lực nâng cao năng suất lao động và hiệu quả làm việc.
Đặc biệt, tại Kỳ họp thứ Bảy, công tác nhân sự đã được thực hiện chặt chẽ theo đúng quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước. Quốc hội đã tiến hành bầu Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; phê chuẩn bổ nhiệm Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an; phê chuẩn Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh, đồng thời tiến hành công tác nhân sự khác theo thẩm quyền. Công tác nhân sự đã đạt được sự đồng thuận, thống nhất cao của các vị đại biểu Quốc hội.
Với những dấu ấn nổi bật, có thể nói Kỳ họp thứ Bảy đã kết thúc tốt đẹp. Để những quyết sách đúng, trúng, kịp thời của Quốc hội phát huy hiệu quả trong thực tế, ngay sau đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai khẩn trương và quyết liệt. Công tác giám sát của các cơ quan dân cử cũng phải được chú trọng để góp phần nhanh chóng đưa luật, đưa nghị quyết vào cuộc sống.