Xanh hóa sản xuất tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp

- Thứ Tư, 17/04/2024, 20:57 - Chia sẻ

Sáng 17.4, Báo Điện tử VOV tổ chức Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam với chủ đề Đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh.

dien dan doanh nghiep viet nam Day manh phat trien kinh te xanh hinh anh 1

Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Đỗ Tiến Sỹ cho rằng, kinh tế xanh, tăng trưởng xanh là chiến lược để phát triển bền vững thông qua kết hợp giữa tiến bộ công nghệ, đổi mới sáng tạo xanh tại doanh nghiệp và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Thực tế đã chứng minh, tăng trưởng xanh giúp đạt được mục tiêu kép về phát triển kinh tế và hạn chế tác hại đến môi trường, thúc đẩy phát triển bền vững.

Nhận thức được tầm quan trọng của tăng trưởng xanh tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Việt Nam đã có chủ trương, định hướng về thúc đẩy quá trình chuyển dịch để hướng đến tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn. Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII khẳng định chủ trương phát triển nhanh và bền vững đất nước và phát triển kinh tế xanh.

Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, kế hoạch hành động và chỉ đạo điều hành về phát triển kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững, bảo vệ môi trường. Trong đó, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đặt ra mục tiêu tăng trưởng xanh góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nhằm đạt được thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội; hướng tới nền kinh tế xanh, trung hòa carbon và đóng góp vào mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu.

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu; môi trường, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt; chuyển đổi xanh đang là xu hướng tất yếu của sự phát triển. Trong các doanh nghiệp, việc từng bước xanh hoá sản xuất đang trở thành xu thế tất yếu và tạo ra lợi thế cạnh tranh. Vì thế, việc chuyển đổi không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để xây dựng được chiến lược phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất, ông Sỹ nhấn mạnh.

Tại diễn đàn, các đại biểu chỉ ra những khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế xanh, kinh tế số. Đó là hơn 97% doanh nghiệp là nhỏ và và vừa; chỉ khoảng 5% doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; khoảng 70% doanh nghiệp sử dụng công nghệ trung bình. Phần lớn doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn đầu tư cho công nghệ xanh, công nghệ số, do thị trường vốn cho các dự án công nghệ xanh như trái phiếu xanh, chứng khoán xanh mới ở giai đoạn sơ khai…

Để thúc đẩy kinh tế xanh, đổi mới công nghệ là chìa khóa. Việt Nam cần chú trọng thực hiện tăng cường đầu tư, hỗ trợ công nghệ thông qua tăng đầu tư cho nghiên cứu - phát triển công nghệ mới; ưu đãi về vốn, thuế cho các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; thành lập các quỹ đầu tư mạo hiểm, hỗ trợ khởi nghiệp công nghệ. Song song với đó, cần tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý; có các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng cho đổi mới công nghệ..., các đại biểu đề xuất.

Thiên An
#