Vì sao vẫn còn 3,19% kế hoạch vốn chưa được phân bổ?

- Thứ Hai, 06/05/2024, 07:43 - Chia sẻ

Bộ Tài chính cho biết, đến nay vẫn còn 21 bộ, cơ quan Trung ương và 31 địa phương chưa phân bổ, hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đầu tư công đã được Thủ tướng giao. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 21.168 tỷ đồng, chiếm 3,19% kế hoạch vốn.

3,19% kế hoạch vốn Thủ tướng giao chưa được phân bổ

Bộ Tài chính cho biết, tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước giao năm 2024 là 732.155 tỷ đồng, gồm: kế hoạch Thủ tướng giao cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương là 663.807 tỷ đồng; kế hoạch vốn cân đối địa phương giao tăng 42.400 tỷ đồng; kế hoạch các năm trước chuyển sang là 25.948 tỷ đồng.

Đến hết tháng 4, tổng số vốn đã phân bổ là 685.038 tỷ đồng, đạt 103,2% kế hoạch vốn Thủ tướng giao. Trong đó, các địa phương giao tăng so với số kế hoạch Thủ tướng giao là 42.400 tỷ đồng. Nếu không tính số kế hoạch vốn cân đối ngân sách các địa phương giao tăng thì tổng số vốn đã phân bổ là 642.610 tỷ đồng, đạt 96,81% kế hoạch Thủ tướng đã giao.

Đẩy nhanh phân bổ vốn là tiền đề thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Nguồn: ITN.
Đẩy nhanh phân bổ vốn là tiền đề thúc đẩy giải ngân đầu tư công. Nguồn: ITN

Trong quá trình phân bổ, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã ưu tiên bố trí 97.555 tỷ đồng cho các dự án quan trọng quốc gia, dự án cao tốc, liên vùng, đường ven biển, dự án trọng điểm khác (số vốn tối thiểu phải bố trí theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ là 99.358 tỷ đồng). Số vốn còn lại chưa phân bổ do một số địa phương mới được Thủ tướng giao theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 30.3.2024 đang hoàn thiện thủ tục trình giao kế hoạch. Các dự án thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế và xã hội được phân bổ 6.112 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cho biết, có 21/44 bộ, cơ quan trung ương và 31/63 địa phương chưa phân bổ hoặc phân bổ chưa hết kế hoạch vốn đã được Thủ tướng giao năm 2024. Tổng số vốn chưa phân bổ chi tiết là 21.168 tỷ đồng, chiếm 3,19% kế hoạch Thủ tướng giao. Trong đó, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương, có 21 bộ, cơ quan trung ương và 24 địa phương chưa phân bổ với số vốn là 10.920 tỷ đồng; vốn theo ngành, lĩnh vực chưa phân bổ còn trên 9.480 tỷ đồng.

Nhiều dự án chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư

Nêu nguyên nhân chi tiết của việc chưa phân bổ hết nguồn vốn Chính phủ giao, Bộ Tài chính cho biết, đối với nguồn vốn trong nước, còn nhiều bộ, địa phương dự kiến bố trí cho các dự án khởi công mới nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư. Một số bộ, ngành, địa phương dự kiến bố trí cho các dự án, nhiệm vụ đang trình Thủ tướng cho phép kéo dài thời gian bố trí vốn để thực hiện và hoàn thành. Một số bộ, ngành, địa phương dự kiến bố trí cho các dự án, nhiệm vụ đang tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn làm căn cứ bố trí trong kế hoạch năm 2024…

Đặc biệt là 2.437 tỷ đồng từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2021 mới được Thủ tướng giao cho 4 địa phương (Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Sóc Trăng, An Giang) để thực hiện 3 dự án quan trọng quốc gia vào cuối tháng 3 vừa qua. Các địa phương này đang thực hiện thủ tục trình để giao kế hoạch cho các dự án.

Bên cạnh đó, vốn nước ngoài chưa phân bổ chi tiết trên 1.774 tỷ đồng có nguyên nhân so nhiều dự án vướng mắc trong công tác đấu thầu, hoặc đang đàm phán, hoặc gặp vướng trong ký kết hiệp định sử dụng vốn…

Ngoài ra, còn trên 1.440 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia chưa phân bổ hết do nhiều dự án khởi công mới đang thực hiện lập, phê duyệt dự án nên chưa đủ điều kiện để phân bổ vốn. Đối với nguồn vốn ngân sách địa phương còn trên 10.247 tỷ đồng chưa được phân bổ là do còn nhiều địa phương để lại phân bổ sau.

Để đẩy nhanh tiến độ phân bổ vốn và giải ngân, ngày 23.4, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương năm 2023 sang năm 2024 cho các bộ, cơ quan trung ương và địa phương; đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp ý kiến của Bộ Tài chính, khẩn trương báo cáo Thủ tướng, làm căn cứ để giải ngân số vốn được phép kéo dài.

Liên quan đến các dự án quan trọng quốc gia, Bộ Tài chính đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh An Giang, Sóc Trăng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu khẩn trương phân bổ kế hoạch vốn năm 2024 từ nguồn tăng thu ngân sách trung ương năm 2021 và tập trung chỉ đạo thực hiện giải ngân theo đúng kế hoạch được giao.

Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Giao thông Vận tải và địa phương nắm bắt được tình hình giải ngân vốn của từng dự án làm cơ sở để triển khai các giải pháp chỉ đạo, đôn đốc...

Hà Lan
#