Công khai ngân sách nhà nước

Vẫn còn khoảng trống giữa quy định với thực thi

- Thứ Tư, 30/08/2023, 08:02 - Chia sẻ

Mặc dù quy định pháp luật về công khai ngân sách nhà nước đã cơ bản đầy đủ song vẫn còn khoảng trống giữa quy định với thực thi, một phần bởi các quy định vẫn thiếu cụ thể, chặt chẽ. Đây là ý kiến tại tọa đàm "Một số thực hành tốt trong công khai ngân sách địa phương và hàm ý chính sách" do Liên minh Minh bạch Ngân sách (BTAP) phối hợp Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tổ chức sáng 29.8.

Thiếu chế tài xử lý nếu chậm hoặc không công khai

Theo ThS. Phạm Văn Long, đại diện nhóm nghiên cứu của BTAP, hiện nay, về cơ bản, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật quy định công khai ngân sách nhà nước, trách nhiệm giải trình và sự tham gia của người dân là “tương đối đầy đủ”, từ Hiến pháp 2013 đến Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Tiếp cận thông tin 2016, Luật Đầu tư công 2019, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở 2022... đến các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành. Dù vậy, “vẫn còn khoảng trống từ văn bản pháp lý đến thực tiễn”, ông Long phát biểu.

Ảnh minh họa ITN
Nguồn: ITN

Trước tiên là khoảng trống về quy định pháp lý. Liên quan đến công khai ngân sách, mặc dù quy định đây là vấn đề bắt buộc công khai song quy định về thời điểm công khai các tài liệu ngân sách như dự thảo dự toán, báo cáo tình hình thực hiện ngân sách năm còn chưa rõ ràng, khó xác định.

Cụ thể, theo Luật Ngân sách Nhà nước và Thông tư số 343/2016/TT-BTC hướng dẫn thực hiện công khai ngân sách nhà nước đối với các cấp ngân sách thì thời điểm công khai tài liệu dự thảo dự toán là trong 5 ngày làm việc kể từ khi tài liệu được gửi tới các đại biểu HĐND. Trong khi đó, đây là tài liệu rất quan trọng để lấy ý kiến thì 5 ngày sẽ khó đủ thời gian để đọc và đóng góp ý kiến; chưa kể rất khó xác định khi nào tài liệu được gửi tới đại biểu HĐND các cấp. Do đó, “ý nghĩa thực tiễn của công khai tài liệu này gần như không có”, ông Long nhận định.

Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có quy định về hình thức công khai trực tuyến đối với tài liệu ngân sách xã và các quỹ ngoài ngân sách. Mặt khác, quy định về việc công khai ngân sách xã tại trự sở UBND xã trong thời gian tối thiểu 30 ngày đang gây khó khăn cho người dân trong việc tiếp cận thông tin. Ở cấp tỉnh, hiện đang phải thực hiện lập các tài liệu ngân sách theo nhiều biểu mẫu được quy định tại các thông tư, nghị định và quy định khác nhau, gây  tốn kém về mặt thời gian cũng như nhân lực.

Đặc biệt, dù quy định công khai ngân sách là bắt buộc song hiện vẫn chưa có chế tài xử lý việc công khai chậm hoặc không công khai tài liệu ngân sách các cấp. Điều này cũng làm giảm hiệu lực của chính sách, có thể dẫn tới việc cán bộ, công chức xem nhẹ tầm quan trọng của việc công khai các tài liệu ngân sách theo quy định bắt buộc.

Liên quan đến sự tham gia của người dân, theo nhóm nghiên cứu, ở cấp độ luật và văn bản dưới luật, vẫn chưa có quy định cụ thể về việc tham gia trực tiếp của người dân vào các hoạt động quản lý nhà nước về ngân sách mà chủ yếu vẫn là tham gia gián tiếp thông qua cơ chế đại diện. Riêng đối với lĩnh vực ngân sách, người dân được phép tham gia vào chu trình ngân sách theo cơ chế đại diện theo quy định tại Điều 16, Luật Ngân sách Nhà nước nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể và chi tiết. Bởi lẽ đó, quy định này mang tính hình thức hơn là áp dụng trên thực tế.

Cần tăng trách nhiệm giải trình

Theo bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công, UNDP Việt Nam, việc thu hẹp khoảng cách trong quản trị ngân sách nhà nước là rất cần thiết bởi từ đó quyền của công dân trong tiếp cận thông tin và tham gia bàn bạc, kiểm tra, giám sát việc thu, chi ngân sách nhà nước ở tất cả các cấp sẽ được bảo đảm. Việc theo dõi thực hiện công khai thông tin, tài liệu ngân sách nhà nước cũng sẽ giúp các cấp chính quyền địa phương tuân thủ hơn việc trong thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến công khai ngân sách và bảo đảm quyền tham gia của công dân vào chu trình ngân sách nhà nước.

Rõ ràng, công khai ngân sách mang lại nhiều lợi ích cho chính các cơ quan quản lý cũng như toàn xã hội. Tuy nhiên, dựa trên kết quả nghiên cứu thực địa tại các địa phương, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược Việt Nam (VESS), Trưởng nhóm nghiên cứu cho rằng, việc cải thiện cũng như các thực hành tốt về công khai ngân sách hiện nay tại nước ta mới chỉ dừng lại ở cấp tỉnh, chủ yếu do sức ép cạnh tranh về các chỉ số.

“Chúng ta đang thiếu là một văn hóa minh bạch, trong đó người dân thấy minh bạch công khai là một nhu cầu, và chính quyền thấy đó là một nghĩa vụ hiển nhiên. Do đó, bên cạnh nhiều phương pháp căn cơ, dài hạn nhằm thúc đẩy văn hóa minh bạch, trước mắt cần cải thiện tính công khai, minh bạch thông qua việc thực hành công khai ngân sách ở các cấp thấp hơn, đầu tiên là cấp huyện, coi đó như một phần đánh giá mức độ công khai của các tỉnh, rồi tiếp đó sẽ là tới cấp thấp hơn”, ông Thành lưu ý.

Để tăng cường hơn nữa việc thực hiện công khai ngân sách, các chuyên gia của BTAP đề xuất, cần sửa đổi quy định về thời điểm công khai các tài liệu ngân sách theo hướng quy định cụ thể về thời gian, có thể xác định được nhằm tăng khả năng tiếp cận cũng như đóng góp ý kiến của người dân. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về hình thức công khai trực tuyến đối với tài liệu ngân sách cấp xã và các quỹ ngoài ngân sách ở cơ sở; có các hướng dẫn về biểu mẫu công khai quỹ ngoài ngân sách (cấp huyện có thể chịu trách nhiệm công khai các tài liệu này). Đồng thời, kéo dài thời gian công khai các tài liệu ngân sách xã thay vì chỉ quy định tối thiểu là 30 ngày tại trụ sở UBND xã; thống nhất các quy định về biểu mẫu công khai ngân sách để tạo thuận lợi cho các địa phương trong quá trình triển khai; rõ chế tài xử lý nếu không công khai hoặc chậm công khai ngân sách.

Về phía các địa phương cần tuân thủ và thực hiện đúng việc công khai các tài liệu ngân sách theo quy định. Việc công khai ngân sách tỉnh và huyện không chỉ thực hiên theo hình thức trực tuyến mà cần kết hợp đồng thời với việc công khai tại trụ sở UBND cấp xã, thậm chí là trụ sở khu, tổ dân phố, nơi thực sự gần gũi và dễ dàng tiếp cận với người dân.

TS. Vũ Sỹ Cường, chuyên gia tài chính công, Học viện Tài chính cho rằng, với nước đang phát triển như Việt Nam, khi thúc đẩy công khai ngân sách sẽ là cơ hội tốt để người dân hiểu hơn việc Nhà nước đang chi tiền vào đâo. Đây là điều rất quan trọng. Để thúc đẩy, mở rộng hơn quá trình công khai ngân sách, ông Cường lưu ý, vai trò của các tổ chức đoàn thể xã hội rất quan trọng nên cần được phát huy mạnh hơn. Đặc biệt, cần phải tăng trách nhiệm giải trình, khi đó sẽ đòi hỏi các cơ quan quản lý, các địa phương cố gắng nhiều hơn và điều này sẽ tốt hơn trong dài hạn, hướng tới cải cách hành chính tốt hơn.

Đan Thanh