Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả chia sẻ về việc mở đường công vụ ở Quảng Ngãi

- Thứ Tư, 07/06/2023, 06:20 - Chia sẻ

Ông Ngọ Trường Nam, Tổng Giám đốc Tập đoàn Đèo Cả cho biết, tuyến đường công vụ phục vụ thi công hầm số 2, 3 thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn nằm hoàn toàn trong phần đất rừng sản xuất đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

"Tiểu khu 334 không có rừng tự nhiên"

- Những ngày qua rộ lên thông tin Hạt kiểm lâm thị xã Đức Phổ, Quảng Ngãi phát hiện một khoảng rừng tự nhiên ở tiểu khu 334 bị phá để mở đường công vụ phục vụ dự án Quảng Ngãi - Hoài Nhơn mà Tập đoàn Đèo Cả đang thi công. Cụ thể vấn đề này như thế nào, thưa ông?

- Dự án thành phần Quảng Ngãi - Hoài Nhơn dài 88km thuộc dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025, do Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông Vận tải) làm chủ đầu tư và Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả là thành viên đứng đầu liên danh các nhà thầu thi công.

Ngọ Trường Nam, TGĐ Đèo Cả

Ngay sau khi khởi công vào đầu năm nay, Tập đoàn đã triển khai 32 mũi thi công với gần 1.000 nhân sự và gần 400 đầu máy thiết bị nhằm bảo đảm tiến độ dự án trọng điểm quốc gia. Trong đó, đặc biệt chú trọng triển khai các mũi thi công 3 hầm xuyên núi đi qua địa phận thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi và huyện Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Theo hồ sơ thiết kế được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt, để tiếp cận thi công hầm số 2, 3 thì phải mở mới đường công vụ dài 4,5km, diện tích rừng cần giải phóng khoảng 40.000m2. Trong đó, Bộ Giao thông Vận tải có chỉ dẫn, khi triển khai thi công, nhà thầu căn cứ điều kiện thực tế được phép điều chỉnh hướng tuyến đường công vụ cho phù hợp.

Trên cơ sở khảo sát thực địa, nhà thầu thi công nhận thấy có tuyến đường dân sinh hiện hữu rộng 4 - 6m dùng để vận chuyển lâm sản có thể cải tạo làm đường công vụ. Nhà thầu đã kiểm tra và xác định tuyến đường này nằm hoàn toàn trong phần đất trồng rừng sản xuất. Trên sổ đỏ Nhà nước cấp cho hộ dân thể hiện rõ là đất rừng sản xuất, ký hiệu loại đất trên bản đồ địa chính là RSM (Thông tư 55/2013/BTNMT quy định ký hiệu RSM là đất trồng rừng sản xuất - PV).  Vì vậy, nhà thầu đã ký hợp đồng thuê đất và mượn tuyến đường này với sự xác nhận của UBND xã Phổ Khánh để san gạt mặt đường, cải tạo khúc cua làm đường công vụ tiếp cận thi công.

- Theo như ông nói, việc cải tạo tuyến đường dân sinh này không gây ảnh hưởng đến rừng tự nhiên?

- Theo Quyết định số 2480/QĐ-UBND ngày 31.12.2015 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt kết quả rà soát điều chỉnh, bổ sung quy hoạch 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thì tiểu khu 334 (xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ) không có rừng tự nhiên (Phụ lục 3, trang 3).

Trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất Nhà nước cấp cho người dân mà Tập đoàn Đèo Cả ký hợp đồng thuê cũng đều ghi rõ đây là đất rừng sản xuất. Đây là cơ sở quan trọng để khẳng định tuyến đường này hoàn toàn nằm trong phần đất rừng trồng sản xuất, không phải đất rừng tự nhiên.

Bên cạnh đó, trong quá trình thi công dự án nói chung và cải tạo tuyến đường này nói riêng, chúng tôi luôn phối hợp với chính quyền địa phương và người dân. Tại khu vực dự án đều có pano thông tin về dự án, gói thầu để người dân biết và giám sát. Khi thi công gói thầu, nhà thầu và Ban điều hành dự án đều có thông báo khởi công gửi tới chính quyền địa phương. Hợp đồng thuê đất với người dân để cải tạo đường công vụ cũng được chính quyền địa phương xác nhận. Hai tuần trước, nhà thầu phối hợp với Ban điều hành dự án và địa phương ký quy chế phối hợp bảo đảm an toàn, an ninh dự án… Trong suốt quá trình đó chúng tôi không ghi nhận bất cứ thông tin nào liên quan đến đất rừng dự án, đất rừng tự nhiên.

Hơn nữa, theo Nghị quyết số 273/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tổng diện tích rừng tại tỉnh Quảng Ngãi chuyển đổi để thực hiện cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021 - 2025 là 43,4ha; trong đó 100% là rừng sản xuất (Phụ lục 01). Là một Tập đoàn lớn, có uy tín và luôn đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, Đèo Cả tuân thủ nghiêm quy định này.

Tận dụng đường dân sinh là phương án phù hợp thực tế

- Vì sao Đèo Cả tận dụng tuyến đường dân sinh hiện hữu để phục vụ thi công dự án thay vì mở mới theo thiết kế?

- Việc tận dụng tuyến đường dân sinh hiện hữu là phương án phù hợp trong thực tế, nằm hoàn toàn trong đất rừng sản xuất, phương án này giúp rút ngắn đường công vụ từ 4,5km (tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng khoảng 40.000m2) xuống còn 3,6km.

Quan trọng nhất là trong bối cảnh địa phương đang tích cực giải phóng mặt bằng, chuẩn bị nguyên vật liệu để triển khai dự án thì việc tận dụng đường dân sinh hiện hữu sẽ giúp nhà thầu sớm tiếp cận và thi công được các cửa hầm. Khu vực này sắp bước vào mùa mưa, nếu không nhanh chóng sẽ ảnh hưởng đến tiến độ hạng mục hầm và tiến độ chung của toàn dự án.

- Hiện tại, việc thi công tuyến đường công vụ này như thế nào, thưa ông?

- Sau khi tiếp nhận thông tin, Tập đoàn Đèo Cả đã tạm dừng các công việc hiện trường để báo cáo với Bộ Giao thông Vận tải, UBND tỉnh Quảng Ngãi và phối hợp với các đơn vị liên quan để làm rõ.

Quan điểm của Tập đoàn Đèo Cả là tập trung tháo gỡ các vướng mắc để thúc đẩy dự án trên tinh thần thượng tôn pháp luật, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ với chính quyền, công khai, minh bạch với truyền thông và người dân.

- Xin cảm ơn ông!

Hà Lan