Thương mại điện tử đang phát triển rực rỡ

- Thứ Bảy, 02/12/2023, 07:23 - Chia sẻ

Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải tại hội nghị "Phát triển thương mại điện tử bền vững" ngày 1.12. Từ chỗ xa lạ với người tiêu dùng, thương mại điện tử đã liên tục ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc ở mức 16 - 30%/năm và dự kiến quy mô thị trường sẽ đạt 20,5 tỷ USD trong năm 2023.

Cấu phần quan trọng của kinh tế số

Trải qua nhiều làn sóng phát triển, thương mại điện tử nước ta đã giữ được tốc độ tăng trưởng trung bình 20%/năm liên tục trong 15 năm qua, trừ giai đoạn ảnh hưởng bởi Covid-19. Bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số cho biết, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang được đánh giá có tốc độ tăng trưởng nằm trong nhóm Top 10 trên toàn thế giới và dự đoán tiếp tục thăng hạng trong 2 năm tới.

Với sự phát triển rực rỡ trong một thời gian dài của thương mại điện tử, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, khẳng định đây là cấu phần quan trọng của nền kinh tế số nước ta. Thị trường thương mại điện tử cũng đã hình thành các hệ thống cung ứng dịch vụ thứ cấp cho thị trường gồm: dịch vụ nền tảng công nghệ hỗ trợ giao dịch thương mại điện tử, các dịch vụ marketing, truyền thông tiếp thị trực tuyến, dịch vụ chuyển phát. Sự kết nối và chia sẻ của các hệ thống cung ứng dịch vụ này ngày càng giúp tối ưu quy trình liên kết giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng.

Đại diện Lazada, Shopee xác nhận, người tiêu dùng Việt Nam có xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng nhiều. Còn theo đại diện Viettel post, tỷ lệ người dùng internet mua sắm trực tuyến hàng tuần của Việt Nam chiếm 60,7%, nằm trong Top 10 khu vực châu Á.

Bên cạnh đó, thị trường thương mại điện tử đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc bảo đảm nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin cá nhân. Hạ tầng logistics thương mại điện tử còn chưa đáp ứng kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường.

Khiếu nại trong lĩnh vực thương mại điện tử gia tăng đáng kể. Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia cho biết, khiếu nại về thương mại điện tử năm 2022 chiếm khoảng 15% tổng số khiếu nại và 10 tháng năm 2023 chiếm khoảng 6%. Nguyên nhân chính là do chậm giao hàng (hỏng hóc, vỡ nát, nhận không đúng với đơn đặt hàng). Tiếp đến, người tiêu dùng không thỏa mãn với giải quyết của doanh nghiệp, hay hàng hóa không đúng với quảng cáo cũng như vấn nạn hàng gian, hàng giả…

Không thể thiếu yếu tố niềm tin

Theo bà Lê Hoàng Oanh, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, phát triển thương mại điện tử, bền vững không thể thiếu yếu tố niềm tin. “Trước hết là niềm tin của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia vào hệ sinh thái thương mại điện tử. Các doanh nghiệp nhỏ cần có niềm tin thị trường, cần có cơ chế bảo vệ họ để có thể sáng tạo mà không bị doanh nghiệp lớn chèn ép, cạnh tranh không lành mạnh. Với người tiêu dùng, họ cần có niềm tin vào chất lượng hàng hóa, tin rằng quyền lợi của họ được bảo vệ khi tham gia mua sắm trên thị trường thương mại điện tử”.

Trong 10 năm qua, mặc dù thị trường thương mại điện tử đã phát triển rất nhanh về lượng, nhưng lý do lớn nhất mà người tiêu dùng vẫn coi là trở ngại khi mua hàng trực tuyến vẫn là “Chất lượng kém so với quảng cáo”, “Không tin tưởng đơn vị bán hàng”, “Khó kiểm định chất lượng hàng hóa”. Để thay đổi được thực trạng này, bà Oanh cho rằng, bên cạnh việc thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và xử lý vi phạm thì cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật về cạnh canh trên môi trường thương mại điện tử, về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và xây dựng các quy tắc, chuẩn mực kinh doanh trên môi trường mạng.

Bà Nguyễn Quỳnh Anh, Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh Quốc gia, khuyến nghị người tiêu dùng nâng cao ý thức bảo vệ mình. Cụ thể là chủ động mua sắm hàng hóa trên các website đã đăng ký với Bộ Công thương, hay những doanh nghiệp đã được chứng nhận trên các sàn thương mại điện tử; thông báo cho cơ quan Nhà nước hàng hóa vi phạm để kịp thời ngăn ngừa gian thương trong lĩnh vực này.

Để phát triển thương mại điện tử bền vững, bà Lê Hoàng Oanh cho rằng, cần tính đến sự cân bằng và hài hòa lợi ích các bên liên quan, từ doanh nghiệp sản xuất, nền tảng thương mại điện tử, đơn vị dịch vụ chuyển phát, thanh toán cho đến người tiêu dùng. Xa hơn nữa là bảo đảm liên kết vùng trong phát triển thương mại điện tử bằng việc đầu tư phát triển các hạ tầng hỗ trợ như như logistics, hạ tầng công nghệ, cũng như các hoạt động đào tạo, nâng cao năng lực cho người lao động. Đặc biệt, khuyến khích các sản phẩm xanh, ưu tiên sử dụng các sản phẩm bảo vệ môi trường.

Vũ Quang